Tại Điều 3, Khoản 3, Quyết định số 01/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Về một số chính sách hỗ trợ việc áp dụng Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, ngày 9/1/2012 đã nêu rõ: "Sản phẩm an toàn là sản phẩm nông lâm thủy sản được đánh giá, chứng nhận, công bố là sản phẩm được sản xuất, sơ chế phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật hoặc với VietGAP". Như vậy có thể hiểu là sản phẩm lúa an toàn cũng là sản phẩm được đánh giá, chứng nhận, công bố là sản phẩm được sản xuất, sơ chế phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật hoặc với VietGAP.
Từ dữ liệu nghiên cứu của một đề tài vào năm 2017, bài viết này tìm hiểu sự đánh giá của người nông dân về sự cần thiết của quy trình sản xuất an toàn trên việc thu thập ý kiến của 173 người – đại diện cho hộ nông dân hiện đang canh tác lúa tại hai tỉnh Hải Dương và Lâm Đồng. Sự cần thiết/ quan trọng của quy trình sản xuất lúa an toàn được đánh giá bằng thang 3 điểm, từ 1-3, điểm càng cao thì mức độ cần thiết/ quan trọng càng nhiều.
Theo quy trình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP (Quyết định số: 2998/QĐ-BNN-TT ngày 9/11/2010 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thông), để có một sản phẩm lúa an toàn thì cần đáp ứng một số yêu cầu chính như đánh giá và lựa chọn vùng sản xuất, quản lý đất, giống, phân bón, nguồn nước, hóa chất, thu hoạch và xử lý sau thu hoạch….
Kết quả nghiên cứu cho thấy, người nông dân sản xuất lúa trong mẫu nghiên cứu đánh giá tốt về mức độ quan trọng và cần thiết của việc đánh giá nguồn đất bị ô nhiễm, chọn giống, đánh giá nguy cơ của việc sử dụng nguồn nước… Cụ thể:
Về nguồn đất: Người nông dân cho rằng, việc đánh giá mức độ ô nhiễm của nguồn đất là rất cần thiết trong việc sản xuất lúa (2,84/3). Tỉ lệ số người cho rằng, việc đánh giá ô nhiễm nguồn đất là không cần thiết chỉ chiếm 4,6%. Mặc dù vậy, cũng theo đánh giá của người nông dân trồng lúa thì việc đánh giá này cũng khó thực hiện (chiếm 66,5%), và rằng, địa phương không tiến hành khảo sát và đánh giá mức độ ô nhiễm (chiếm 61,8%).
Về nguồn nước: Phần lớn (95,3%) số người được hỏi cho rằng, việc đánh giá nguy cơ ô nhiễm nguồn nước có vai trò rất quan trọng trong sản xuất nông nghiệp. Theo họ, nguồn nước bị ô nhiễm dẫn tới nhiều hệ lụy khác nhau và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng. Sự đánh giá này là do nguồn nước tưới tiêu trong sản xuất tại địa phương là có ô nhiễm (61,3%), là do các chất thải từ sinh hoạt hàng ngày được xả ra với số lượng lớn nhưng không qua xử lý; do nước thải từ các hoạt động chăn nuôi gia súc; do việc sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật, các chất hóa học độc hại trong sản xuất có thể gây ô nhiễm nguồn nước ngầm và nước mặt.
Về nguồn gốc hạt giống/cây trồng: Có 96,3% số người được hỏi cho rằng việc nắm rõ nguồn gốc hạt giống, cây trồng có vai trò rất quan trọng trong quá trình sản xuất nông nghiệp bởi theo họ, hạt giống tốt có tác dụng làm tăng năng suất lao động, tăng chất lượng sản phẩm nông nghiệp, tăng vụ và cho năng suất, sản lượng cao, đạt chất lượng tốt.
Về hóa chất: Phần lớn (81,5%) nông dân được hỏi cho rằng, khi cần mua thuốc bảo vệ thực vật thì nên mua ở những cửa hàng được cấp phép và thuốc cần có trong danh mục thuốc được phép sử dụng; đồng thời họ cũng hiểu rõ sự cần thiết của việc đảm bảo thời gian cách ly thuốc bảo vệ thực vật khi thu hoạch (95,3%) và kiễn thức và kỹ thuật sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp (89,5%).
Nói chung, người nông dân trồng lúa đánh giá rất cao sự cần thiết/ tầm quan trọng của việc đảm bảo quy trình trong sản xuất lúa an toàn. Điều này cũng cho rằng về mặt nhận thức thì người nông dân trồng lúa đã có những nhận thức tốt về quy trình này.
-----------------------
Ghi chú: Dữ liệu được triết xuất từ kết quả khảo sát của đề tài cấp bộ do PGS.TS. Lã Thị Thu Thủy làm chủ nhiệm, Viện Tâm lý học chủ trì thực hiện.
----------------------
Tài liệu tham khảo
1. Thủ tướng Chính phủ (2012). Quyết định số 01/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ việc áp dụng Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, ngày 9/1/2012
Lã Thủy