Một số đặc điểm tâm lý của ngư dân khai thác hải sản - Nghiên cứu ở nước ngoài

31/08/2018

(Tamly)- Kết quả nghiên cứu tài liệu cho thấy: nghề khai thác hải sản ở nước ngoài là một nghề nguy hiểm. Ngư dân – những người lao động trong nghề đó nhận thức được sự nguy hiểm của nghề và họ ứng phó tích cực: một mặt, họ không trầm trọng hóa sự nguy hiểm, để giảm bớt sự căng thẳng; mặt khác, họ không đề cao tính định mệnh, họ tích cực hành động để hạn chế tai nạn, thương tích. Ngư dân hài lòng và gắn bó với nghề, ít có ý định thay đổi nghề.

 

Nghề ngư khai thác hải sản là một nghề nguy hiểm. Ở các nước phát triển trên thế giới nghề khai thác hải sản mang tính công nghiệp và thương mại: tàu lớn, trang bị hiện đại, con người được đào tạo cơ bản, khai thác hải sản với mục đích kinh doanh (Nguyễn Đức Sĩ , 2014). Tuy nhiên, phần lớn các nhà nghiên cứu về nghề khai thác hải sản đều nhận định rằng: nghề đó là một nghề rất nguy hiểm (Marshall K.,1996; Marianne Törner, Mats Eklöf, 2000; Oswaldo Huchim-Lara, Silvia Salas, Julia Fraga, Nina Méndez-Domínguez and Walter Chin, 2016…). Theo Marshall K. (1996), nghề đánh cá công nghiệp là một trong những nghề nguy hiểm nhất ở Ca na đa (dẫn theo Victoria Acheson, https://open.library.ubc.ca). Marianne Törner – một nhà khoa học Thụy Điển chuyên nghiên cứu nguy cơ thương tích và tai nạn nghề nghiệp nhận định: thương tích và rủi ro thường xuyên xảy ra trong nghề đánh bắt cá biển công nghiệp (Marianne Törner, Mats Eklöf, 2000, https://open.library.ubc.ca). 

Mối quan hệ giữa nhận thức về mối nguy hiểm và hành vi báo cáo tai nạn nghề cá

Những nghiên cứu về nguyên nhân điển hình dẫn đến tai nạn của nghề đánh cá và những biện pháp giáo dục ngăn ngừa tai nạn cho thấy, ngư dân thường ít báo cáo tai nạn nghề nghiệp của họ (dẫn theo Victoria Acheson, 2000). Theo Pollnac et al (1995) một trong những nguyện nhân dẫn đến những tai nạn trong công việc của những người ngư dân là sự phủ nhận hoặc xem thường nguy hiểm trong nghề nghiệp tương đối phổ biến, nó như một phần văn hóa nghề của họ. Cách cư xử như vậy là do họ muốn giảm nhẹ áp lực tâm lý khi phải thường xuyên đối mặt với nguy hiểm trong hoạt động nghề (dẫn theo Victoria Acheson, 2000).

Tri giác và hành vi kiểm soát mối hiểm nguy của nghề cá

Xem xét thái độ của ngư dân ở Thụy Điển đối với sự nguy hiểm trong hoạt động nghề, Marianne Törner, Mats Eklöf (2000) phát hiện ra cách nhìn nhận của ngư dân về mức độ nguy hiểm của nghề cá chỉ ở mức vừa phải; nhưng họ lại ít hài lòng với sự an toàn của nghề nghiệp; nhìn nhận những nguy hiểm có thể quản lý được tương đối thấp; chủ nghĩa định mệnh không phải là điểm nổi trội (ngư dân nhận thức rõ sức mạnh của kiểm soát bên trong, sự không sợ hãi và sự chấp nhận nguy hiểm ở mức vừa phải); những hành động nhằm nâng cao mức độ an toàn trong công việc được thể hiện rõ. Những ngư dân tự tin vào kiểm soát nguy hiểm thông qua biện pháp kỹ thuật và phương pháp làm việc thường tích cực hành động vì sự an toàn công việc. Tính tích cực vì an toàn công việc có tương quan thuận với tri giác đầy đủ về kiến thức kỹ thuật, về điều khiển máy móc trên thuyền và có tương quan nghịch với chủ nghĩa định mệnh. Không có tương quan giữa tính tích cực vì an toàn trong công việc với tuổi, kinh nghiệm và trải nghiệm tai nạn.

Nhận thức về nghề cá và các yếu tố bảo vệ

Oswaldo Huchim-Lara, Silvia Salas, Julia Fraga , Nina Méndez-Domínguez1 and Walter Chin (2016) tìm hiểu nhận thức về nghề lặn biển của ngư dân ở một làng chài tại Los Angeles, Hoa Kỳ cho thấy, ngư dân nhận ra rằng sự suy giảm sức khỏe ở những người làm nghề này là một vấn đề cần được quan tâm. Họ cũng cho thấy chính sách quản lý và việc tăng dân số trong lĩnh vực đánh bắt cá là những yếu tố gây căng thẳng cho họ. Từ đó, họ mong muốn có các chương trình phát triển nguồn hải sản và có nhiều các sáng kiến cải tiến điều kiện làm việc trong lĩnh vực này.

Nhìn chung, ngư dân nhận thức được tính chất nguy hiểm của điều kiện làm việc trong nghề đánh bắt cá biển. Tuy nhiên, họ có cách ứng phó tích cực với tính chất đặc trưng đó của nghề: không trầm trọng hóa tính chất nguy hiểm để giảm căng thẳng, không đề cao chủ nghĩa định mệnh, tích cực hành động vì sự an toàn của bản thân và đồng nghiệp.

