Thực nghiệm tự biện minh của Aronson và Carlsmith

20/12/2016

(Tamly) - Năm 1963, Elliot Aronson và J. Merrill Carlsmith đã công bố nghiên cứu của họ về ảnh hưởng của sự đe dọa đến việc thực hiện hành vi bị cấm. Trong đó, họ trình bày thực nghiệm về sự biện minh của trẻ mẫu giáo khi bị buộc phải vâng lời. Thực nghiệm này giúp cho việc lí giải tại sao trẻ thích chơi với đồ vật được cấm.
Mẫu: 22 trẻ trước tuổi đến trường, 11 trẻ trai và 11 trẻ gái; độ tuổi từ 3.8 đến 4.6.
 
Phương pháp: Trước khi tiến hành thực nghiệm, nghiệm viên đã đến trường trong vài tuần để chơi với bọn trẻ, vậy nên bọn trẻ đều quen biết với nghiệm viên trước khi thực nghiệm được tiến hành. Trong buổi thực nghiệm, nghiệm viên phỏng vấn trẻ về một loạt đồ chơi nhằm xác định trẻ thích món đồ chơi nào nhất và thấy nó hấp dẫn nhất. Sau đó, nghiệm viên chọn một món đồ chơi mà trẻ thực sự thích (món đồ chơi A) và đặt chúng ở trong phòng cùng với nhiều đồ chơi khác; trẻ được để lại một mình trong phòng với các món đồ chơi ấy. Trước khi ra khỏi phòng, nghiệm viên dặn đứa trẻ rằng: Họ sẽ ra ngoài một lúc, trong lúc đó trẻ có thể chơi với 1 hoặc 2 đồ chơi, nhưng không được chơi món đồ chơi hấp dẫn kia cho đến khi họ quay trở lại. 
 
1/2 số trẻ bị đe dọa trừng phạt ở mức độ vừa phải nếu chơi món đồ chơi đó: “Bác không muốn cháu chơi với món đồ chơi A. Nếu cháu chơi món đồ chơi đó, bác sẽ rất khó chịu. Nhưng cháu có thể chơi với tất cả các món đồ chơi khác trong khi bác ra ngoài. Bác sẽ trở lại ngay đó.” 
 
1/2 số trẻ bị đe dọa trừng phạt nặng nếu chơi món đồ chơi hấp dẫn kia: “Bác không muốn cháu chơi với món đồ chơi A. Nếu cháu chơi món đồ chơi đó, bác sẽ rất tức giận. Bác sẽ phải mang hết đồ chơi đi, về nhà và không bao giờ quay lại đây nữa. Cháu có thể chơi với tất cả các món đồ chơi khác trong khi bác ra ngoài, nhưng nếu cháu chơi món đồ chơi A, bác sẽ nghĩ cháu chỉ là một đứa trẻ mới sinh. Bác sẽ trở lại ngay đó.” 
 
Tất cả trẻ em trong nghiên cứu đã kiềm chế không chơi món đồ chơi đó. Sau đó, nghiệm viên quay lại và bảo trẻ có thể tự do chơi với món đồ mà trẻ thích. 
 
Kết quả: Những trẻ bị đe dọa vừa phải ít chơi với đồ chơi ưa thích hơn mặc dù các mối đe dọa đã được gỡ bỏ. Sau đó, các trẻ này tự biện minh về lí do ít chơi với đồ chơi đó. Trẻ bị dọa vừa phải đánh giá đồ chơi ưa thích không tích cực bằng trẻ bị dọa nặng nề.
 
Kết luận: Các tác giả giải thích rằng trẻ cần phải giảm sự bất hòa nảy sinh khi không được chơi với đồ chơi mình thích nhất, tìm lí do biện minh cho hành động vâng lời của mình. Trong quá trình biện minh, những niềm tin cá nhân và thái độ của cá nhân không thay đổi nếu cá nhân đó có lý do tốt bên ngoài cho hành động của mình. Những đứa trẻ bị đe dọa trừng phạt nghiêm trọng có một lý do tốt bên ngoài để không chơi với đồ chơi đó bởi vì chúng biết rằng chúng sẽ bị trừng phạt nặng nếu chơi. Tuy nhiên, chúng vẫn muốn có đồ chơi đó, vì vậy một khi các hình phạt đã được gỡ bỏ, chúng có nhiều khả năng để chơi với món đồ chơi đó.
 
Ngược lại, những đứa trẻ bị đe dọa vừa phải không có đủ lí do để biện minh, vì chúng phải biện minh cho bản thân tại sao chúng không muốn chơi với đồ chơi ấy khi mà các động lực bên ngoài - mức độ trừng phạt - không đủ mạnh đối với chúng. Nói cách khác, sự bất hòa là lớn hơn đối với trẻ bị đe dọa vừa phải, vì chúng ít có sự biện minh để không chạm tay vào món đồ chơi hấp dẫn hơn so với trẻ bị đe dọa trừng phạt nặng nề. Vì vậy trẻ bị dọa vừa phải tìm cách điều chỉnh thái độ đối với hành vi của mình. Kết quả là, chúng đã thuyết phục bản thân rằng món đồ chơi không đáng để chơi (món đồ chơi bị cấm kém hấp dẫn), đó là lý do tại sao ngay cả khi các hình phạt đã được gỡ bỏ chúng vẫn không chơi với các đồ chơi mà ban đầu chúng rất thích.
 
Ứng dụng: Đây chính là bằng chứng cho hội chứng “nho xanh” và “trái cấm”. Để làm giảm sự bất hòa (thích chơi đồ chơi A nhưng không chơi), những đứa trẻ bị đe dọa vừa phải đã chê bai món đồ chơi, cho rằng nó không hấp dẫn. Ngược lại, những đứa trẻ bị đe dọa nặng nề thì vẫn thấy món đồ chơi đó thú vị dù bị đe dọa trừng phạt nặng. Thực nghiệm này giúp giải thích vì sao trẻ thích chơi với đồ chơi bị cấm. Nếu cha mẹ muốn tạo ra thái độ ổn định thì không nên trừng phạt nặng nề, bởi vì thái độ sẽ tiếp diễn nếu như đe dọa về trừng phạt và cùng với nó là sự biện minh để vâng lời bị mất đi.

PH. (Tổng hợp và lược dịch)