Điểm luận về sự hài lòng trong hôn nhân theo các nhóm cặp vợ chồng

08/12/2019

(Tamly) – Bất cứ ai kết hôn đều mong muốn mình được hạnh phúc trong hôn nhân, mà biểu hiện rất rõ là sự hài lòng của họ trong hôn nhân. Nhiều nghiên cứu của các nhà khoa học đã quan tâm đến điều này ở các nhóm cặp vợ chồng với những đặc điểm khác nhau.

Có nhiều quan điểm về sự hài lòng trong hôn nhân. Lý thuyết hài lòng trong hôn nhân nhấn mạnh và quan tâm đến cảm nhận, đánh giá chủ quan của người trong cuộc một cách toàn diện về chất lượng hôn nhân, trong đó lý thuyết này chú ý đến cảm xúc trong mối quan hệ. Trong khi Campbell, Converse & Rodgers (1976) nhấn mạnh đến sự hài lòng hôn nhân trên cơ sở từ nhận thức liên quan đến sự đối chiếu bối cảnh của cuộc hôn nhân với những tiêu chuẩn nào đó. Điểm chung của hai quan điểm này chính là sự hài lòng trong hôn nhân là cảm nhận chủ quan tích cực của người trong cuộc về cuộc sống hôn nhân.

Sự hài lòng trong hôn nhân của nhóm các cặp vợ chồng khác nhau cũng đã được nhiều nhà khoa học quan tâm, chủ yếu liên quan đến các đặc điểm cá nhân như tuổi, trình độ học vấn, tính cách, tình trạng con, thu nhập.

Nghiên cứu của Bumpass và Sweet (2007) và của Booth và Edwards (1985) cho thấy, những người kết hôn sớm có sự hài lòng thấp và có khả năng ly hôn cao hơn so với những người kết hôn muộn hơn. Nghiên cứu của Gorchof, John và Helson (2008) trên những người trong độ tuổi 20-30 tuổi cho thấy rằng, tuổi kết hôn tăng, hoặc kết hôn muộn sẽ làm tăng hạnh phúc trong hôn nhân. Mặc dù vậy, kết quả nghiên cứu của Đặng Thị Thu Trang và Phan Thị Mai Hương (2017) trên 733 người đang trong hôn nhân cho thấy rằng, nữ kết hôn ở tuổi 18 đến 25, nam kết hôn ở tuổi 20 đến 27 báo cáo cảm nhận hạnh phúc hôn nhân cao nhất; kết hôn sau 25 tuổi ở nữ, sau 27 tuổi ở nam có xu hướng báo cáo cảm nhận hạnh phúc giảm đi. Trong khi đó, chênh lệch tuổi giữa vợ và chồng cũng có những ảnh hưởng nhất định đến sự hài lòng trong hôn nhân. Nghiên cứu của Lee và McKinnish (2017) đã nhận thấy rằng, trước những biến cố trong cuộc sống như cú sốc kinh tế thì những cặp đôi có sự chênh lệch lớn về tuổi sẽ giảm sự hài lòng một cách đáng kể so với những cặp đôi có độ tuổi như nhau.

Liên quan đến trình độ học vấn của các cặp vợ chồng. Nghiên cứu của Janssen,  Poortman, Graaf & Kalmijn (1998) đã nhận thấy sự không tương đồng về trình độ học vấn ở các cặp vợ chồng có hôn nhân bất ổn cao hơn so với các cặp có trình độ học vấn tương đồng. Khan (2004) cũng nhận thấy điều này khi thấy rằng, ở các cặp đôi mà người vợ có trình độ học vấn cao hơn người chồng thì nhiều khả năng cuộc sống của cặp đôi đó có những tình trạng căng thẳng và không hài lòng trong hôn nhân.

Liên quan đến thu nhập và chênh lệch thu nhập của vợ và chồng, một số nghiên cứu nhận thấy, thu nhập có ảnh hưởng đến sự hài lòng trong hôn nhân của họ. Thu nhập của người vợ cao hơn thu nhập của người chồng có ảnh hưởng tiêu cực đến hôn nhân (Bertran, Pan và Kamenica, 2013; Furdyna, Tucker và James, 2008), và phụ nữ có xu hướng không hài lòng trong hôn nhân khi kết hôn với người chồng có thu nhập thấp hơn mình (Zhang & Tsang, 2013).

