Đo lường chất lượng hôn nhân là chủ đề được nghiên cứu nhiều nhất trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình (Spanier & Lewis, 1980). Cơ sở nền tảng nghiên cứu về chất lượng hôn nhân gặp thách thức lớn trong việc thao tác hóa khái niệm và đo lường chất lượng hôn nhân. Không có một tiêu chuẩn đo lường duy nhất về chất lượng hôn nhân phù hợp cho tất cả các nghiên cứu (Bradbury và cộng sự, 2000).
Vì thế, khá nhiều thang đo đã được xây dựng để phục vụ mục đích nghiên cứu cũng như tiến hành các hoạt động xã hội, hoạt động trợ giúp.
Trắc nghiệm lượng giá hôn nhân (Marital Adjustment Test – MAT)
Trắc nghiệm MAT do Locke và Wallace xây dựng từ năm 1959 được sử dụng để đo lường sự hài lòng về mối quan hệ hôn nhân của các cặp vợ chồng. Trắc nghiệm gồm 15 item đề cập đến cảm nhận hạnh phúc chung cũng như sự hài lòng về các mặt khác nhau của đời sồng hôn nhân (tài chính, tình dục, thể hiện cảm xúc, giải quyết vấn đề, bạn bè, sử dụng thời gian rỗi, đạo dức, triết lý sống, cư xử với bên nội/ bên ngoại…). Điểm đặc biệt là các tác giả sử dụng thang điểm không như nhau cho các item khác nhau mà được điều chỉnh hệ số theo mức độ quan trọng của mỗi phương án trả lời trong hôn nhân. Tuy nhiên, thang đo này nhận được những đánh giá trái ngược trong các nghiên cứu khác nhau. Nghiên cứu của Kimmel và Van Der Veen (1974) cho thấy thang đo có độ ổn định, độ hội tụ và phân biệt tốt. Còn theo Funk và Rogge (2007), thang đo này không cho độ chính xác cao khi đánh giá mức độ hài lòng hôn nhân. Điều đó cho thấy việc sử dụng cùng thang đo trên những mẫu nghiên cứu khác nhau, vào những thời kỳ khác nhau cũng có thể có những kết quả trái ngược khi kiểm định các chỉ báo về đặc điểm tâm trắc thang đo.
Thang lượng giá song phương (Dyadic Adjustment Scale - DAS)
Thang lượng giá song phương (DAS) của Spanier (1976) là thang đánh giá các mặt khác nhau của hôn nhân gồm 32 item, với thang điểm 6 mức độ từ hoàn toàn đồng ý đến hoàn toàn không đồng ý. Thang bao gồm 4 lĩnh vực: sự thống nhất với bạn đời, cảm giác hài lòng về bạn đời, hoạt động cùng nhau, và thể hiện cảm xúc. Nghiên cứu tổng quan của Graham và các cộng sự (2006) trên 91 nghiên cứu có sử dụng thang đo này cho thấy độ tin cậy tổng thể là khá ổn định nhưng độ tin cậy của từng lĩnh vực của thang đo có sự khác biệt giữa các nghiên cứu khác nhau. Sự hài lòng và sự thống nhất song phương tương đối ổn định qua các nghiên cứu, nhưng 2 khía cạnh còn lại thì có độ tin cậy thấp hơn.
Bản DAS điều chỉnh lại (Revised Dyadic Adjustment Scale – RDAS) được xây dựng dựa trên DAS bao gồm 14 item để đo lường sự hài lòng về mối quan hệ vợ chồng bởi Busby và các cộng sự (1995) thu hẹp chỉ còn 3 lĩnh vực là sự thống nhất song phương, sự hài lòng hôn nhân và hoạt động cùng nhau.
Thang đo sự hài lòng hôn nhân Kansas (Kansas Marital Satisfaction Scale)
Thang đo sự hài lòng hôn nhân Kansas (Kansas Marital Satisfaction Scale) là 1 thang đo chỉ có 3 items dùng để đánh giá nhanh sự hài lòng hôn nhân. Thang điểm 7 mức từ Rất không hài lòng đến Cực kỳ hài lòng được sử dụng để người trả lời tự đánh giá về hôn nhân của mình. Ba mặt đó là: hài lòng với hôn nhân, hài lòng với người vợ/ người chồng và hài lòng với mối quan hệ vợ chồng (Schumm và cộng sự, 1986).
(Còn nữa)
Lệ Hằng
------------------------
Tài liệu tham khảo
1. Bradbury, T. N, & Fincham, F. D. (1991). The analysis of sequence in social interaction. In D. G. Gilbert & J. J. Conley (Eds.), Personality, social skills, andpsychopathology (pp. 257-289). New York: Plenum Press.
2. Busby, D. M., Crane, D. R., Larson, J. H., & Christensen, C. (1995). A revision of the Dyadic Adjustment Scale for use with distressed and nondistressed couples: Construct hierarchy and multidimensional scales. Journal of Marital and Family Therapy, 21, 289 – 308.
3. Funk, J. L. & Rogge, R. D. (2007). Testing the ruler with item response theory: Increasing precision of measurement for relationship satisfaction with the Couples Satisfaction Index. Jornal of Family Psychology, 21, 572-583.
4. Graham, J. M., Liu, Y. J., & Jeziorski, J. L. (2006). The Dyadic Adjustment Scale: A Reliability Generalization Meta-Analysis. Journal of Marriage and Family, 63(3), 701-717.
5. Kimmel, D. & Van Der Veen, F. (1974). Factors of marital adjustment in Locke’s Marital Adjustment Test. Journal of Marriage and the Family, 36, 57-62.
6. Locke, H.J., & Wallace, K. M. (1959). Short marital adjustment and prediction tests: Their reliability and validity. Marriage and Family Living, 21, 251-255.
7. Schumm. W. R., Paff-Bergen. L. A., Hatch. R. C., Obiorah. F. C., Copeland. J. M., Meens, L. D., & Bugaighis, M. A. (1986). Concurrent and discriminant validity of the Kansas Marital Satisfaction Scale. Journal of Marriage and the Family, 48, 381-387.
8. Spanier, G. B. & Lewis, R. A. (1980). Marital quality: A review of the seventies. Journal of Marriage and the Family, 42, 96-110.