Nhiều nghiên cứu (nghiên cứu trên 24.000 cư dân của Đức; nghiên cứu trên người Nga) cho thấy có mối tương quan thuận giữa cảm nhận hạnh phúc và thu nhập cá nhân hay thu nhập của hộ gia đình. Theo quan điểm của kinh tế học phổ thông thì thu nhập quốc dân là chỉ số gián tiếp phản ánh hạnh phúc quốc dân. Đây là quan điểm phổ biến ở phương Tây. Tuy nhiên, ở các nước giàu có, người dân vẫn không cảm thấy hạnh phúc hơn so với khi họ còn nghèo hơn. Còn theo các nhà kinh tế học thế kỷ XIX thì hạnh phúc tăng lên do thu nhập tạo ra là lớn nhất khi anh còn nghèo và chắc chắn sẽ từ từ giảm đi khi anh giàu lên. Như vậy, ảnh hưởng của thu nhập lên hạnh phúc là lớn nhất ở các nước nghèo nhất. Việc so sánh cho thấy rằng khi thu nhập từ 20.000 đô la/đầu người trở lên thì mức thu nhập trung bình cao hơn không đảm bảo hạnh phúc lớn hơn. Có những cuộc điều tra lặp lại nhiều lần qua các năm về tỷ lệ dân số bị trầm cảm hay các tệ nạn xã hội khác như nghiện rượu, tội phạm cho thấy chứng cớ về việc thu nhập quốc dân tăng không đi cùng với hạnh phúc tăng.
Tại sao tăng thu nhập không đồng hành với tăng hạnh phúc? Vì con người quan tâm nhiều đến thu nhập tương đối, tức là thu nhập trong so sánh với người khác trong xã hội và trong so sánh với thu nhập trước đó của bản thân họ, chứ không đơn thuần chỉ là mức thu nhập cụ thể. Điều này cũng có nghĩa là tình cảm của con người bị chi phối bởi tương quan xã hội (trong trường hợp so sánh với người khác) hoặc bởi sự tập quen (trong trường hợp so sánh với thu nhập trước đó của bản thân). Vì vậy, trong một xã hội, nhìn chung người giàu cảm thấy hạnh phúc hơn người nghèo (vì những người giàu gần tới đỉnh thường so sánh với nhóm tham chiếu là người nghèo hơn, trong khi những người nghèo gần đáy xã hội lại thường so sánh với nhóm tham chiếu là người giàu hơn), nhưng sau một thời gian, nếu so sánh tổng thể thì các xã hội giàu hơn không hạnh phúc hơn các xã hội nghèo hơn.
Một nghiên cứu tại Thụy Sĩ cho thấy hạnh phúc của cá nhân chỉ phụ thuộc vào thu nhập của cá nhân đó so với nguyện vọng của họ về thu nhập, nhưng nguyện vọng của cá nhân lại phụ thuộc vào thu nhập trung bình của người dân nơi cá nhân đó đang sống.
Từ đây, có thể thấy rằng giảm chênh lệch thu nhập là một cách tốt để tăng cảm giác hạnh phúc trung bình của xã hội.
Hương Lê (Điểm luận)