Hài lòng của người nông dân về hoạt động sản xuất lúa của gia đình

11/12/2019

(Tamly) - Giữ vững an ninh lương thực là một trong những mục tiêu của quốc gia về hoạt động sản xuất nông nghiệp. Trong chuỗi sản xuất đưa lúa gạo đến tay người tiêu dùng, người nông dân có vai trò rất quan trọng, là người đầu tiên trong chuỗi sản xuất ấy. Mặc dù đó là công việc của họ, nhưng hiện nay họ có thực sự hài lòng với hoạt động sản xuất lúa của gia đình hay không?

Theo quan sát thực tế tại các địa phương, trong các hoạt động sản xuất nông nghiệp hiện nay,  dường như người nông dân ít mặn mà với sản xuất lúa hơn so với các hoạt động sản xuất khác. Hiện tượng bỏ ruộng trồng lúa một phần hoặc toàn phần của nông dân vùng đồng bằng Bắc Bộ đã ghi nhận trong nghiên cứu của Lã Thị Thu Thủy và cộng sự (2015) cho thấy, có nhiều lý do khiến người nông dân ít hoặc không còn muốn gắn bó với trồng lúa. Điều này gián tiếp cho thấy, người nông dân có sự không hài lòng với hoạt động sản xuất lúa của gia đình.

Dữ liệu từ một nghiên cứu của Viện Tâm lý học vào năm 2017 về thái độ của người nông dân đối với sản xuất thực phẩm an toàn  đã tìm hiểu sự hài lòng của người nông dân đối với sản xuất lúa của gia đình thông qua ý kiến của 173 người – đại diện cho hộ nông dân hiện đang canh tác lúa tại hai tỉnh Hải Dương và Lâm Đồng. Trong nghiên cứu này, sự hài lòng về sản xuất lúa được thể hiện thông qua sự hài lòng về quy trình, kỹ thuật, quy mô trồng lúa, năng suất, chất lượng lúa, khả năng tiêu thụ và thu nhập từ hoạt động trồng lúa. Các phương án được thiết kế từ không hài lòng đến hài lòng với thang 3 điểm (từ 1-3 điểm). Điểm càng cao thì mức độ hài lòng về  hoạt động sản xuất lúa càng cao.

Kết quả cho thấy một số điểm sau:

Người nông dân khá hài lòng với hoạt động trồng lúa của gia đình (điểm trung bình dao động từ 2,40/3- 2,64/3). Trong tổng số 7 vấn đề liên quan đến sản xuất lúa của gia đình, người dân hài lòng khá nhiều với quy trình trồng lúa của gia đình (ĐTB=2,64/3); với chất lượng lúa gạo của gia đình (ĐTB=2,63/3); với kỹ thuật trồng lúa của gia đình (ĐTB=2,61/3). Bên cạnh đó người nông dân ít hài lòng với thu nhập từ trồng lúa (ĐTB=2,00/3) và khả năng tiêu thụ sản phẩm lúa gạo của gia đình (ĐTB=2,39/3). Kết quả này khá tương đồng với kết quả nghiên cứu của Viện Tâm lý học thực hiện năm 2015-2016 khi nghiên cứu về hiện tượng bỏ ruộng của người nông dân vùng đồng bằng sông Hồng: hiệu quả kinh tế của trồng lúa không cao, và thu nhập trồng lúa là thấp nhất trong các hoạt động sản xuất nông nghiệp (trồng rau màu, chăn nuôi). Một số trao đổi với bà con nông dân trồng lúa cho thấy, thu nhập trồng lúa không cao một phần do chi phí đầu vào cao như dịch vụ nông nghiệp, vật tư nông nghiệp, nhưng giá bán của sản phẩm lúa thì không tương xứng.

Có sự tương đồng trong sự hài lòng về sản xuất lúa của gia đình từ các nhóm nam nông dân và nhóm nữ nông dân, nhóm có độ tuổi khác nhau (p>0,05). Mặc dù vậy, người nông dân ở Hải Dương hài lòng về quy trình, kỹ thuật, năng suất và chất lượng lúa của gia đình nhiều hơn so với sự hài lòng về các vấn đề này ở người nông dân Lâm Đồng (p<0,01). Sự khác biệt này một phần là đặc điểm địa hình của Lâm Đồng là vùng cao nguyên, nên diện tích  trồng lúa ở Lâm Đồng ít hơn so với Hải Dương và Lâm Đồng chú trọng hơn tới việc sản xuất rau, củ, quả, hoa màu. Nếu so sánh về số hộ có canh tác lúa thì chiếm phần đông là thuộc tỉnh Hải Dương (66,7%), số còn lại là nông dân thuộc tỉnh Lâm Đồng (33,3%). Hơn thế nữa, thu nhập từ lúa vẫn thấp hơn thu nhập từ rau, củ quả.

Nói chung, người nông dân trồng lúa vẫn có sự hài lòng tương đối đối với hoạt động trồng lúa của gia đình. Mặc dù vậy, thu nhập từ việc trồng lúa cũng vẫn không đem lại sự hài lòng nhiều như những vấn đề khác có liên quan đến sản xuất lúa của gia đình. Kết quả này cùng với những kết quả nghiên cứu trước đó về sản xuất của nông dân càng khẳng định thêm rằng, thu nhập thấp từ sản xuất lúa gạo không đem lại sự hài lòng, và điều này gián tiếp khiến người nông dân không mấy mặn mà với ruộng đồng.

-------------------

Ghi chú: Dữ liệu được triết xuất từ kết quả khảo sát của đề tài cấp bộ: “Thái độ của người nông dân đối với sản xuất thực phẩm an toàn” do PGS.TS. Lã Thị Thu Thủy làm chủ nhiệm, Viện Tâm lý học chủ trì thực hiện.

-------------------

Tài liệu tham khảo

1. Lã Thị Thu Thủy và đồng nghiệp (2016). Hiện tượng bỏ ruộng của người nông dân vùng đồng bằng Bắc bộ: khía cạnh tâm lý. Báo cáo tổng kết ĐTCB 2015-2016. Viện Tâm lý học

Lã Thủy