Tính nguy hiểm của nghề và tinh thần đoàn kết của ngư dân ven biển miền Trung

15/12/2017

Tamly.com. Môi trường hợp động của nghề ngư là một trong những môi trường nghề nghề nguy hiểm bậc nhất trong các môi trường hoạt động nghề. Để ứng phó với sự nguy hiểm đó, ngư dân ven biển miền Trung luôn đoàn kết, hỗ trợ nhau trong hoạt động nghề.
Theo dòng sự kiện:

Môi trường hoạt động nghề của ngư dân đánh bắt hải sản là biển cả, và tàu, thuyền là phương tiện quan trọng bậc nhất, không thể thiếu của họ. Ở một góc độ nào đó, tàu/thuyền đối với người làm nghề đánh bắt hải sản giống như ngôi nhà của những người làm việc trên đất liền. Tuy nhiên, về cách thức và môi trường hoạt động thì rất khác. Những con thuyền luôn di chuyển trên mặt nước biển bao la với độ sâu thăm thẳm, cách đất liền nhiều tiếng đồng hồ hoặc nhiều ngày di chuyển. Kết quả nghiên cứu tài liệu, phỏng vấn trực tiếp bằng bảng hỏi, cũng như phỏng vấn sâu do nhóm thực hiện đề tài cấp Bộ 2017 – 2018: “Thái độ đối với hoạt động đánh bắt xa bờ của cư dân ven biển miền trung” (do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tài trợ) cho thấy, môi trường hoạt động nghề của những người đánh bắt hải sản là một trong những môi trường có nhiều nguy cơ đe dọa sự an toàn tính mạng con người, cũng như tài sản của họ nhất trong các loại môi trường hoạt động nghề nghiệp. Nguy cơ thứ nhất, theo Nguyễn Duy Thiệu (2014), trong lòng nước biển thường xuyên có sự rình rập hiểm nguy của nước xiết, cá dữ (Nguyễn Duy Hiệu). Nguy cơ thứ hai, đường ranh giới biển giữa các quốc gia láng giềng là thứ không dễ xác định, đòi hỏi ngư dân phải thường xuyên sử dụng la bàn, máy định vị để tránh xâm phạm lãnh thổ biển của các nước láng giềng. Trong khi đó, việc vi phạm ranh giới là nguy cơ đe dọa sự an toàn rất lớn. Kết quả phỏng vấn sâu ngư dân đánh bắt xa bờ ở Nha Trang, Khánh Hòa cho thấy: không ít ngư dân trong khi mải mê bám theo luồng cá đã vi phạm ranh giới biển giữa Việt Nam – indonesia, Việt Nam – Malaysia, Việt Nam – Philipin và một số nước khác, bị bắt, bị xử tù và tịch thu tài sản. Nguy cơ thứ ba, trong những năm gần đây, không ít trường hợp tàu của ngư dân bị tàu chức năng Trung quốc đe dọa, đánh người và phá ngư cụ. Ông Trịnh Đình Thạch – trưởng đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Đã từ lâu ngư dân Quảng Ngãi nói chung và ngư dân Lý Sơn, Bình Châu, Bình Sơn nói riêng liên tục bị Trung Quốc ngăn cản, cướp phá, đánh đập nhiều, nhất là thời gian gần đây Trung Quốc đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 thì cường độ còn tăng lên nữa” (https://baomoi.com).  Bên cạnh đó, còn nhiều nguy cơ khác, trong đó, có lẽ, thách thức lớn nhất đối với ngư dân là bão, gió bất ngờ. Có thể nói, biển Đông là vùng biển có nhiều bão tố. “Theo số liệu thống kê từ năm 1945 đến 2007, trung bình mỗi năm có đến 5 - 7 cơn bão đổ bộ vào khu vực biển gần bờ Việt Nam. Có một số năm số lượng bão rất lớn. Ví dụ năm 1973 có 12 cơn, năm 1996 có 13 cơn, và nhiều cơn bão có cường độ gió lớn trên cấp 12 (theo Nguyễn Duy Thiệu, 2014). Theo Nguyễn Thị Thanh Huyền và cộng sự (2017): “Trong năm 2013 và những tháng đầu năm 2014, người dân vùng biển Bắc Trung bộ đã chứng kiến số lượng bão, áp thấp nhiệt đới nhiều kỷ lục trong 50 năm qua”.

Mặc dầu, ngư dân ven biển miền Trung biết rất rõ tính chất nguy hiểm của nghề ngư, họ vẫn rất gắn bó với nghề. Kết quả phỏng vấn sâu cho thấy, những người đã từng đi biển khẳng định, họ sẽ bám biển đến khi nào không còn khả năng lao động, họ chưa từng có ý định thay đổi nghề.

Để theo đuổi nghề một cách an toàn và hiệu quả nhất có thể, ngư dân có tinh thần đoàn kết rất cao. Tinh thần đó được thể hiện như sau: thứ nhất, tàu của ngư dân đi biển thường đi theo nhóm, ít nhất có 3, hoặc 4 tàu xuất phát cùng thời điểm, theo một hướng. Thứ hai, mọi thuyền trường, chủ tàu đều luôn luôn ghi nhớ danh sách số điện thoại của nhiều chủ tàu/thuyền trường khác, khi có một tàu nào đó phát hiện những dấu hiệu nguy hiểm đe dọa tính mạng và tài sản, họ đều báo cho các tàu gần đó biết để tránh, hoặc chuẩn bị cùng hợp sức ứng phó. Đáp lại, khi bất cứ một tàu nào trên biển gặp khó khăn, nguy hiểm, cần trợ giúp khẩn cấp, các tàu khác ở gần đều bỏ lại công việc của mình để trợ giúp tàu gặp nguy hiểm, không kể đó là tàu của người quen hay người không quen biết. Tiếp nữa, khi gặp đàn cá lớn, họ thường gọi điện báo cho các tàu cùng nghề của người quen biết tới cùng đánh bắt.

Tóm lại, nghề ngư là một nghề nguy hiểm. Để ứng phó với những nguy hiểm của nghề, ngư dân ven biển miền Trung luôn có tinh thần đoàn kết, hỗ trợ nhau trong hoạt động nghề                                                                             

Tài liệu tham khảo

1.     Nguyễn Duy Thiệu (2014), Vai trò của môi trường biển đảo trong việc hình thành tính cách người miền Trung. Tạp chí Phát triển kinh tế xã hội Đà Nẵng, số 60/2014, tr.42 – 48.

2.     https://baomoi.com/ngu-dan-viet-thuong-xuyen-doi-mat-nguy-hiem/c/13892674.epi, Minh Đức, Ngư dân Việt thường xuyên đối mặt nguy hiểm.

3.     Nguyễn Thị Thanh Huyền và cộng sự (2017), Nhận thức của người dân ven biển miền trung về thiên tai/ bão lụt. Kỷ yếu Hội thảo Tâm lý học khu vực Đông Nam Á RCP 2017 (quyển 4): Hạnh phúc con người và sự phát triển bền vững.

Nguyễn Thị Hoa