Gắn bó nghề của ngư dân

08/10/2018

(Tamly)-Nghề đánh bắt hải sản là một nghề vất vả, nguy hiểm. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu về nguyện vọng chuyển đổi nghề của ngư dân bằng phương pháp bảng hỏi, phỏng vấn sâu, nghiên cứu tài liệu cho thấy đa số ngư dân gắn bó với nghề, không có ý định chuyển sang nghề khác.

Nghề khai thác hải sản là một nghề gian nan, nguy hiểm (Marianne Törner, Mats Eklöf, 2000; Oswaldo Huchim-Lara, Silvia Salas, Julia Fraga, Nina Méndez-Domínguez and Walter Chin, 2016, Nguyễn Thị Hoa, 2018). Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu của một số tác giả nước ngoài về nguyện vọng chuyển đổi sang nghề khác của ngư dân ở một số nước trên thế giới cho thấy đa số ngư dân không có nguyện vọng chuyển sang nghề khác (có thu nhập tương đương, thậm chí thu nhập lớn hơn đôi chút) (Richard B. Pollnac, John J. Poggie, 2008, Sean Pascoe, Tone Cannard, Eddie Jebrin, Cathrine Dichmont and Ricky Schirmar, 2014; Ingvild Harkes, 2001).

Tìm hiểu về sự gắn bó với nghề của ngư dân trong nghiên cứu này (nghiên cứu được thực hiện vào năm 2017, trên 212 ngư dân tại hai địa phương Gio Linh, Quảng Trị và Nha Trang, Khánh Hòa) cũng cho kết quả tương tự: 80,4% số người được hỏi cho rằng họ sẽ “sống chết với nghề”, chưa bao giờ có ý định bỏ nghề, chuyển sang nghề khác; chỉ 9,4% người được hỏi có ý định rõ ràng sẽ đầu tư vào nghề khác khi có cơ hội. Kết quả nghiên cứu của một tác giả nước ngoài về nguyện vọng chuyển đổi nghề của ngư dân Việt Nam nhất quán với kết quả này: 82% số người tham gia nghiên cứu cho rằng họ chưa bao giờ nghĩ đến chuyện bỏ nghề ngư, 75% cho rằng họ vẫn ở lại nghề ngư nếu họ có cơ hội chuyển sang nghề khác có thu nhập tương đương và 31% - nếu có thu nhập cao hơn và điều kiện sống tốt hơn, thì họ sẽ chuyển sang nghề khác ở cộng đồng dân cư khác (Ingvild Harkes, 2001).

Kết  quả phỏng vấn sâu hoàn toàn khẳng định kết quả nghiên cứu định lượng. Khi được hỏi về ý định chuyển đổi nghề, một chủ tàu trẻ tuổi nói: “Đây là nghề của cha ông. Bây giờ mình có điều kiện đầu tư tàu, phương tiện tốt hơn thì tại sao mình không tiếp tục nghề truyền thống gia đình. Em chưa bao giờ có ý định đầu tư vào nghề khác” (chủ tàu N.T. N., 35 tuổi, Gio Linh, Quảng Trị). Những chủ tàu lớn tuổi hơn, có nhiều thời gian gắn bó với nghề, nhiều kinh nghiệm trong nghề càng không có ý định thay đổi nghề: “Chúng tôi sinh và lớn lên ở biển, thì sẽ sống chết với nghề biển. Tôi chưa bao giờ có ý định bỏ nghề, làm nghề khác, thậm chí công việc của chúng tôi ngày càng khó khăn” (chủ tàu T.H., 60 tuổi, Nha Trang, Khánh Hoà).

Tóm lại, mặc dầu, nghề đánh bắt xa bờ là một nghề vất vả, nguy hiểm, thu nhập không tương xứng với điều kiện làm việc, ngư dân vẫn gắn bó với nghề, ít người có suy nghĩ, ý định chuyển sang nghề khác.

                                                                                      Nguyễn Thị Hoa

-------------------------

Tài liệu tham khảo

1. Victoria Acheson (2000). Fishers’ attrubuted causes or accidents and implications for prevention education. International Fishing Industry Safety and Health Conference. Nguồn truy xuất: https://www.cdc.gov/niosh/docs/2003-102/pdfs/2003102e.pdf.

2. Marianne Törner, Mats Eklöf (2000). Risk perception among fishmen and control of risks througt participatory analysis of accidents and incidents. Nguồn truy xuất: https://open.library.ubc.ca/media/download/pdf/831/1.0055933/1

3. Richard B. Pollnac, John J. Poggie (2008). Happiness, Well-being and Psychocultural Adaptation to the Stresses Associated with Marine Fishing. Human Ecology Review, Vol. 15, No. 2, 194-200

4. Sean Pascoe, Tone Cannard, Eddie Jebrin, Cathrine Dichmont and Ricky Schirmar (2014), Satisfaction with fishing and the desire to leave. Nguồn truy xuất: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4510324

5. Ingvild Harkes (2001) Fishery policy and job satisfaction in three South East Asian fisheries. Nguồn truy xuất: http://www.researchgate.net/publication/223944802