(Tamly) Phụ nữ có gia đình ở các tỉnh miền núi tham gia nghiên cứu khá hài lòng với hành vi ứng xử trong gia đình của người chồng. Trong đó, họ hài lòng nhất với cách người chồng ứng xử với bố mẹ mình, cách người chồng ứng xử với việc quan hệ bạn bè của họ. Trái lại, họ ít hài lòng nhất với hoạt động giải trí chung của hai vợ chồng.
Trong bài viết dưới đây, chúng tôi sẽ trình bày về sự hài lòng với hành vi ứng xử của người chồng trong gia đình của phụ nữ ở miền núi phía Bắc. Đây là nội dung được rút ra từ kết quả nghiên cứu của đề tài cấp Bộ: “Thái độ của phụ nữ bị bạo lực gia đình với sức khỏe tinh thần”. Đề tài được thực hiện năm 2015 – 2016, tại ba tỉnh miền núi phía Bắc: Hà Giang, Lao Cai và Quảng Ninh, do PGS. TS Đỗ Ngọc Khanh, Viện Tâm lý học làm chủ nhiệm (đơn vị tài trợ là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam). Sự hài lòng với chồng của phụ nữ được đánh giá bằng câu hỏi dưới dạng thang đo (thang đo từ 0 điểm đến 3 điểm: 0 điểm tương ứng với không hài lòng, 3 điểm – rất hài lòng). Như vậy, điểm trung bình (ĐTB) thang đo càng cao, phụ nữ càng hài lòng với một số khía cạnh đời sống gia đình.
ĐTB thang đo sự hài lòng với hành vi ứng xử của chồng trong gia đình của phụ nữ = 1,99/3 và ĐLC = 0,72. Điều đó nói lên rằng, phụ nữ tham gia nghiên cứu tương đối hài lòng với hành vi ứng xử của chồng trong gia đình. Trong đó ĐTB về hài lòng với cách người chồng ứng xử với bố mẹ mình đạt ở mức cao nhất (2,19/3). Điều đó cho thấy phụ nữ khá hài lòng với cách người chồng ứng xử với bố mẹ họ. Đúng vậy, khi được hỏi về ứng xử của người chồng với bố mẹ và gia đình mình, chị H.T. S chia sẻ: “Chồng em rất tốt với gia đình em. Chúng em thường xuyên đến thăm bố mẹ em. Chồng em hay giúp đỡ bố mẹ em làm nhiều việc” (Chị H.T.S, 31 tuổi, ở Thị trấn Sapa, Lao Cai). ĐTB hài lòng với cách người chồng để người phụ nữ tự do trong các mối quan hệ bạn bè cũng khá cao (2,09/3). Qua đó cho thấy, phụ nữ tham gia nghiên cứu cũng khá hài lòng với cách người chồng ứng xử với việc quan hệ bạn bè của họ. Kinh nghiệm thực tế cho thấy, nhiều phụ nữ nông thôn, từ khi kết hôn chủ yếu tập trung thời gian, công sức, tình cảm chăm lo cho đời sống gia đình. Họ rất ít có thời gian giao lưu với bạn bè. Đặc biệt, người phụ nữ đã có gia đình rất ít giao lưu với bạn khác giới, một mặt vì sự quá hạn chế về thời gian, mặt khác, người chồng và gia đình chồng không muốn họ có quan hệ với những người đàn ông khác. Việc phụ nữ khá hài lòng với sự tự do quan hệ bạn bè có thể là cơ sở để chúng ta nghĩ rằng: người chồng của họ hiểu và tôn trọng nhu cầu quan hệ bạn bè của vợ. Trái lại, ĐTB hài lòng với hoạt động giải trí chung của hai vợ chồng khá thấp (1,77/3). Kết quả này cho thấy, phụ nữ ít hài lòng nhất với những hoạt động giải trí cùng nhau của hai vợ chồng. Khi trao đổi về vấn đề này, chị P. nói: “Ở đây không có giải trí, nhất là giải trí cùng nhau của hai vợ chồng đâu. Ban ngày cả hai vợ chồng đi làm, tối về mình nấu cơm, cho con ăn và dọn nhà, giặt quần áo. Chồng mình cũng có giúp việc nhà, nhưng ít. Chỉ có chồng thỉnh thoảng đi uống rượu, ngồi chơi với bạn thôi” (chị T.T.P, 26 tuổi, Lao Cai). Một phụ nữ khác chia sẻ: “Mình có nhiều con, phải đi làm nuôi con. Đi làm về thì nấu cơm, cho con ăn, chăm con, rồi mình đi ngủ với con, không có thời gian giải trí đâu” (chị L.T.M, 34 tuổi, thị xã Lao Cai). Quả thật, một mặt, phụ nữ không có thời gian giải trí (ngoài thời gian làm kinh tế, họ phải phải dành nhiều thời gian chăm sóc con vì họ sinh nhiều con, thời gian giữa hai lần sinh rất gần nhau); mặt khác nhiều địa phương chưa có điện, vì thế, các phương tiện giải trí rất hạn chế, kể cả các phương tiện giải trí phổ biến ở miền đồng bằng như vô tuyến, thì ở miền núi cũng rất hiếm (http://www.hddt.gov.vn).
Nhìn chung, phụ nữ ở các tỉnh miền núi tham gia nghiên cứu khá hài lòng với hành vi ứng xử trong giúp đỡ của người chồng. Trong đó, họ hài lòng với cách người chồng ứng xử với bố mẹ mình và ứng xử với việc quan hệ bạn bè của họ hơn cả, trái lại, ít hài lòng với hoạt động giải trí chung của hai vợ chồng nhất. Vì vậy, để nâng cao sự hài lòng của phụ nữ đã có gia đình, cần cải thiện đời sống văn hóa, tinh thần của người dân các tỉnh miền núi.
Tài liệu tham khảo
1. http://www.hddt.gov.vn, Thực trạng đời sống các dân tộc thiểu số ở nước ta hiện nay (Báo cáo đề tài NCKH của HĐDT khóa X)
Nguyễn Thị Hoa