Sự hài lòng với nghề cá

Nghiên cứu về sự hài lòng với nghề đánh bắt cá biển và sự gắn kết với nghề của ngư dân cho thấy: phần lớn ngư dân hài lòng với nghề và ít có nguyện vọng chuyển nghề (Richard B. Pollnac, John J. Poggie, 2008, Sean Pascoe, Tone Cannard, Eddie Jebrin, Cathrine Dichmont and Ricky Schirmar, 2014).

Nghiên cứu về sự hài lòng với nghề đánh bắt cá biển công nghiệp và nguyện vọng chuyển nghề của ngư dân ở vùng Queensland East Coast Trawl của nước Úc cho thấy: phần lớn ngư dân hài lòng với nghề và có nguyện vọng tiếp tục làm nghề đánh cá. Nghiên cứu cũng chỉ ra những yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng với nghề khai thác hải sản của ngư dân. Đó là: thứ nhất, mong muốn tiếp tục truyền thống nghề đánh bắt cá biển của gia đình; thứ hai, sự gắn bó với nhóm nghề và thứ ba, niềm tự hào về nghề đánh bắt cá biển. Đến lượt mình, sự hài lòng với nghề nói chung và thách thức của nghề là những yếu tố có ảnh hưởng đến nguyện vọng ở lại hay chuyển nghề của ngư dân. Trái lại, thu nhập từ nghề, tri giác của xã hội về nghề cá, niềm tin vào hoạt động quản lý và tri giác về sự công bằng trong phân chia nguồn hải sản không ảnh hưởng đến sự hài lòng nói chung và nguyện vọng chuyển nghề của ngư dân (Sean Pascoe, Tone Cannard, Eddie Jebrin, Cathrine Dichmont and Ricky Schirmar, 2014).

Mối quan hệ giữa hạnh phúc và duy trì nghề nghiệp của ngư dân

Một nghiên cứu khác về hạnh phúc, trạng thái khỏe mạnh và sự thích ứng của ngư dân với căng thẳng của nghề đánh bắt cá biển được thực hiện ở Vương quốc Anh cho kết quả thú vị. Theo các tác giả, tính chất nguy hiểm của nghề đánh cá biển là sức hấp dẫn đối với ngư dân và tạo ra ở họ những phẩm chất nhân cách như: sự dũng cảm, tính tích cực, ưa mạo hiểm và hiếu thắng. Vì thế yếu tố tính chất nguy hiểm của nghề có ảnh hưởng tích cực đến mức độ hạnh phúc của họ (nhận định này tương đồng với nhận định được rút ra từ nghiên cứu của Sean Pascoe, Tone Cannard, Eddie Jebrin, Cathrine Dichmont and Ricky Schirmar (2014): thách thức của nghề đánh cá biển là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến nguyện vọng duy trì nghề của ngư dân). Một số tác giả khác có suy nghĩ: dường như, ngư dân làm nghề đánh bắt cá biển vì “cái nghiệp” hơn vì thu nhập. Và phần lớn ngư dân lựa chọn tiếp tục làm nghề đánh bắt cá biển kể cả khi họ có cơ hội chuyển sang nghề khác đem lại giá trị kinh tế lớn hơn (Richard B. Pollnac, John J. Poggie, 2008).

 Kết quả của một số nghiên cứu về vấn đề này cho thấy: ngư dân không quá chú ý đến tính nguy hiểm của nghề; phần lớn họ chấp nhận nguy hiểm, thậm chí, tính nguy hiểm của nghề là một điểm hấp dẫn họ. Ngư dân hài lòng với nghề và muốn tiếp tục gắn bó với nghề. Những đặc điểm tâm lý tích cực đó của ngư dân không xuất phát từ giá trị kinh tế thu được từ nghề, mà vì họ mong muốn gìn giữ truyền thống gia đình, muốn gắn kết với nhóm nghề, vì lòng tự hào với nghề và vì tính chất nguy hiểm của nghề thỏa mãn tính cách ưa mạo hiểm của họ. Có thể nói, về  cơ bản, ngư dân có thái độ tích cực đối với nghề.

 

          Tài liệu tham khảo

  1. Nguyễn Đức Sĩ (chủ biên) (2014), Giáo trình địa lý kinh tế nghề cá. www.ntu.edu.vn/.../GIAO%20TRINH%20DIA%20LY%20KINH%20TE%20NGHE%.
  2. Oswaldo Huchim-Lara, Silvia Salas, Julia Fraga, Nina Méndez-Domínguez and Walter Chin (2016), Fishermen’s Perceptions and Attitudes toward Risk Diving and Management Issues in Small-Scale Fisheries. American Journal of Human Ecology Vol. 5, No. 1, 2016, 1-10 DOI: 10.11634/216796221605760
  3. Job Satisfaction in Fisheries Compared
  4. Richard B. Pollnac, John J. Poggie (2008), Happiness, Well-being and Psychocultural Adaptation to the Stresses Associated with Marine Fishing. Human Ecology Review, Vol. 15, No. 2, 2008. © Society for Human Ecology
  5. Sean Pascoe, Tone Cannard, Eddie Jebrin, Cathrine Dichmont and Ricky Schirmar (2014), Satisfaction with fishing and the desire to leave. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4510324
  6. Victoria Acheson, 2000, Fishers’ attributed causes or accidents and implications for prevention education. International Fishing Industry Safety and Health Conference. https://www.cdc.gov/niosh/docs/2003-102/pdfs/2003102e.pdf.
  7. Marianne Törner, Mats Eklöf, 2000, Risk perception among fishermen and control of risks through participatory analysis of accidents and incidents. https://open.library.ubc.ca/media/download/pdf/831/1.0055933/1
  8. Victoria Acheson, Fishermen's’ attributed causes of accidents and implications for prevention education, https://open.library.ubc.ca/media/download/pdf/831/1.0055933/1