(Tamly) – Trong nhiều năm gần đây, hoạt động trồng lúa của người nông dân không phải là hoạt động lao động thủ công, mà đã có sử dụng cơ giới hóa và khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Lúa gạo do gia đình sản xuất không phải chỉ đơn thuần phục vụ để cung cấp lương thực cho gia đình. Người nông dân trồng lúa vì nhiều mục đích khác nhau, cách thức khác nhau…
Sử dụng một phần dữ liệu từ một nghiên cứu của Viện Tâm lý học vào năm 2017 về thái độ của người nông dân đối với sản xuất thực phẩm an toàn, bài viết này tìm hiểu thực trạng trồng lúa của các hộ nông dân dựa trên 173 người – đại diện cho hộ nông dân hiện đang canh tác lúa tại hai tỉnh Hải Dương và Lâm Đồng.
Kết quả cho thấy một số điểm sau:
Về mục đích trồng lúa: Mục đích trồng lúa của các hộ gia đình cũng khá đa dạng: để bán, để ăn và vừa để bán vừa để ăn. Số người cấy lúa để ăn chiếm 50,6%, số người cấy lúa để bán là chính chiếm 10,4%; số người cấy lúa vừa để ăn vừa để bán chiếm 39,0%. Kết quả này cho thấy, phần nhiều nông dân trong mẫu khảo sát cấy lúa để ăn hoặc kết hợp vừa cấy lúa để ăn và để bán. Cũng có một số hộ gia đình cấy lúa chủ yếu là để bán, coi nó như một nguồn thu nhập chính của gia đình. Tuy nhiên số lượng này không nhiều.
Về quy mô trồng lúa: Quy mô canh tác lúa chủ yếu theo kiểu hộ gia đình. Mô hình này chiếm tỷ lệ lớn (97,5%) trong mẫu khảo sát.
Về cách thức trồng lúa: Phần đông các hộ gia đình sản xuất theo kinh nghiệm, truyền thống (78,6%). Phần lớn các hộ gia đình cũng không thực hiện việc đánh giá mức độ ô nhiễm nguồn nước (62,9%). Nhiều hộ gia đình không nắm rõ nguồn gốc hạt giống/ cây trồng (49,1%). Nhiều hộ gia đình không kiểm tra đầy đủ thông tin về nguồn gống hạt giống cây trồng (72,8%). Việc sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật cũng được các hộ nông dân sử dụng theo cả hai hướng phân hữu cơ, phân vô cơ và thuốc hóa học, thuốc sinh học.
Về hướng sản xuất: Đây là điểm khá quan trọng trong hướng đi và hướng phát triển của các hộ nông dân. Mặc dù kết quả đã cho thấy, số lượng nông dân (dao động từ 81,5% - 96,3%) đánh giá cao sự cần thiết/ quan trọng của một số quy định trong quy trình sản xuất như có 95,3% nông dân cho rằng, việc đánh giá ô nhiễm nước rất quan trọng; có 96,3% nông dân khẳng định việc nắm rõ nguồn gốc hạt giống, cây trồng có vai trò rất quan trọng trong quá trình sản xuất nông nghiệp; và phần lớn (81,5%) nông dân được hỏi cho rằng, khi cần mua thuốc bảo vệ thực vật thì nên mua ở những cửa hàng được cấp phép và thuốc cần có trong danh mục thuốc được phép sử dụng). Đảm bảo được những quy định này chính là người nông dân đang hướng đến việc sản xuất an toàn. Mặc dù vậy, có hơn một nửa số nông dân hiện đang tham gia trồng lúa an toàn (chiếm 52,6%). Trong thời kỳ kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế như hiện nay, các sản phẩm lúa gạo ngày càng đa dạng với nhiều chủng loại có chất lượng hơn, đòi hỏi sự cạnh tranh về các sản phẩm ngày càng nhiều hơn. Đây là một thách thức của người nông dân trồng lúa, nhất là trong trường hợp các hộ trồng lúa với mục đích để bán. Chính vì vậy, hướng đi sản xuất an toàn chính là hướng đi bền vững, vừa đảm bảo sức khỏe của người tiêu dùng khi được sử dụng sản phẩm an toàn/ sạch, vừa đảm bảo sức khỏe của người sản xuất khi tránh được những chất độc hại trong quá trình sản xuất không an toàn; thêm nữa về lâu dài thì việc sản xuất an toàn là một cách thức bảo vệ môi trường một cách bền vững (môi trường đất, nước, không khí…) nơi mà người nông dân sống và làm việc.
--------------------
Ghi chú: Dữ liệu được triết xuất từ kết quả khảo sát của đề tài cấp bộ: “Thái độ của người nông dân đối với sản xuất thực phẩm an toàn” do PGS.TS. Lã Thị Thu Thủy làm chủ nhiệm, Viện Tâm lý học chủ trì thực hiện.
Lã Thủy