(Tamly) Phụ nữ ở các tỉnh miền núi phía Bắc có gia đình tham gia nghiên cứu khá hài lòng với một số khía cạnh của đời sống gia đình. Trong đó, họ hài lòng với ứng xử của người thân hơn cả, trái lại, ít hài lòng nhất với điều kiện vật chất của gia đình họ
Sự hài lòng về một số khía cạnh đời sống gia đình của phụ nữ ở miền núi phía Bắc
Trong bài viết này, chúng tôi sẽ trình bày về sự hài lòng với một số khía cạnh của đời sống gia đình (ứng xử của bố mẹ chồng, điều kiện kinh tế của gia đình, điều kiện về nhà ở, sức khỏe của gia đình, học tập của con, cách ứng xử của con) của phụ nữ ở miền núi phía Bắc. Đây là nội dung được rút ra từ kết quả nghiên cứu của đề tài cấp Bộ: “Thái độ của phụ nữ bị bạo lực gia đình với sức khỏe tinh thần”. Đề tài được thực hiện năm 2015 – 2016, tại ba tỉnh miền núi phía Bắc: Hà Giang, Lao Cai và Quảng Ninh, do PGS. TS Đỗ Ngọc Khanh, Viện Tâm lý học làm chủ nhiệm (đơn vị tài trợ là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam). Sự hài lòng của phụ nữ được đánh giá bằng câu hỏi dưới dạng thang đo (thang đo từ 0 điểm đến 3 điểm: 0 điểm tương ứng với không hài lòng, 3 điểm – rất hài lòng). Như vậy, điểm trung bình (ĐTB) thang đo càng cao, phụ nữ càng hài lòng với một số khía cạnh đời sống gia đình.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, ĐTB thang đo sự hài lòng của phụ nữ = 1,88/3 và ĐLC = 0,60. Điều đó nói lên rằng, phụ nữ tham gia nghiên cứu hài lòng với một số khía cạnh của đời sống gia đình ở mức vừa phải. Trong đó, ĐTB hài lòng với cách ứng xử của con trong gia đình và ĐTB hài lòng với và cách ứng xử của bố mẹ chồng cao nhất (lần lượt là 2,19 là 2,18), tức là họ hài lòng với hai khía cạnh đó hơn cả. Kết quả phỏng vấn sâu cho thấy: trẻ em ở địa phương hầu hết ngoan, nghe lời ông bà, cha mẹ và người lớn; các em biết giúp đỡ gia đình từ khi còn nhỏ (khoảng 9 – 10 tuổi) như: trông em, nấu cơm, dọn nhà cửa và thậm chí, đi làm đồng cùng bố mẹ. Về cách ứng xử của bố mẹ chồng với con dâu, chị M. tâm sự: “Bố mẹ chồng mình mới chết, nhưng trước đây, khi còn sống, họ rất tốt với mình. Họ giúp đỡ mình nhiều, ít khi la mắng, gia đình mình rất thoải mái với nhau” (chị Đ.T.M, 29 tuổi thị trấn Sapa, Lao cai). Trong tâm thức người Việt Nam, trong quan hệ với mọi người, người dân tộc miền núi có tính thật thà, hiền lành và nhân ái. Có lẽ điều đó cũng đúng trong quan hệ bố mẹ chồng và nàng dâu và đó là một nguyên nhân khiến phụ nữ khá hài lòng với cách đối xử của bố mẹ chồng với họ. Trái lại, ĐTB về sự hài lòng với điều kiện kinh tế gia đình và điều kiện nhà ở của họ đạt mức thấp nhất (lần lượt là: 1,60 và 1,67), có nghĩa là, phụ nữ ít hài lòng nhất với hai khía cạnh này. Kết quả này phản ánh thực trạng phát triển kinh tế chung ở các tỉnh được khảo sát và điều kiện kinh tế của các hộ gia đình tham gia nghiên cứu. Những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, các tỉnh miền núi phía Bắc, trong đó có các tỉnh được khảo sát, đã phát huy được tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế, xã hội. Kinh tế tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ; giảm dần tỷ trọng nông nghiệp. Nông nghiệp phát triển khá toàn diện, công nghiệp phát triển nhanh, thương mại và dịch vụ được mở rộng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu đời sống và sản xuất. Tuy nhiên, theo nhận định chung: các tỉnh này vẫn là các tỉnh nghèo và khó khăn nhất cả nước (http://www.hddt.gov.vn, http://tapchidantoc.ubdt.gov.vn, http://en.tnu.edu.vn, http://vovworld.vn). Kết quả của nghiên cứu này nhất quán với nhận đình trên: trong số phụ nữ tham gia nghiên cứu, 93,4% có mức sống trung bình và nghèo, trong đó, 13,8% thuộc hộ nghèo. Do đó, họ ít hài lòng với đời sống kinh tế và điều kiện nhà ở là chuyện dễ hiểu.
Như vậy, phụ nữ ở miền núi phía bắc tham gia nghiên cứu hài lòng với một số khía cạnh đời sống gia đình ở mức vừa phải. Trong đó, họ hài lòng với cách ứng xử của người thân hơn cả, trái lại, ít hài lòng với điều kiện vật chất của gia đình họ. Do đó, để nâng cao sự hài lòng của những người phụ nữ có gia đình cần có những chính sách nâng cao đời sống vật chất của đồng bào miền núi một cách có hiệu quả.
Tài liệu tham khảo
1. http://www.hddt.gov.vn, Thực trạng đời sống các dân tộc thiểu số ở nước ta hiện nay (Báo cáo đề tài NCKH của HĐDT khóa X)
2. http://tapchidantoc.ubdt.gov.vn, Hoàng Thu, Trung du và miền núi Bắc Bộ. Cơ hội phát triển kinh tế- xã hội đến năm 2020
3. http://en.tnu.edu.vn, Nghèo đói vùng dân tộc thiểu số : Điều gì xảy ra đối với các trẻ em dân tộc thiểu số, đối tượng dễ bị tổn thương
4. http://vovworld.vn, Hồng Vân, Giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số: những nỗ lực đồng bộ
Nguyễn Thị Hoa