(Tamly) Nghiên cứu được thực hiện trên 212 chủ tàu tại hai địa phương (Gio Linh, Quảng Trị và Nha Trang, Khánh Hòa) bằng phương pháp điều tra bằng bảng hỏi và phương pháp phỏng vấn sâu, phương pháp nghiên cứu tài liệu. Kết quả cho thấy: xu hướng định hướng cho con theo nghề ngư – nghề truyền thống của gia đình - của chủ tàu không rõ rệt.
Kết quả của nhiều nghiên cứu về mối quan hệ của ngư dân (trên thế giới và ở Việt Nam) với nghề của mình – nghề đánh bắt hải sản - cho thấy, phần lớn ngư dân rất gắn bó với nghề của họ (Richard B. Pollnac, John J. Poggie, 2008; Sean Pascoe, Tone Cannard, Eddie Jebrin, Cathrine Dichmont and Ricky Schirmar, 2014; Nguyễn Thị Hoa, 2018).
Tuy nhiên, ngày nay, xu hướng định hướng cho con theo nghề đánh bắt hải sản ở ngư dân không rõ rệt: ĐTB yếu tố định hướng con theo nghề đánh bắt hải sản của ngư dân = 2,21/3; ĐLC = 0,65.
Xu hướng định hướng cho con theo nghề đánh bắt hải sản ở ngư dân ở hai địa bàn nghiên cứu được thể hiện cụ thể như sau:
- Tôi hướng con, cháu học các trường có liên quan đến các nghề thuộc lĩnh vực khai thác hải sản để có thể theo nghề đó: 25,5% khách thể khẳng định hoàn toàn không làm như vậy; 31,4% – làm như vậy một phần và 43,1% – khẳng định hoàn toàn làm đúng như vậy.
- Tôi cho con em trong gia đình làm quen dần với nghề biển từ nhỏ để truyền, dạy nghề: 34,0% khách thể khẳng định hoàn toàn không làm như vậy; 18,9% - làm như vậy một phần và 47,1% – hoàn toàn làm đúng như vậy
- Tôi sẽ không cho con, em mình nối tiếp nghề đi biển của gia đình*: 49,0 khách thể khẳng định hoàn toàn không làm như vậy; 34,0% - làm như vậy một phần và 17,0% – hoàn toàn làm đúng như vậy.
Kết quả trên nói lên rằng, trong tất cả ý kiến về cách định hướng cho con theo nghề đi biển, không có ý kiến nào có đến ½ khách thể trong mẫu nghiên cứu hoàn toàn đồng ý.
Kết quả phỏng vấn sâu cho thấy, một số ngư dân không có nguyên vọng cho con theo nghề gia đình vì trải nghiệm nghề nghiệp cho họ nhận thức rằng điều kiện lao động của nghề đánh bắt hải sản rất vất vả và đầy rủi ro, nguy hiểm: “Tôi không có ý định cho con theo nghề của mình vì nghề này quá cực khổ và nhiều rủi ro, nguy hiểm. Vì thế, tôi không nói chuyện với con về nghề, về công việc của mình và chưa bao giờ cho con xuống tàu của gia đình” (Chủ tàu H. V. Th., 39 tuổi, học lớp 7/12, thị trấn Cửa Việt, Gio Linh, Quảng Trị).
Một số chủ tàu muốn con theo nghề của gia đình vì họ mong muốn con họ tiếp tục sở hữu con tàu - một tài sản có giá trị rất lớn, và điều hành hoạt động đánh bắt xa bờ của gia đình – : “Tôi muốn con tôi tiếp tục nghề này vì tôi đã lớn tuổi, chỉ ít năm nữa tôi không còn đi biển được nữa, con tôi sẽ làm chủ tàu của gia đình” (Chủ tàu B. Đ. Th., 60 tuổi, học hết tiểu học, xã Gio Hải, Gio Linh, Quảng Trị).
Một số chủ tàu khác có xu hướng khác hẳn, đó là họ tôn trọng ý kiến của con trong lựa chọn nghề. Họ ủng hộ nguyện vọng học và làm nghề của con theo sở thích. Chủ tàu L. C. M.- người đang sở hữu ba tàu đánh bắt xa bờ và có dự định đóng thêm 2 tàu nữa, có 3 người con trai đã trưởng thành, đều không theo nghề của gia đình - nói: “Khi con tôi đến tuổi 12 – 13, tôi nói chuyện với con về tương lai nghề nghiệp, hỏi con sau này thích làm nghề gì? Tôi nói với các con rằng, các con được tự do lựa chọn và đi theo nghề mình thích. Cả ba con trai tôi không cháu nào chọn theo nghề của ba” (Chủ tàu L.C.M, 49 tuổi, học lớp 7, Nha Trang, Khánh Hòa).
Ngày nay, con em trong các gia đình làm nghề ngư có nhiều cơ hội chọn nghề. Do đó, những ngư dân không hoàn toàn định hướng cho con họ theo nghề của gia đình.
Nguyễn Thị Hoa
---------------------------
Tài liệu tham khảo
1. Richard B. Pollnac, John J. Poggie (2008), Happiness, Well-being and Psychocultural Adaptation to the Stresses Associated with Marine Fishing. Human Ecology Review, 15 (2): 194-200.
2. Sean Pascoe, Tone Cannard, Eddie Jebrin, Cathrine Dichmont and Ricky Schirmar (2014), Satisfaction with fishing and the desire to leave. 44(5): 401-411. Nguồn truy xuất: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4510324
3. Nguyễn Thị Hoa (2018), Đánh giá hoạt động đánh bắt xa bờ của chủ tàu ven biển miền Trung. Tạp chí Tâm lý học, số 7/2018.