Nghiên cứu về tri giác chiều sâu

05/08/2018

(Tamly) - Ở nội dung trước, chúng ta đã biết nghiên cứu của Turnbull về năng lực tri giác kích thước của vật ở khoảng cách xa. Kenge, một thanh niên của tộc người BaMbuti Pygmy, trong môi trường sống ở rừng sâu, anh ta không có những kinh nghiệm cần thiết để phát triển khả năng tri giác sự ổn định về kích thước (size constancy). Năng lực tri giác thị giác luôn là chủ đề thú vị, tiếp sau bài viết trước chủ yếu tập trung về tri giác theo chiều ngang, bài viết này sẽ giới thiệu nghiên cứu về năng lực tri giác chiều sâu.

Nhiều nhà tâm lý học cho rằng khả năng tri giác chiều sâu (depth perception) là khả năng quan trọng nhất trong các năng lực tri giác thị giác của con người. Sẽ khó tồn tại đến thế nào nếu trước mặt là vực đá mà người ta vẫn tiếp tục bước đi! Từ quan điểm đó, Eleanor Gibson và Richard Walk đã nghiên cứu thực nghiệm trên người và một số động vật khác để trả lời các câu hỏi năng lực tri giác chiều sâu là do bẩm sinh học do học tập?

Thiết kế nghiên cứu

Để tiến hành nghiên cứu về tri giác chiều sâu, nhóm tác giả đã bố trí một chiếc bàn có độ cao 4 feet. Trên mặt bàn là tấm kính dầy, chắc chắn. Mặt bàn được chia làm hai nửa, một nửa kính được trang trí kẻ ô vuông ca-rô và không thể nhìn xuống đáy (nửa nông); nửa mặt kính còn lại của bàn được bố trí trong suốt, có thể nhìn xuống dưới bàn (nửa sâu).

Để so sánh sự phát triển tri giác chiều sâu của con người và cả các loài động vật khác, nhóm nghiên cứu không chỉ tiến hành với con người mà còn với cả một số con non của các loài động vật khác gồm gà, rùa, chuột, cừu, dê, lợn, mèo và chó. Với các con non của động vật, chúng đơn giản được đặt vào vị trí giữa của bàn và các nhà nghiên cứu quan sát phản ứng của chúng với độ sâu ngay bên cạnh, với các em nhỏ, chúng được mẹ đứng ở phía mép bàn trong suốt và gọi chúng bò sang.

Có thể nói, để có câu trả lời cho câu hỏi tri giác chiều sâu là do học tập hay do bẩm sinh cũng như thời gian hình thành loại tri giác này… thì thiết kế nghiên cứu của Eleanor Gibson và Richard Walk là hợp lý bởi nhà nghiên cứu không thể hỏi trực tiếp cũng như không thể tiến hành thực  nghiệm tại môi trường tự nhiên, nơi có vực sâu.

Kết quả

9 đứa trẻ trong nghiên cứu này đã hoàn toàn từ chối việc di chuyển khi được đặt lên bàn. Các nhà nghiên cứu đã không giải thích tại sao, có lẽ lý do chỉ đơn giản là chúng bướng bình, không nghe lời. Khi mẹ của 27 đứa trẻ đứng ở phía nông của bàn và gọi chúng, tất cả các trẻ đều bò về phía mẹ. Khi mẹ gọi từ phía sâu của bàn, có 3 trẻ bò sang và rất lưỡng lự, ngập ngừng ở mép vực; hầu hết các trẻ hoặc là bò về phía nông hoặc khóc vì không biết cách nào để đến gần mẹ ngoại trừ việc bò qua vực sâu. “Bọn trẻ thường nhìn xuống phía dưới xuyên qua lớp kính và quay lại. Những đứa khác vỗ vào mặt kính và dù chúng thấy đó là vật cứng nhưng vẫn từ chối bò qua”.

Kết quả này liệu đã đủ để chứng minh khả năng tri giác chiều sâu của trẻ là bẩm sinh hay chưa? Câu trả lời là chưa vì những đứa trẻ này ít nhất đã có 6 tháng kinh nghiệm trong cuộc sống để học về chiều sâu bằng phương pháp thử - sai. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu lại không thể nghiên cứu ở trẻ trước 6 tháng tuổi vì chúng chưa biết bò. Vì lý do này, nhóm tác giả quyết định làm thực nghiệm với các loại động vật khác như một sự so sánh. Chúng ta đã biết rằng hầu hết các loài động vật có khả năng di chuyển sớm hơn con người. Kết quả nghiên cứu về tri giác chiều sâu ở các loài động vật cho kết quả thú vị và tri giác chiều sâu như một kỹ năng để sinh tồn của chúng.

