Các nội dung thú vị về giấc mơ thông qua các nghiên cứu của Eugene Aserinsky và William Dement được chia thành 3 phần: Phần đầu sẽ giới thiệu với các bạn một số phát hiện của Aserinsky về mối liên hệ giữa giấc ngủ - giấc mơ và chuyển động mắt. Phần hai giới thiệu sâu hơn về các pha/chu kỳ ngủ và chuyển động mắt (rapid eye movement, REM). Phần cuối là những câu hỏi được đặt ra và trả lời bởi Dement về giấc mơ liên quan đến việc vai trò của giấc mơ trong khi ngủ.
Bài viết này tập trung vào việc trình bày phần một của nghiên cứu: Một số phát hiện ủa Aserinsky về mối liên hệ giữa giấc ngủ - giấc mơ và chuyển động mắt
Vào năm 1952, Eugene Aserinsky đã nghiên cứu về giấc ngủ trong khi làm luận văn tốt nghiệp. Một phần nghiên cứu của ông được tiến hành bằng việc quan sát giấc ngủ của trẻ em. Ông nhận thấy rằng trong khi trẻ ngủ, có sự xuất hiện theo định kỳ của việc chuyển động mắt. Từ đó, ông đưa ra giả thuyết rằng những giai đoạn của chuyển động của mắt có liên quan tới giấc mơ. Tuy nhiên, những đứa trẻ sơ sinh mà ông tiến hành quan sát trong nghiên cứu của mình không thể nói cho ông rõ chúng có mơ hay không. Vì vậy, để trả lời câu hỏi này, ông mở rộng nghiên cứu của mình sang cả đối tượng là người lớn.
Aserinsky và đồng nghiệp của mình, Nathaniel Kleitman đã lựa chọn 20 người trưởng thành để tiến hành nghiên cứu. Các thiết bị đo điện cực hoạt động một cách nhạy cảm được gắn với các vùng cơ xung quanh mắt của người tham gia thí nghiệm và tín hiệu điện được truyền sang phòng bên cạnh. Điều đó cho phép những người tham gia vào thí nghiệm có thể ngủ một cách bình thường. Trong đêm, những người tham gia thí nghiệm bị đánh thức và hỏi khi mắt có chuyển động hoặc khi mắt không chuyển động. Các câu hỏi xoay quanh việc họ có vừa mơ hay không và họ có nhớ nội dung vừa mơ hay không.
Kết quả nghiên cứu thực sự thú vị. Trong tổng số 27 lần các khách thể nghiên cứu bị đánh thức dậy để hỏi khi họ đang di chuyển mắt, có 20 người có thể kể lại giấc mơ một cách chi tiết, 7 người cho biết họ dường như vừa mơ nhưng không thể nói chi tiết nội dung giấc mơ là gì. Trong giai đoạn ngủ không di chuyển mắt, có 23 lần nghiệm thể bị đánh thức dậy thì 19 người cho biết họ không mơ, 4 người cảm thấy một cách mơ hồ họ đang mơ nhưng không thể nhớ nội dung giấc mơ là gì. Trong một số trường hợp, nghiệm thể được cho phép ngủ suốt đêm mà không bị đánh thức dậy. Kết quả nghiên cứu cho thấy họ trải qua 3 – 4 lần di chuyển mắt trong suốt 7 tiếng ngủ.
Từ phát hiện của Aserinsky về giấc ngủ REM (rapid eye movement), hay con gọi là chuyển động mắt khi ngủ, nhiều nghiên cứu đã được tiến hành với sự hỗ trợ của các thiết bị đo đạc ngày càng hiện đại hơn nhằm phát hiện những bí mật của giấc ngủ và giấc mơ.
Nhờ các nghiên cứu này chúng ta biết rằng khi ngủ, con người trả qua 4 giai đoạn. Tiếp sau giai đoạn ngủ sâu nhất (giai đoạn 4), con người dần quay trở lại trạng thái ngủ nông. Khi bạn quay lại giai đoạn ngủ đầu tiên (giai đoạn 1), hiện tượng REM xuất hiện. Giấc mơ của bạn xuất hiện trong giai đoạn này. Điều thú vị là dù mắt chuyển động, cơ thể bạn hầu như không hoạt động. Đây là một cơ chế sinh tồn quan trọng giúp bạn không có những hành động có thể gây tổn hại khi ngủ.
Sau giai đoạn ngắn của REM, bạn quay lại với 4 bước của chu kỳ ngủ, được gọi là không chuyển động mắt (NON-REM - non rapid eye movement - NREM). Trong một đêm, bạn sẽ trải qua 5-6 lần REM và NREM. Lần thứ nhất ở trạng thái REM khi người ta ngủ được khoảng 90 phút. Tất cả mọi người đều mơ khi ngủ, kể cả với những người không nhớ họ đã mơ.
MVH (lược dịch)
(Còn nữa)
Tài liệu tham khảo:
1. Roger R.Hock (1992). Forty studies that changed psychology, pp. 34 - 36, Publish: PRENTICE HALL, Englewood Cliffs New Jersey 07632
(Forty studies that changed psychology)