Sự thay đổi mức độ hài lòng trong 2 năm đầu hôn nhân

12/12/2017

Sự hài lòng với hôn nhân được định nghĩa là “ đánh giá tổng thể của một cá nhân về cuộc hôn nhân của họ” (Clements et al, 1997) được nhiều nhà tâm lý cũng như xã hội học quan tâm nghiên cứu vì nó ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình, tương quan thuận với sức khỏe thể chất và tinh thần của các thành viên trong gia đình (Kiecolt- Glaser et al, 1987).

Từ rất lâu, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng sự hài lòng của người bạn đời thường cao ở thời điểm kết hôn và sau đó sẽ giảm đi (Burgess & Wallin, 1953). Ở Việt Nam dường như chưa có một nghiên cứu dài hạn nào về mức độ hài lòng của phụ nữ với người bạn đời của họ. Vì thế, nghiên cứu này xem xét sự thay đổi mức độ hài lòng của phụ nữ trong hai năm đầu của cuộc hôn nhân bằng phương pháp nghiên cứu dài hạn trên một mẫu chọn 154 phụ nữ ngay từ lúc họ mới kết hôn với tuổi trung bình là 24,57 (tuổi thấp nhất là 17 cao nhất là 36) ở Thanh Hóa và Hà Nội. So sánh mức độ hài lòng của phụ nữ trong 3 giai đoạn: 1. Ngay khi kết hôn (Trước đám cưới 1 tuần và sau đám cưới 1 tháng); 2. Sau 1 năm kết hôn; 3. Sau 2 năm kết hôn. Nghiên cứu dùng thang đo mức độ hài lòng với hôn nhân, thang đo lo âu GAD-7 và thang đo trầm cảm PHQ-9. Phương pháp toán thống kê so sánh cặp đôi và tính tương quan Person trong SPSS được sử dụng để phân tích kết quả.

Kết quả nghiên cứu phát hiện ra rằng mức độ hài lòng về hôn nhân của phụ nữ giảm dần từ khi bắt đầu cuộc sống gia đình đến sau hai năm kết hôn. Mức độ hài lòng cao nhất là khi mới kết hôn (ĐTB=2,62/3) tương đương với mức độ giữa ‘khá hài lòng’ với ‘rất hài lòng’. Sau một năm kết hôn mức độ hài lòng với hôn nhân của phụ nữ đã giảm đáng kể (với T-test = 8,52 với p=0,00) về gần sát với mức ‘khá hài lòng’ (ĐTB=2,09). Đến năm thứ ba của cuộc hôn nhân thì mức độ hài lòng của họ giảm xuống dưới mức ‘khá hài lòng’ (ĐTB= 1,92) và thấp hơn một cách có ý nghĩa so với ngay khi mới kết hôn (T= 11,76 với p=0,00) và sau khi kết hôn được 1 năm (T= 5,27). Nghiên cứu cũng tìm ra rằng có mối tương quan nghịch giữa mức độ hài lòng với hôn nhân của phụ nữ Việt Nam và mức độ biểu hiện lo âu, trầm cảm của họ.

Tài liệu tham khảo

1. Burgess, R. L., & Wahlin, P. (1953). Marital happiness of parents and their children’s attitudes to them. American Sociological Review, 18, 424-431.

2. Clements, M. L., Cordova, A. D., Markman, H. J., & Laurenceau, J. (1997). The erosion of marital satisfaction over time and how to prevent it. In J. R. Sternberg, & M. Hojjat. (Eds.), Satisfaction in close relationships (pp. 335–355). New York: Guilford Press.

3. Kiecolt-Glaser, J. T., Fisher, L., Ogrocki, P., Stont, J.C., Speichler, C. E. & Glaser, R. (1987). Marital quality, marital disruption and immune function. Psychosomatic Medicine, 49, 13-34.

Ghi chú: Nghiên cứu này được hỗ trợ bởi Viện Sức khỏe tinh thần Mỹ, cụ thể là tài trợ D43-TW009089; D43-TW007767 và R21- TW 008435.

Đỗ Ngọc Khanh và Bahr Weiss

 

 

Đỗ Ngọc Khanh and Bahr Weiss

Các tin cũ hơn.............................