Một hay hai bộ não? (Phần 2)

19/06/2018

(Tamly) - Dựa trên những trường hợp đã phẫu thuật thể chai, các nhà tâm lý học tiến hành nghiên cứu năng lực ngôn ngữ, thị giác, xúc giác... của hai bán cầu não ở người và đưa ra những kết quả thú vị.

         Các nhà nghiên cứu muốn tìm hiểu mức độ độc lập của hai bán cầu não cũng như năng lực chuyên biệt của chúng. Việc phối hợp giữa hai bán cầu não sẽ như thế nào nếu thể chai bị cắt? Nếu ngôn ngữ do bán cầu não trái điều khiển, việc phẫu thuật bán cầu não này sẽ khiến năng lực nói và hiểu ngôn ngữ sẽ bị tác động như thế nào? Khả năng tư duy có tồn tại ở cả hai bán cầu não không? Chức năng tâm lý của con người sẽ thế nào nếu hai bán cầu não có sự tách biệt nhau?... Những câu hỏi trên được Sperry và Gazzaniga cố gắng tìm hiểu trong các nghiên cứu về các trường hợp có sự tách biệt hai bán cầu não.

          Trước khi tiến hành các kiểm tra và xem xét kết quả các nghiên cứu về năng lực thị giác, thính giác và xúc giác của người bệnh, các tác giả khẳng định các đặc điểm về nhân cách, mức độ trí tuệ, cũng như phản ứng cảm xúc của người bệnh không thay đổi so với trước khi họ được tiến hành phẫu thuật.

           Dưới đây là một số kết quả thực nghiệm:

          Thị giác: Bệnh nhân được bố trí ngồi trước một tấm bảng và tập trung vào giữa bảng. Sau đó, ánh đèn flash sẽ được nháy ở cả hai phía phải và trái của bảng. Tiếp theo nhà tâm lý hỏi bệnh nhân về những gì họ nhìn thấy. Các bệnh nhân được hỏi đã trả lời phía bên phải bảng được chiếu đèn flash. Tiếp đó, nhà nghiên cứu chỉ chiếu ánh sáng lên phía bên trái bảng và bệnh nhân trả lời không thấy gì cả. Logic được rút ra ở đây là não bên phải của bệnh nhân bị “mù”. Tuy nhiên, có một bất ngờ xảy ra: Ánh sáng được nháy một lần nữa ở cả hai bên của bảng và bệnh nhân được yêu cầu chỉ ra các ánh sáng vừa được chiếu. Mặc dù họ vừa nói nhìn thấy ánh sáng bên phải của bảng nhưng họ lại chỉ ra ánh sáng ở cả hai phía!

          Từ cách thực nghiệm này, các tác giả rút ra cả hai bên của não đều “nhìn” thấy ánh sáng. Nhưng điều quan trọng là khi họ nói/trả lời (sai) không có nghĩa là họ không nhìn thấy mà sự thực là trung khu phụ trách việc nói/phát âm nằm ở bên bán cầu não trái. Nói cách khác để bạn có thể nói bạn nhìn thấy gì thì hình ảnh phải truyền về bán cầu não trái của bạn.

          Xúc giác: Bạn có thể làm thí nghiệm này với bản thân mình bằng cách cầm một vật quen thuộc (thìa, bút, điện thoại…) và đưa ra sau lưng. Dù cho bạn cầm bằng tay trái hay phải thì bạn đều có thể đọc chính xác tên của vật đó. Và điều này cũng được hai tác giả Sperry và Gazzaniga tiến hành với các bệnh nhân đã phẫu thuật thể chai. Khi một vật được đặt vào tay phải bệnh nhân (bệnh nhân không được nhìn thấy hay nghe đến nó), tín hiệu về vật được cầm trong tay phải sẽ truyền về bán cầu não trái và bệnh nhân có thể đọc tên, miêu tả chúng. Sau đó, những vật tương tự được đặt vào tay trái (vùng não phải phụ trách), bệnh nhân không thể đọc tên vật đó. Như phần trên đã đề cập, năng lực ngôn ngữ liên quan đến bán cầu não trái. Và với người bình thường, sở dĩ họ có thể nói tên một vật cầm trên tay trái dù không nhìn thấy nó là vì thông tin được truyền từ bán cầu não phải sẽ được truyền sang bán cầu não trái thông qua thể chai.

          Thính giác: Khi bệnh nhân được yêu cầu không nhìn và dùng tay trái của mình lấy từ trong túi ra một vật cụ thể, họ có thể làm dễ dàng. Điều này chứng tỏ bán cầu não phải hiểu ngôn ngữ.

           Một thí nghiệm phức tạp hơn được tiến hành khi nhà nghiên cứu yêu cầu bệnh nhân tìm một loại quả mà loài khỉ yêu thích, bệnh nhân lấy quả chuối ra. Tuy nhiên, với loại quả, đồ vật tương tự đó nhưng bệnh nhân không được nhìn mà chỉ sử dụng tay trái thì bệnh nhân không thể trả lời nhà tâm lý đó là quả/vật gì. Nói cách khác, khi một yêu cầu ngôn ngữ được đưa ra, bán cầu não phải không thể “nói”.

          Tóm lại, bán cầu não trái của chúng ta ưu thế hơn về phát âm (ở một số người thuận tay trái, điều này có thể ngược lại). Vậy bán cầu não phải sẽ ưu thế ở khía cạnh nào? Sperry và cộng sự đã chứng minh các nhiệm vụ liên quan đến thị giác, không gian, hình dáng được thực hiện tốt hơn ở tay trái (dù tất cả các bệnh nhân tham gia thí nghiệm đều thuận tay phải).

MVH.

(lược dịch từ cuốn “Forty studies that changed psychology”, Roger R.Hock, 1992).

 

 

MVH