Đối với gà con, chúng phải bới đất để tìm thức ăn ngay khi vừa nở, vì vậy khi tiến hành kiểm tra tri giác thị giác, dù mới nở ra chưa đến 24 giờ, chúng không mắc sai lầm và không đi vào vùng kính sâu.

Đối với dê và cừu, chúng có khả năng đứng dậy rất sớm sau khi được sinh ra. Ngay khi vừa bước đi, cũng như gà con, chúng đã có khả năng phản ứng chính xác với bài kiểm tra tri giác chiều sâu. Khi một nhà nghiên cứu đặt dê con 01 ngày tuổi vào phía sâu của tấm kính, nó tỏ ra hoảng sợ và đề phòng. Sau đó, dê con được đặt vào khu vực nông của kính, nó tỏ ra thoải mái và nhảy lên như với một bề mặt cứng. Điều đó cho thấy tri giác chiều sâu đã kiểm soát phản ứng của chúng và khả năng cảm nhận vật cứng ở phía kính có chiều sâu không ảnh hưởng gì tới phản ứng của chúng.

Đối với chuột thì câu chuyện lại khác hẳn. Nó không có biểu hiện thích thú hay hướng đến khu vực nông của bàn kính. Nói cách khác, nó không hoảng sợ khi được đặt vào khu vực có chiều sâu. Điều này được các tác giả giải thích như sau: Chuột không phụ thuộc vào thị giác để sinh tồn và vì vậy thị giác của chúng cũng không quá phát triển. Nó là sinh vật ăn đêm, nó xác định vị trí của thức ăn thông qua khứu giác và di chuyển đến nơi có thức ăn, thị giác không quyết định hướng đi của chuột. Vì vậy, khi đặt vào giữa bàn kính, bên nông hay sâu của bàn đều tương tự nhau.

Bạn có thể đoán, kết quả thực nghiệm của mèo con cũng sẽ giống chuột vì chúng đều là động vật hoạt động vào đêm và đều có khứu giác rất phát triển. Tuy nhiên, mèo là động vật ăn thịt chứ không tìm thức ăn trong rác như chuột. Vì vậy, chúng phụ thuộc nhiều vào thị giác. Và mèo con có khả năng tri giác chiều sâu rất tốt ngay khi chúng có khả năng đi lại (khoảng 4 tuần tuổi).

Trong nghiên cứu này, động vật có khả năng kém nhất trong thí nghiệm tri giác chiều sâu là rùa. Rùa thuộc động vật sống dưới nước, vậy nên các nhà nghiên cứu đoán nó có thể yêu thích phía sâu của bàn kính. Tuy vậy, rùa đủ thông minh để biết nó đang không ở môi trường nước và 76% số rùa con bò về phía nông của bàn kính và 24% còn lại thì vượt “ranh giới vực sâu”. Môi trường sống dưới nước đã khiến chúng không phát triển tri giác chiều sâu như các loài động vật đã nói trên vì đó không phải là điều giá trị với sự sinh tồn của chúng nhìn từ góc độ tránh việc bị rơi, ngã.

Gibson và Walk cho rằng những điều họ quan sát từ các động vật phù hợp với thuyết tiến hóa. Theo đó, để tồn tại thì tất cả các loài động vật phải phát triển khả năng tri giác chiều sâu trước khi chúng có khả năng di chuyển một cách độc lập. Đối với trẻ con, điều này không xuất hiện cho đến khi chúng được 6 tháng tuổi, nhưng đối với dê con hay gà con, điều này xuất hiện gần như ngay lập tức, với chuột mèo, chó là ở 4 tuần tuổi. Các tác giả cũng kết luận, tri giác chiều sâu là khả năng bẩm sinh, bởi nếu nó được hình thành thông qua phương pháp thử - sai thì sẽ tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, đe dọa sự tồn tại. Vấn đề đặt ra là nếu chúng ta được chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt sinh học như vậy, tại sao vẫn có nhiều trẻ em bị ngã từ độ cao? Các tác giả cho rằng điều đó là do khả năng tri giác chiều sâu của trẻ em hoàn thiện sớm hơn kỹ năng vận động.

MVH

(Dịch từ cuốn “Forty studies that changed psychology”, Roger R.Hock, 1992).