(Tâm lý )– Đôi khi cảm thấy buồn bã hay buồn rầu không chỉ bình thường mà còn mang lại nhiều lợi ích về mặt tâm lý.
Homo sapiens là giống loài rất hay buồn rầu, ủ rũ. Mặc dù, buồn bã và các tâm trạng xấu khác luôn là một phần trong trải nghiệm của con người, nhưng chúng ta lại đang sống trong một thời đại cố tình không để ý hoặc đánh giá thấp các cảm giác đó.
Trong nền văn hóa hiện nay, các cảm giác bình thường của con người như buồn bã tạm thời thường được coi là rối loạn. Công nghiệp quảng cáo thường hay tuyên bố rằng chúng ta phải hỏi nhau về cảm giác hạnh phúc. Thế nhưng, các tâm trạng xấu vẫn là một phần thiết yếu trong các tâm trạng mà con người trải nghiệm thường xuyên.
Mặc dù có sự sùng bái gần như phổ quát đối với hạnh phúc và sự giàu có về vật chất chưa từng thấy, nhưng trong mấy thập kỷ qua, hạnh phúc và sự hài lòng trong các xã hội phương Tây (và có lẽ ở cả phương Đông - LVH) vẫn không được cải thiện.
Đây là lúc cần đánh giá lại vai trò của các tâm trạng xấu trong cuộc sống của con người. Chúng ta cần thừa nhận là chúng bình thường, thậm chí còn hữu ích và mang tính thích nghi của con người, giúp ta ứng phó với các tình huống và thách thức hàng ngày.
Vài nét về lịch sử sự buồn rầu
Trong thời kỳ đầu của lịch sử, cảm thấy buồn rầu hay ủ rũ một quãng thời gian ngắn (còn được biết đến với cái tên mild dysphoria (tạm dùng là ‘khó chịu ở mức độ nhẹ’) đã luôn luôn được chấp nhận là bình thường trong cuộc sống hàng ngày. Trong thực tế, nhiều thành tựu vĩ đại nhất của của tinh thần con người đều có liên quan đến việc gợi lên, thậm chí nuôi dưỡng những cảm giác âm tính.
Các vở bi kịch Hy Lạp đã trình diễn và huấn luyện khán giả chấp nhận và xử lý những rủi ro, bất hạnh trong cuộc sống con người. Các vở bi kịch của Shakespeare là các tác phẩm kinh điển bởi vì chúng đã dội vang chủ đề này. Và các tác phẩm của nhiều nghệ sĩ vĩ đại khác như Beethoven và Chopin trong âm nhạc, hoặc Chekhov và Ibsen trong văn học đều khám phá ‘phong cảnh’ của nỗi buồn, một chủ đề từ lâu đã được thừa nhận là có giá trị và mang tính giáo dục, truyền dạy.
Người ta còn tin rằng các nhà triết học cổ đại cũng chấp nhận các tâm trạng xấu là điều thiết yếu để sống một cuộc đời trọn vẹn. Ngay cả các nhà triết học theo trường phái khoái lạc như Epicurus cũng thừa nhận rằng việc sống tốt có liên quan đến việc thực hành các xét đoán thông thái, kiềm chế và kiểm soát bản thân cũng như chấp nhận các nghịch cảnh không thể tránh khỏi. Các triết gia khác như Stoics cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc học cách tiên liệu và chấp nhận những bất hạnh, rủi ro như đau buồn (do mất mát) hoặc bất công.
Giá trị của buồn rầu là gì?
Các nhà tâm lý học nghiên cứu về sự tiến hóa của cảm xúc và hành vi cho rằng tất cả các trạng thái cảm xúc của chúng ta (bao gồm cả tâm trạng buồn rầu) đều có một vai trò hữu ích: chúng báo động cho ta biết trạng thái của thế giới (ta đang sống) để ta cần phản ứng hay ứng phó.
Trong thực tế, phạm vi cảm xúc của con người chứa đựng nhiều cảm giác âm tính hơn là dương tính. Các cảm xúc âm tính như sợ hãi, tức giận, xấu hổ, khinh bỉ rất hữu ích vì chúng giúp ta nhận biết, né tránh hay vượt qua các tình huống nguy hiểm hay đe dọa.
Vậy giá trị của buồn rầu – có lẽ là một cảm xúc âm tính thường gặp nhất và các nhà tâm lý thực hành phải xử lý nhiều nhất – là gì?
Sự buồn bã mãnh liệt và kéo dài như trầm cảm, chắc chắn là một rối loạn nghiêm trọng và làm con người ốm yếu đi nhiều. Tuy nhiên, các tâm trạng xấu tạm thời, ở mức độ nhẹ, có thể phục vụ cho mục đích quan trọng mang tính thích nghi, bằng cách giúp ta ứng phó với các tình huống khó khăn, thách thức hàng ngày.
Các tâm trạng này cũng đóng vai như một tín hiệu về mặt xã hội, truyền tải cho người khác thấy ta thoái lui, không can dự vào cuộc cạnh tranh và cung cấp một vỏ bọc bảo vệ con người. Khi ta có vẻ buồn khổ hoặc trong tâm trạng xấu, người khác thường quan tâm và có xu hướng trợ giúp.
Khi ta buồn rầu, những người khác thể hiện sự quan tâm và giúp đỡ. Joshua Clay/Unsplash
Một số trạng thái âm tính như melancholia (u sầu) và nostalgia (hoài cổ, nỗi luyến tiếc quá khứ), thậm chí còn dễ chịu, vui và dường như cung cấp cho ta các thông tin hữu ích, dẫn dắt các kế hoạch tương lai và tạo động lực.
