TỔNG HỢP CÁC THANG ĐO CHẤT LƯỢNG HÔN NHÂN (phần 3)

11/12/2018

(Tamly) - Đo lường chất lượng hôn nhân là chủ đề được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm. Bài viết này nhằm tổng hợp các thang đo chất lượng hôn nhân do các tác giả nước ngoài tiến hành xây dựng. Phần 3 của bài viết sẽ tiếp tục trình bày tình hình nghiên cứu về vấn đề này.
Trong đo lường hôn nhân, có một số cách tiếp cận sau: Một số nhà nghiên cứu cho rằng chất lượng hôn nhân là một đánh giá chủ quan của một cá nhân đánh giá về mối quan hệ này, trong khi những người khác xem cấu trúc này mô tả thuộc tính quan hệ, và những người khác tập trung vào một loạt các hành vi có thể quan sát được.
Với cách đánh giá chất lượng hôn nhân như là đánh giá chủ quan của cá nhân về mối quan hệ, Lewis và Spanier (1979) tuyên bố rằng nhiều nhà nghiên cứu đã chọn để đánh giá chất lượng hôn nhân như đánh giá chủ quan về quan hệ vợ chồng. Cùng với đó, Spanier (1976) đã công bố một cách rộng rãi việc sử dụng thang đo về điều chỉnh hôn nhân (amarital adjustment) được gọi là Dyadic Adjustment Scale (DAS). 
Một phương pháp tiếp cận nghiên cứu khác xuất hiện trong những năm 1990 về đánh giá chất lượng hôn nhân, trong đó đề cập đến những biểu hiện chung nhất về một mối quan hệ hôn nhân có chất lượng. Ví dụ, Norton và các đồng nghiệp thiết lập một thang đo toàn bộ về chất lượng hôn nhân (Quality Marital Index – QMI) và tránh các đánh giá về hành vi của đối tác. QMI gồm có 6 mục, trong đó 5 mục đầu tiên nói về các khía cạnh trong hôn nhân như: chúng tôi có một cuộc hôn nhân tốt đẹp (we have a good mariage); mối quan hệ của tôi với bạn đời rất bền vững (my relationship with my partner is very stable); cuộc hôn nhân của chúng tôi là vững chắc (our marriage is strong); mối quan hệ của tôi với bạn đời khiến tôi hạnh phúc (my relationship with my partner makes me happy); tôi cảm thấy tôi và bạn đời là một đội (I really feel like part of a team with my partner). Với 5 mục trên, người trả lời trên thang điểm từ 1 – không đồng ý cho đến 7 – rất đồng ý. Mục thứ 6 đánh giá chung về hạnh phúc hôn nhân trên thang điểm từ 1 đến 10 – với điểm số càng cao thì càng hạnh phúc (Norton.R, 1983).
Một cách đo lường khác dựa trên tiếp cận khách quan, trong đó chất lượng hôn nhân bao gồm những chỉ báo mang tính khách quan về những gì mà con người cần thỏa mãn để có được một cuộc hôn nhân có chất lượng. Trong đo lường chất lượng hôn nhân theo tiếp cận này, có những chỉ số về hành vi (ví dụ như mức độ xung đột, sự gần gũi gắn bó, sự tương tác giữa vợ và chồng…) hoặc sự so sánh xã hội (ví dụ, bạn có muốn cưới lại vợ/chồng bạn nếu bạn có cơ hội quay trở lại giai đoạn trước khi cưới vợ/chồng?). 
Phần lớn các tài liệu nghiên cứu và phương pháp đo lường về chất lượng hôn nhân phần lớn tập trung ở bối cảnh phương tây. Tuy nhiên, chất lượng hôn nhân và các tiêu chí để đo lường nó sẽ có sự thay đổi theo bối cảnh môi trường, văn hóa. Ví dụ: thang đo DAS về chất lượng hôn nhân được thực hiện trên mẫu khách thể là người Mỹ xác định tần suất Hôn là một trong những tiêu chí để đánh giá chất lượng hôn nhân, tuy nhiên Shek và Cheung (2008) gợi ý rằng “hôn” không phải là dấu hiệu hài lòng của hôn nhân ở Trung Quốc. Tương tự, Lee và Ono (2008) gợi ý rằng một cuộc hôn nhân tốt ở Nhật Bản thường có tiêu chí về khả năng giúp đỡ công việc của người chồng đối với người vợ, trong khi khả năng hỗ trợ giúp đỡ người vợ của người chồng không quan trọng trong quan niệm về một cuộc hôn nhân tốt ở Hoa Kỳ. Những sự khác biệt theo ngữ cảnh làm tăng thách thức của việc phát triển các biện pháp đo lường chất lượng hôn nhân có liên quan đến một bối cảnh cụ thể. Do đó, để có một công cụ đo lường chất lượng hôn nhân phù hợp với bối cảnh Việt Nam thì việc tiến hành xây dựng và thử nghiệm thang đo chất lượng hôn nhân trên người Việt là điều cần phải làm.
 
Lệ Hằng
-------------------------
Tài liệu tham khảo
1. Lee, K.S., Ono, H., 2008. Specialization and happiness in marriage: A US-Japan comparison. Social Science Research 37, 1216-1234.

2. Lewis, R. A., and Spanier, G. B. (1979). Theorizing about the quality and stability of marriage. In W. Burr, R. Hill, F. I. Nye, & I. Reiss (Eds.), Contemporary theories about the family (pp. 268-294). New York, NY: Free Press.

3. Norton, R. 1983. "Measuring marital quality: A critical look at the dependent variable". Journal of Marriage and the family, 45, 141 – 151. Roach. A. J., Frazier. L. P., & Bowden. S. R. (1981). The Marital Satisfaction Scale: Development of a measure for intervention research. Journal of Marriage and the Family, 43, 537-546.

4. Shek, D.T.L., Cheung, C.K., 2008. Dimensionality of the Chinese Dyadic Adjustment Scale based on confirmatory factor analyses. Social Indicators Research 86, 201-212.

5. Spanier, G.B., 1976. Measuring dyadic adjustment - New scales for assessing quality of marriage and similar dyads. Journal of Marriage and the Family 38, 15-28.