Mark Rosenzweig đã lựa chọn 12 lứa, mỗi lứa 03 chuột đực con để tìm hiểu có hay không việc môi trường phức tạp và không phức tạp ảnh hưởng tới não bộ của những con chuột con cùng lứa. Những chuột con được lựa chọn sau đó được đưa ngẫu nhiên vào 03 điều kiện chăm sóc khác nhau. Con thứ nhất được đưa vào lồng với điều kiện thoải mái, được cung cấp đầy đủ về không gian, đồ chơi, thức ăn và nước uống, trong lồng này còn có một vài chú chuột khác như khi chúng sống trong bầy đàn; con thứ hai được đưa vào lồng với môi trường sống đầy đủ thức ăn, đồ vật để có thể chơi và con thứ ba sống trong lồng hẹp, một mình và có được cung cấp đủ thức ăn, nước uống.
Thời gian những con chuột sống trong lồng với 03 điều kiện sống khác nhau này trong khoảng từ 4 – 10 tuần. Sau đó các nhà nghiên cứu tiến hành giải phẫu não của chúng. Để đảm bảo cho sự khách quan của nghiên cứu, những người giải phẫu não chuột chỉ biết số thứ tự mà không hề biết con chuột đó được nuôi trong điều kiện như thế nào. Các nhà nghiên cứu sẽ tập trung vào đo đạc, phân tích sự phát triển của các tế bào não, hoạt động dẫn truyền thần kinh… Các nhà nghiên cứu cũng tập trung tìm hiểu chất dẫn truyền thần kinh có tên acetylcholinesterase; đây là chất dẫn truyền thần kinh quan trọng giúp cho xung thần kinh được truyền đi nhanh và hiệu quả hơn..
Kết quả giải phẫu cho thấy não của những con chuột được nuôi trong các lồng có điều kiện sống đầy đủ khác nhiều với não của những con chuột nuôi trong các lồng có điều kiện nghèo nàn. Vỏ não của những con chuột sống trong lồng có điều kiện chăm sóc tốt dày và nặng hơn một cách đáng kể với vỏ não những con chuột sống trong điều kiện kém hơn. Vỏ não là một phần của não liên quan tới sự trải nghiệm và các chức năng vận động, trí nhớ, học tập và các thụ cảm thể (thị giác, thính giác, xúc giác, vị giác, khứu giác). Đồng thời, chất dẫn truyền thần kinh acetylcholinesterase cũng được tìm thấy ở những chú chuột thuộc nhóm có điều kiện sống tốt hơn.
Trong não người cũng như não chuột, có hàng triệu tế bào thần kinh đệm (glial cells). Chúng không tham gia trực tiếp vào việc dẫn truyền xung thần kinh (được tiến hành bởi các neuron), mà thực hiện chức năng hỗ trợ quá trình này. Tế bào thần kinh đệm liên quan đến sự hình thành vỏ myelin. Vỏ myelin có chức năng bảo vệ dây thần kinh và làm cho việc dẫn truyền thần kinh được nhanh hơn… Kết quả từ phân tích não chuột trong nghiên cứu này đã phát hiện so với những con chuột được nuôi trong môi trường nghèo nàn, thì não của những con chuột được nuôi trong điều kiện đầy đủ có nhiều tế bào thần kinh đệm trong não hơn hẳn. Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra tỷ lệ RNA và DNA, hai chất hóa học quan trọng nhất cho sự phát triển tế bào, nhiều hơn hẳn ở những con chuột sống trong lồng có điều kiện tốt. Điều này khẳng định trong não chuột có điều kiện sống tốt hoạt động hóa học ở mức cao hơn.
Bên cạnh kết quả trên, sự khác biệt trong synap của hai nhóm chuột cũng được phát hiện. Synap là điểm mà hai tế bào thần kinh gặp nhau. Hầu hết hoạt động của não xuất hiện ở các synap nơi một xung thần kinh hoặc được truyền từ tế bào thần kinh này sang tế bào thần kinh khác hoặc bị dừng lại. Sử dụng kính hiển vi điện tử, các nhà nghiên cứu nhận thấy synap của những con chuột sống trong điều kiện tốt nhiều hơn 50% so với những con chuột sống trong điều kiện thiếu thốn.
Rosenzweig và các cộng sự của ông đã khẳng định: Mặc dù não không to hơn bởi tác động của môi trường sống, nhưng chúng ta có thể chắc chắn kết quả nghiên cứu là tin cậy. Khi những nghiên cứu được lặp lại, những khác biệt nói trên cũng tiếp tục được khẳng định. Tác động rõ ràng nhất của trải nghiệm tới não bộ là tỷ lệ của vỏ não trong toàn bộ não nói chung được tăng lên.
MVH.
(dịch từ cuốn “Forty studies that changed psychology”, Roger R.Hock, 1992).