Ngủ là mơ (phần 3)

28/10/2019

(Tamly)- Đây là phần cuối cùng trong chuỗi 3 bài viết giới thiệu về nghiên cứu của Eugene Aserinsky và William Dement về giấc ngủ. Trong phần này, từ thiết kế nghiên cứu của mình, Dement đã phát hiện nhu cầu của con người với giấc mơ khi ngủ và tác động của nó tới cuộc sống của các nghiệm thể

Kết quả nghiên cứu của Dement cho thấy: trong giai đoạn các nghiệm thể được cho phép ngủ mà không bị đánh thức dậy, trung bình thời gian ngủ của  họ là 6 giờ 50 phút. Thời gian trung bình các nghiệm thể mơ là 80 phút, bằng 19,5% thời gian ngủ. Ở giai đoạn đầu tiên này, Dement còn phát hiện ra rằng thời gian mơ trung bình của các nghiệm thể không có sự khác biệt, chỉ chênh lệch nhau ở mức ±7 phút.

Tuy nhiên, mục đích chính của nghiên cứu của Dement là làm rõ tác động của việc giấc mơ bị ngăn cản và đây là những kết quả:

Về số lần bị đánh thức dậy để ngăn chặn giấc mơ xuất hiện khi ngủ, ngay đêm đầu tiên, nghiệm viên đánh thức nghiệm thể từ 7 – 22 lần. Tuy nhiên, cùng với tiến trình nghiên cứu, các nghiệm thể bị đánh thức dậy ngày càng nhiều hơn để ngăn chặn giấc mơ xuất hiện. Trong đêm cuối nghiên cứu về giấc ngủ không có giấc mơ, các nghiệm thể bị đánh thức dậy từ 13 – 30 lần. Trung bình đêm cuối cùng các nghiệm thể “nỗ lực” để mơ nhiều gấp đôi đêm đầu tiên.

Khám phá tiếp theo của nghiên cứu này là khi được cho phép ngủ mà không bị đánh thức dậy để ngăn chặn giấc mơ như các đêm trước, thời gian mơ của các nghiệm thể tăng lên. Trung bình thời gian mơ của các đêm này là 112 phút hay 26,6% (so với 80 phút và 19,5% ở đêm bình thường). Dement cũng chỉ ra rằng có 2 nghiệm thể (số 3 và 7) không cho thấy thời gian mơ tăng lên. Nếu họ bị loại trừ đi thì thì trung bình thời gian mơ tăng lên khoảng 50%.

Có thể việc tăng thời gian mơ không liên quan gì đến việc loại trừ giấc mơ ở các đêm trước đó. Dement đã làm rõ vấn đề này bằng việc tiếp tục nghiên cứu với 6 nghiệm thể sau khi họ được nghỉ ngơi vài ngày và đánh thức dậy vào giữa giấc mơ. Kết quả cho thấy không sự tăng lên một cách có ý nghĩa trong giấc mơ. Thời gian mơ trung bình của họ là 88 phút hay 20,1% tổng thời gian ngủ.

Từ kết quả trên, có thể thấy sau khi các nghiệm bị ngăn chặn giấc mơ khi ngủ, đã có những áp lực nhất định để mơ khi thời gian mơ và số lần nỗ lực để mơ đều tăng lên. Đối với hai nghiệm thể số 3 và 7, cả hai đều không tăng lên về thời gian mơ. Dement phát hiện ra nghiệm thể số 7 đã uống vài cốc cocktail trước khi quay lại phòng thí nghiệm, ảnh hưởng của cồn khiến cho giấc ngủ và giấc mơ cũng có sự thay đổi. Đối với nghiệm thể số 3, dù nghiệm thể này có số lần bị đánh thức dậy nhiều nhất trong giai đoạn ngăn chặn giấc mơ, anh ta không hề có biểu hiện thay đổi nhiều trong 5 đêm phục hồi. Dement đưa ra giả thuyết rằng có thể anh ta có quy luật ngủ riêng, khác với bình thường nên không có sự thay đổi đáng kể nào khi làm thí nghiệm.

Cuối cùng, 8 nghiệm thể được tìm hiểu về những thay đổi trong hành vi do trải qua việc giấc ngủ không có REM. Tất cả họ đều trải qua các biểu hiện như lo lắng, cáu kỉnh, khó tập trung. Nghiệm thể số 8 bỏ tham gia thí nghiệm sau 3 đêm tham gia thí nghiệm giấc ngủ không REM. Nghiệm thể 6 và 7 cương quyết dừng việc tham gia thí nghiệm không có giấc mơ sau đêm thứ tư vì sự lo lắng nhưng tiếp tục tham gia trong giai đoạn phục hồi. 5 nghiệm thể cho biết họ tăng lên rõ rệt sự thèm ăn trong giai đoạn thí nghiệm không có giấc mơ, 3 trong số họ tăng cân từ 3-5 pound.

 MVH (lược dịch)

Tài liệu tham khảo: 

Roger R.Hock (1992). Forty studies that changed psychology, pp. 36 - 38, Publish: PRENTICE HALL, Englewood Cliffs New Jersey 07632).