Buồn rầu có thể nâng cao mức độ thấu cảm, lòng trắc ẩn, sự kết nối và sự nhạy cảm về mặt đạo đức và mỹ học. Từ lâu, buồn rầu đã là tác nhân kích thích sáng tạo nghệ thuật.
Các thực nghiệm khoa học gần đây ghi nhận lợi ích của các tâm trạng xấu ở mức độ nhẹ. Các lợi ích này thường vận hành một cách tự động, các tín hiệu báo động vô thức, thúc đẩy sự tập trung, chú ý và phong cách tư duy cụ thể. Nói cách khác, các tâm trạng xấu giúp ta chú ý và tập trung hơn trong các tình huống khó khăn.
Ngược lại, các tâm trạng dương tính (như cảm giác vui mừng, hạnh phúc) thường đóng vai trò như một tín hiệu cho ta biết tình huống an toàn, quen thuộc và vì vậy ít tạo ra phong cách xử lý tập trung và chi tiết.
Các lợi ích về mặt tâm lý của buồn rầu
Ngày càng càng có nhiều bằng chứng cho thấy các tâm trạng âm tính như buồn rầu, mang lại các lợi ích về mặt tâm lý.
Để chứng minh điều này, đầu tiên, các nhà nghiên cứu thao túng tâm trạng của các nghiệm thể (ví dụ, bằng cách cho họ xem các đoạn phim vui hay buồn), sau đó đo lường sự thay đổi trong việc thực hiện các nhiệm vụ/bài thực nghiệm khác nhau về nhận thức và hành vi.
Cảm giác buồn rầu hoặc đang trong tâm trạng xấu tạo ra một loạt các lợi ích:
-
Nhớ tốt hơn: trong một nghiên cứu, tâm trạng xấu (do thời tiết xấu tạo ra) đã làm cho người ta nhớ tốt hơn chi tiết của một cửa hàng họ vừa rời đi. Tâm trạng xấu cũng cải thiện trí nhớ của người làm chứng bằng cách giảm hiệu ứng của các yếu tố gây mất tập trung như các thông tin sai lệch, nhầm lẫn.
-
Các xét đoán, đánh giá chính xác hơn: tâm trạng xấu ở mức nhẹ cũng làm giảm một số thiên lệch hay méo mó trong quá trình nghiệm thể hình thành các ấn tượng. Ví dụ, nghiệm thể hơi buồn đã hình thành các ấn tượng chính xác và đáng tin cậy hơn về người khác bởi vì họ xử lý các chi tiết hiệu quả hơn.Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng tâm trạng xấu cũng làm giảm mức độ cả tin và tăng mức độ hoài nghi khi đánh giá các tin đồn, thậm chí còn cải thiện năng lực phát hiện dối trá một cách chính xác hơn. Những người trong tâm trạng xấu ở mức độ nhẹ cũng ít dựa vào các định khuôn mang tính giản đơn.
-
Động cơ: các thực nghiệm phát hiện ra rằng khi đề nghị 2 nhóm nghiệm thể vui và buồn thực hiện một nhiệm vụ khó khăn về nhận thức, những người trong tâm trạng xấu đã cố gắng hơn và kiên trì hơn. Họ dành nhiều thời gian hơn cho nhiệm vụ, thử nhiều câu hỏi hơn và tạo ra nhiều hơn các câu trả lời đúng.
-
Giao tiếp tốt hơn: phong cách tư duy chi tiết và chú ý hơn – được thúc đẩy bởi một tâm trạng xấu – cũng có thể cải thiện giao tiếp. Người ta phát hiện thấy những nghiệm thể trong tâm trạng xấu đã sử dụng nhiều các lý lẽ, lập luận mang tính thuyết phục, hiệu quả hơn để thuyết phục người khác. Họ cũng hiểu tốt hơn các câu nói đa nghĩa và giao tiếp tốt hơn khi nói chuyện.
-
Công bằng hơn/chơi đẹp hơn: các thực nghiệm khác còn phát hiện ra là một tâm trạng xấu (ở mức nhẹ) đã làm nghiệm thể chú ý hơn tới kỳ vọng và chuẩn mực xã hội, và họ đối xử với người khác ít ích kỷ hơn và công bằng hơn.
Trung hòa sự sùng bái hạnh phúc
Bằng cách tán dương hạnh phúc và phủ nhận giá trị của buồn bã, chúng ta đã đặt ra cho mình một mục tiêu không thể nào đạt được. Có thể, chúng ta cũng góp phần tạo ra nhiều sự thất vọng hơn, thậm chí là trầm cảm - theo ý kiến của một số người.
Càng ngày, người ta càng thừa nhận rằng luôn ở trong một trạng thái tốt – dù có một số lợi thế - không phải là điều đáng mong muốn một cách phổ quát.
Cảm thấy buồn rầu hoặc ở trong một trạng thái xấu giúp ta tập trung tốt hơn vào tình huống mà ta đang gặp phải, làm tăng năng lực giám sát và phản ứng thành công với các tình huống đòi hỏi nhiều hơn ở con người.
Các phát hiện trên đây gợi ý rằng sự mưu cầu không ngừng nghỉ về hạnh phúc có thể là một quá trình tự gây thất bại. Từ lâu rồi, đáng lẽ chúng ta cần một sự đánh giá cân bằng hơn về lợi, hại của các tâm trạng xấu và tốt./.
LVH dịch từ Why bad moods are good for you: the surprising benefits of sadness của Joseph Paul Forgas (Scientia Professor of Psychology, UNSW, Australia)