Ngủ là mơ (phần 2)

28/10/2019

(Tamly) - Bài viết trong phần 1 đã giới thiệu với bạn đọc về nghiên cứu của Eugene Aserinsky và William Dement...... Trong phần 2 này, bài viết tiếp tục giới thiệu về giấc ngủ với các thiết kế của William Dement về các thí nghiệm nhằm làm sáng tỏ tác động của việc thiếu giấc mơ với nghiệm thể

Những tri thức được công bố trong phần 1 được phát hiện bởi Aserinsky trong đầu những năm 50 của thế kỷ trước. Từ những tri thức đó, William Dement tiếp tục nghiên cứu sâu hơn về giấc ngủ và giấc mơ bằng việc tập trung làm rõ chức năng và ý nghĩa của giấc mơ. Từ ý kiến cho rằng giấc mơ sẽ xuất hiện với tất cả mọi người trong khi ngủ, Dement đã đặt ra câu hỏi: Liệu các chức năng của con người sẽ thế nào nếu giấc mơ của họ bị ngăn chặn? Giấc mơ có phải là thiết yếu với cả tâm lý và thể chất của con người hay không? Từ những câu hỏi này, Dement tìm câu trả lời ở những người bị loại trừ cơ hội xuất hiện giấc mơ bằng cách đánh thức những người tham gia nghiên cứu dậy khi họ bắt đầu vào giai đoạn REM của giấc ngủ.

Những người tham thí nghiệm này là những nam giới có tuổi đời từ 23 – 32. Họ được yêu cầu ngủ tại phòng thí nghiệm với các điện cực được gắn vào da đầu và vùng xung quanh mắt nhằm ghi lại các sóng não cũng như chuyển động mắt. Cũng như trong nghiên cứu của Aserinsky các điện cực được dẫn sang một phòng khác để đảm bảo người tham gia thí nghiệm có giấc ngủ yên tĩnh.

Quá trình nghiên cứu được tiến hành như sau: ở những đêm đầu tiên, nghiệm thể được cho phép ngủ bình thường trong suốt đêm. Điều này cho phép nhà nghiên cứu nắm được những thông tin cơ bản về thời gian ngủ và số lượng giấc mơ của mỗi khách thể. Khi những thông tin nói trên đã được thu thập, các khách thể bước vào giai đoạn thử nghiệm giấc ngủ mà không có giấc mơ. Trong khoảng từ 3 – 7 đêm tiếp theo tùy từng nghiệm thể, họ sẽ bị đánh thức dậy khi các điện cực cho biết họ sắp bước vào giấc mơ. Nghiệm thể được yêu cầu ngồi dậy trên giường để đảm bảo họ đã hoàn toàn tỉnh ngủ trước khi ngủ tiếp. Trong suốt thời gian tham gia nghiên cứu, các nghiệm thể cũng yêu cầu không ngủ thêm ở bất cứ thời gian địa điểm nào khác nhằm đảm bảo họ không mơ.

Sau giai đoạn nói trên, các nghiệm thể bước vào giai đoạn phục hồi. Theo đó, các nghiệm thể được cho phép ngủ suốt đêm (từ 1 – 6 đêm tùy từng nghiệm thể). Trong suốt giai đoạn này, nghiệm thể sẽ được ngủ cả đêm mà không bị làm phiền. Các giai đoạn và số lượng giấc mơ xuất hiện trong giai đoạn nghiên cứu này tiếp tục được ghi lại.

Tiếp theo, mỗi nghiệm thể được cho phép một số đêm được ngủ thoải mái. Sau đó, 6 trong số họ quay trở lại phòng thí nghiệm để tiếp tục nghiên cứu với các giấc ngủ bị ngắt quãng. Trong bước nghiên cứu này, nghiệm thể sẽ không bị đánh thức dậy khi mơ mà bị đánh thức dậy khi giấc mơ vừa kết thúc. Tiếp đó, các nghiệm thể lại có một vài đêm phục hồi như trong giai đoạn nghiên cứu trước. Một điều cần lưu ý là các kết quả của nghiên cứu này được công bố ngay trong mỗi giai đoạn mà không đợi đến khi nghiên cứu đã hoàn thành. Điều này cho phép giới khoa học được cung cấp thông tin, kết quả ngay lập tức.

(Còn nữa)

MVH (lược dịch)

Tài liệu tham khảo 

Roger R.Hock (1992). Forty studies that changed psychology, pp.36 - 38, Publish: PRENTICE HALL, Englewood Cliffs New Jersey 07632).