Cơ sở lý luận
Cảm giác và tri giác là hai khái niệm quan trọng trong lĩnh vực tâm lý học và dù chúng được xem xét như hai khái niệm tách rời khi nghiên cứu, nhưng trong thực tế, chúng có liên quan chặt chẽ với nhau. Cảm giác đề cập tới thông tin mà cơ thể đang liên tục nhận được từ môi trường thông qua các giác quan. Mỗi giây phút, chúng ta nhận được rất nhiều tín hiệu từ các cơ quan cảm giác như âm thanh, ánh sáng, mùi vị… Nếu chú ý, ta có thể nhận thấy tiếng máy tính, thấy bức tranh trên tường, bầu trời xanh ngoài cửa sổ, ánh đèn trên bàn làm việc, mùi vị của quả táo vừa ăn… những thứ mà chỉ một phút trước, ta không để ý và không nhận ra. Chúng ta lọc các thông tin bên ngoài và sử dụng một tỷ lệ nhỏ các thông tin đó. Nếu cơ chế chắt lọc thông tin này không hoạt động, chúng ta có thể bị quá tải bởi các thông tin, kích thích từ bên ngoài và khó có thể tồn tại.
Những thông tin, cảm giác cụ thể (những gì bạn nhìn, nghe, nếm…) được gửi đến cơ thể theo một cách thức có tổ chức bởi năng lực tri giác. Những cảm giác chính là “nguyên liệu thô” cho tri giác của chúng ta. Quá trình tri giác của não bộ liên quan đến 03 hoạt động gồm: 1. Lựa chọn cảm giác để hướng sự chú ý tới nó; 2. Sắp xếp những cảm giác đó vào mô hình có thể nhận thức; 3. Giải thích và đánh giá thế giới xung quanh. Như vậy, tri giác đề cập tới việc chúng ta tiếp nhận, xử lý các thông tin lộn xộn và tạo ra ý nghĩa của chúng. Cảm giác thị giác của bạn về trang sách đang đọc là những hình thù màu đen trên nền trắng. Đó là những gì được chiếu lên võng mạc mắt và được gửi tới các vùng xử lý thông tin thị giác của não bộ. Bạn dành sự chú ý cho trang sách đó, tổ chức các thông tin đơn lẻ, giải thích chúng và chúng trở thành các từ ngữ, các câu và ý nghĩa cụ thể.
Não bộ có những cách thức khác nhau để sắp xếp thông tin từ các giác quan và hiểu chúng. Một trong những cách thức được sử dụng nhiều nhất là hình và nền (figure – ground) với ví dụ cụ thể là bức tranh bạn đang nhìn thấy. Khi nhìn vào bức tranh, một vài người có thể nhìn thấy bình hoa, những người khác lại có thể nhìn thấy hai khuôn mặt đang đối diện nhau. Nếu nhìn vào bình hoa (hình) thì hai khuôn mặt (nền) mờ đi; ngược lại, nếu tập trung vào hai khuôn mặt (hình) thì bình hoa trở thành nền. Các cảm giác được đặt trong mối quan hệ hình và nền là xu hướng tự nhiên trong quá trình tri giác. Nó giúp quá trình tiếp nhận thông tin bên ngoài của chúng ta được sắp xếp một cách hợp lý. Hãy thử tưởng tượng chúng ta cố gắng tìm ra một người trong đám đông, nếu không có năng lực tri giác hình và nền, nhiệm vụ này sẽ không thể được thực hiện. Khi người lính mặc đồ ngụy trang, sẽ rất khó khăn cho đối phương để phân biệt hình (người lính) và nền (mặt đất, cây cối).
Sự ổn định, bền vững của tri giác là một chiến lược khác được sử dụng để sắp xếp các cảm giác lộn xộn. Nó hàm nghĩa tri giác của chúng ta biết được những đặc tính tương tự của sự vật dù thông tin về cảm giác của chúng ta mang lại có thể thay đổi. Một trong những biểu hiện của nó là sự ổn định về hình dáng (shape constancy), ví dụ như ta đi xung quanh một cái ghế, hình ảnh về cái ghế được chiếu lên võng mạc của chúng ta thay đổi theo từng bước chân, nhưng tri giác của chúng ta về hình ảnh cái ghế vẫn không thay đổi. Sự ổn định về kích thước (size constancy) cũng là một biểu hiện khác của tính ổn định, bền vững trong tri giác. Nó cho phép chúng ta tri giác kích thước của một vật không thay đổi dù khoảng cách của chúng ta đến sự vật đó có thể thay đổi. Ví dụ như chiếc xe bus ở cách xa ta có thể đem lại hình ảnh thị giác với kích thước như một chiếc xe bus đồ chơi, tuy nhiên, tri giác của chúng ta vẫn nhận rõ kích thước thật của nó.
Tuy vậy, đôi khi tri giác của chúng ta vẫn bị đánh lừa. Một đạo diễn phim có thể tạo ra cảnh chiếc thuyền bị cơn bão mạnh quăng quật chỉ bằng việc sử dụng một chiếc thuyền mô hình rất nhỏ. Chúng ta thấy chiếc thuyền có kích thước như thật vì tri giác của chúng ta có đặc tính giữ ổn định về kích thước và trong bối cảnh phim cũng không có những vật khác để ta có thể so sánh và nhận ra.
Vậy, năng lực tri giác được đề cập ở trên là bẩm sinh hay do học tập mà có? Nghiên cứu trên những người bị mù từ lúc sinh và sau đó có thể nhìn trở lại cho thấy năng lực tri giác hình – nền là bẩm sinh. Trong khi đó, sự ổn định của tri giác lại là sản phẩm của trải nghiệm cá nhân. Khi một đứa trẻ dưới 5 tuổi trông thấy một chiếc xe hay tàu ở khoảng cách xa, chúng nhìn chiếc xe đó không khác gì một đồ chơi và thậm chí đòi lấy chiếc tàu, xe đó làm đồ chơi; đến khoảng 7 - 8 tuổi trẻ đã phát triển khả năng nhận biết sự ổn định về kích thước để đánh giá chính xác vật đó dù khoảng cách xa hay gần.
Câu hỏi đặt ra là những trải nghiệm như thế nào khiến con người có thể phát triển những năng lực tri giác vốn không phải bẩm sinh? Và có hay không việc bối cảnh sinh sống từ khi còn là một đứa trẻ đến khi trưởng thành khiến con người ta không có năng lực tri giác nói trên? Từ những câu hỏi đó, chúng ta sẽ xem xét nghiên cứu của Turbull, C.M. (1961) được công bố trên tạp chí America Journal of Psychology về năng lực tri giác của con người.
(Còn nữa)
MVH.
(dịch từ cuốn “Forty studies that changed psychology”, Roger R.Hock, 1992).