Kỳ thị là một trong những thái độ tiêu cực của những người xung quanh đến với một người nào đó. Các nghiên cứu lâm sàng đã cho thấy, kỳ thị có ảnh hưởng tiêu cự tới sức khỏe tinh thần của người bệnh.
Các nghiên cứu cho thấy, thái độ tiêu cực của những người xung quanh hay người thân đối với những người gặp vấn đề sức khỏe tinh thần có ảnh hưởng xấu đến người bệnh. Kỳ thị là rào cản cho những người cần trị liệu bệnh tinh thần, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương như phụ nữ bị bạo hành (Ojeda và McGuire, 2006; Gary, 2005). Nó có thể làm cho người bệnh bị xã hội xa lánh, giảm cơ hội việc làm, cơ hội tìm kiếm sự chăm sóc y tế (Smith, 2002; Link và Phelan, 2001, 2006; Stuart, 2006; Paris, 1996; Corrigan và Penn, 1999; Klin và Lemish, 2008, dẫn theo Courtney McQuoid, 2010), đồng thời trải nghiệm sự xa lánh xã hội của bạn bè, gia đình và người quen (Wahl, 1999). Sự kỳ thị cũng có thể làm cho những triệu chứng bệnh tồi tệ đi, làm tăng nguy cơ xuất hiện các bệnh thực thể (Chapman et.al., 2005) hay gây ra các triệu chứng khác liên quan đến các bệnh tinh thần như lo âu và trầm cảm (Link et.al., 1989).
Sự kỳ thị của cộng đồng đối với bệnh tinh thần làm hạn chế hiểu biết của các thành viên trong cộng đồng về bệnh tinh thần. Sự kỳ thị của các nhà chuyên môn không chỉ ảnh hưởng đến người có vấn đề về sức khỏe tinh thần, nó còn ảnh hưởng đến thái độ của các chuyên gia trong lĩnh vực này. Thái độ tiêu cực với bệnh tinh thần của các nhà chuyên môn có thể làm nảy sinh cảm giác tuyệt vọng và cảm thấy trị liệu không có kết quả (Cohen, 1990); cảm thấy không muốn cung cấp dịch vụ cho người bệnh (Cohen, 1990; Minkoff, 1987). Nghiên cứu đề tài cấp bộ của Viện Tâm lý nhằm tìm hiểu thực trạng thái độ kỳ thị của 496 phụ nữ bị bạo lực gia đình ở Lào Cai, Quảng Ninh và Hà Giang đối với vấn đề sức khỏe tinh thần. Kết quả nghiên cứu cho thấy, Thái độ kỳ thị của phụ nữ bị bạo lực gia đình đối với người có vấn đề sức khỏe tinh thần được thể hiện cả ở 3 mặt nhận thức, cảm xúc và hành vi. Phụ nữ bị bạo lực ở các vùng miền núi phía Bắc cho rằng, những người có vấn đề về sức khỏe tinh thần là người yếu đuối, không thể tự cân bằng cảm xúc của mình, họ là những người nguy hiểm, khó đoán trước, cần phải cách ly khỏi xã hội. Tỷ lệ phụ nữ báo cáo rằng, họ có cảm xúc tiêu cực nếu gặp vấn đề về sức khỏe tinh thần cũng khá cao. Bản thân họ sẽ không nhận những người có vấn đề về sức khỏe tinh thần vào làm việc, họ cũng không muốn làm việc cùng hay kết bạn với những người như vậy. Các kết quả này gợi ý rằng, cần phải làm rất nhiều để có thể giảm thái độ thiếu thân thiện và mang tính phân biệt đối xử đối với người có vấn đề về sức khỏe tinh thần.
Tài liệu tham khảo
1. Cohen (1990) Stigma is in the eye of the beholder: A hospital outreach program for treating homeless mentally ill people. Bulletin of the menniger clinic, 54, 255 - 258.
2. Courtney McQuoid (2010). Young Women's Perceptions of and Attitudes towards Mental Health and Mental Illness: A Qualitative Interview Study, Luận án tiến sĩ.
3. Corrigan P.W. & Penn D.L.(1999). Lessons from social psychology ondiscr editing stigma, American Psychologists, 54 (9), pp. 726 - 776.
4. Gary F.A. (2005). Stigma: Barrier to mental health care among ethnicminorities, Issues in Mental Health Nursing, 26 (10), pp. 979 - 999.
5. Link B.G. & Phelan J.C.(2001), Conceptualizing stigma, Annual Review of Sociology, 27, pp. 363 - 385.
6. Link et.al.(1999). Real in their consequences: A sociological approach to understanding the association between psychotic symptom and violence, American Sociological Review, 64 (2), pp. 316 - 322.
7. Link B.G. & Phelan J.C. (2006). Stigma and its public health implications, Lancet, 367, pp. 528 - 529
8. Minkoff, (1987). Resistance of mental health professionals to working with the chronically mentally ill. In A. T. Meyerson’s, (1987). Barriers to treating the chronically mentally ill (pp 3-20). New Directions in Mental Health Service, No 33. San Francisco, CA: Jossey – Bass.
9. Ojeda V.D. & McGuire T.G. (2006). Gender and racial/ethnic differences in use of outpatient mental health and substance use services by depressed adults, Psychiatric Quarterly, 77 (3), pp. 211 – 222.
10. Paris K.A. (1996). Attitudes toward mental health services: Development of a scale, Norman, OK: University of Oklahoma [Dissertation], 1996.
11. Smith M., Stigma (2002). Advances in Psychiatric Treatment, 8, pp. 317 – 325.
12. Stuart H. (2006). Mental illness and employment discrimination, Current Opinions in Psychiatry, 19 (5), pp. 522 – 526.
13. Wahl O.F. (1999). Mental health consumers’ experience of stigma, Schizophrenia Bulletin, 25, pp. 467 - 478.
Đỗ Ngọc Khanh
Đỗ Ngọc Khanh