Một số đặc điểm khác cũng có ảnh hưởng đến sự hài lòng hôn nhân. Nghiên cứu của Blum & Mehrabian (1999) cho rằng, những cá nhân có tính cách dễ chịu thì họ hạnh phúc hơn trong hôn nhân (dẫn theo Luo và cộng sự, 2008, tr. 1233); trong khi nghiên cứu của Đỗ Ngọc Khanh (2016) lại nhận thấy, nhóm chưa có con cảm thấy hạnh phúc gia đình nhiều hơn so với các nhóm khác (nhóm đang có thai và nhóm đã có con).

Như vậy, vấn đề hài lòng trong hôn nhân ở các cặp đôi đã được khá nhiều nghiên cứu quan tâm. Rõ ràng, sự hài lòng trong hôn nhân có sự khác biệt giữa các cặp đôi và chịu ảnh hưởng bởi những đặc điểm cá nhân và những đặc điểm khác của vợ/ chồng hoặc của các cặp đôi. Có thể sự hài lòng trong hôn nhân còn chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác mà trong phần điểm luận này chưa trình bày được hoặc chưa có nhiều nghiên cứu quan tâm đến. Đây là những điểm trống gợi ý cho những nghiên cứu tiếp theo của các nhà khoa học quan tâm đến vấn đề này.

-------------------------

Tài liệu tham khảo

1. Bertrand, M.; Pan, J. & Kamenica, E (2013). Gender identity and relative income within households. National Bureau of Economic Research.

2. Booth, A. & Edwards, J. N. (1985). Age at marriage and marital instability. Journal of Marriage and the Family, 47(1), 67-75. 

3. Bumpass, L. L., & Sweet, J. A. (1972). Differentials in marital instability: 1970. American Sociological Review, 37(12), 754-766.

4. Campbell, A.; Converse P.E. & Rodger, W.L. (1976). The Quality of American Life: Perceptions, Evaluations, and Satisfactions. New York: Russell Sage Foundation.

5. Đặng Thị Thu Trang, Phan Thị Mai Hương (2017). Ảnh hưởng của sự tương đồng đến hạnh phúc hôn nhân. Kỷ yếu Hội thảo Tâm lý học Khu vực Đông Nam Á lần thứ nhất- RCP 2017 (Quyển 1). NXB Đại học Quốc gia, tr. 262-273

6. Đỗ Ngọc Khanh (2016). Thái độ của người phụ nữ bị bạo lực trong gia đình đối với sức khỏe tinh thần. Báo cáo tổng kết đề tài cấp Bộ 2015 – 2016

7. Furdyna, H. E., Tucker, M. B., & James, A. D. (2008). Relative spousal earnings and marital happiness among African American and white women. Journal of Marriage and Family, 70(2), 332–344. 

8. Janssen, J.; Poortman, A.R; Graaf, P.M & Kalmijn, M. (1998). De instabiliteit van huwelijk en samenwoonrelaties in Nederland. Mens en Maatschappij 73, pp. 4–26.

9. Gorchoff S.M; John O.P & Helson, R (2008). Contextualizing change in marital satisfaction during middle- age: An 18-year longitudinal study. Psychological Science. 2008; 19:1194–1200

10. Khan, L. T. (2004). Marital instability in Dhaka, Bangladesh with special reference to dual-earner couples. Retrieved March 15, 2004.

11. Lee, W.S. & McKinnish, T. (2017). The marital satisfaction of differently aged couples, Journal of Population Economics (2017). 

12. Luo, S.; Chen, H., Yue, G.; Zhang, G.; Zhaoyang, R. & Xu, D. (2008). Predicting Marital Satisfaction from Self, Partner, and Couple Characteristics: Is It Me, You, or Us? Journal of Personality, 76(5): 1231 – 1266

13. Zhang, H. & Tsang, S.K.M. (2013). Relative Income and Marital Happiness among Urban Chinese Women: The Moderating Role of Personal Commitment. Journal of Happiness Studies,14(5):1575-1584. 

Minh Thu