Hành vi ủng hộ xã hội là “các hành động trong một phạm vi rộng với ý định nhằm giúp ích hay làm lợi cho một hay nhiều người khác hơn là bản thân mình” (Batson, 1998, tr 282) với hàm nghĩa nhấn mạnh đến hiệu quả của hành vi này. Hành vi ủng hộ xã hội được thấy trong nhiều nghiên cứu và thể hiện thông qua hành vi giúp đỡ, vị tha, chia sẻ và hợp tác trong những hoàn cảnh khác nhau, và ở các đối tượng lứa tuổi khác nhau.
Thực trạng hành vi ủng hộ xã hội đã được thể hiện trong các nghiên cứu. Một nghiên cứu của Viện Tâm lý học do Lê Văn Hảo chủ nhiệm đã nhận thấy rằng, hành vi ủng hộ xã hội của thanh niên Việt Nam được thể hiện qua hành vi giúp đỡ, hành vi nhân ái, vị tha (thuần túy vì lợi ích của người khác) (Lê Văn Hảo và cộng sự, 2016). Những hành vi ủng hộ xã hội diễn ra trong cuộc sống thường ngày, trong những tình huống cụ thể, trực tiếp hay gián tiếp, lặp đi lặp lại nhiều lần chứ không đơn lẻ, cá biệt. Tính chất của hành vi này cũng được các tác giả nhận thấy, đó là hành vi của họ có xu hướng lý tính hơn, cá nhân hơn. Trong các tình huống tiến thoái lưỡng nan (giúp hay không giúp vì mâu thuẫn giữa lợi ích của nạn nhân và của người giúp đỡ; cái giá phải trả của người giúp đỡ rất rõ ràng và khá lớn) thì tỉ lệ thanh niên sẵn sàng giúp đỡ không cao. Kết quả này cũng được thấy trong nghiên cứu của Nguyễn Tuấn Anh (2018) cũng trên thanh niên. Tỉ lệ thanh niên có những hành vi ủng hộ xã hội chỉ ở mức trung bình, tính cá nhân (coi trọng giá trị an toàn của bản thân) khiến họ có những suy xét trong việc thể hiện hành vi này. Thiết nghĩ, trong một xã hội hội nhập toàn cầu, yêu cầu “hợp mà không tan”, tranh - hợp đan xen thì việc chú ý đến và vì lợi ích của bản thân mình để phát triển tốt cũng được coi là một sự phù hợp. Tuy nhiên, sự lý tính này nếu ở mức độ thái quá sẽ có thể dẫn đến những động cơ vụ lợi sau này và làm sai lệch đi tính chất tốt đẹp của hành vi ủng hộ xã hội của chính họ. Điểm chung của cả hai nghiên cứu này là đều quan tâm tới hành vi ủng hộ xã hội của thanh niên dành cho cả người lạ và người quen.
Một số nghiên cứu khác nhận thấy sự khác biệt trong việc thể hiện hành vi ủng hộ xã hội có liên quan đến giới. Với các thiếu niên trong diện khảo sát (tuổi trung bình là 13,6 tuổi), nữ có xu hướng thể hiện hành vi ủng hộ xã hội cao hơn so với nam (Pursell, Laursen, Rubin, Booth-LaForce and Rose-Krasnor, 2008). Điều này cũng được thấy trong nghiên cứu của Grusec, Goodnow và Cohen (1996): trong môi trường gia đình, nữ thiếu niên (9 - 14 tuổi) thực hiện các công việc có tính chất chăm sóc các thành viên khác thường xuyên hơn.
Môi trường xuất hiện các hành vi ủng hộ xã hội cũng được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm. Ở độ tuổi thanh thiếu niên, gia đình và nhà trường là 2 môi trường chính mà các em thể hiện hành vi này một cách thường xuyên có tính chủ động hoặc được yêu cầu. Hành vi trong gia đình thường xuyên được thấy ở trẻ 9 - 14 tuổi được biểu hiện ở hành vi chăm sóc gia đình, chăm sóc những người khác (Grusec, Goodnow và Cohen, 1996), trong khi những hành vi này tại trường học thường thấy là nói lời tử tế với bạn cùng lớp, thừa nhận cảm xúc của học sinh khác, chia sẻ sách và lời khuyên, bảo vệ nạn nhân của hành vi bắt nạt (Kidron và Fleischman, 2006).
Vậy điều gì thúc đẩy hoặc cản trở thanh niên có những hành vi này? Mô hình chuẩn mực xã hội, áp lực quy chuẩn được coi là một động lực thúc đẩy hành vi ủng hộ xã hội (Waugha, Brownell và Pollock, 2015). Một số yếu tố tâm lý như đồng cảm (Vaish và Warneken, 2012), sự quan tâm, lo lắng (Eisenberg, Fabes và Spinrad, 2006), lòng vị tha (Batson, 1998), khoan dung (Nguyễn Tuấn Anh, 2018) cũng dẫn đến hành vi ủng hộ xã hội. Nỗ lực giữ gìn và duy trì mối quan hệ với người khác cũng khiến cá nhân có hành vi giúp đỡ, chia sẻ (Lewis, 2014). Những giá trị mà cá nhân hướng tới cũng là những yếu tố khiến nhiều người có sự lựa chọn có hay không có hành vi ủng hộ xã hội. Bất cứ giá trị nào cũng có mối quan hệ với mức độ thực hiện hành vi ủng hộ xã hội, trong đó khoan dung, phổ quát thiên nhiên, an toàn xã hội, truyền thống, khiêm nhường, thành đạt và kích thích có khả năng dự báo/ thúc đẩy hành vi ủng hộ xã hội. Đây cũng chính là những giá trị mà thanh niên coi trọng, và những giá trị này dẫn dắt việc xuất hiện những hành vi ủng hộ xã hội. Tuy nhiên, giá trị an toàn cá nhân có thể khiến cá nhân lưỡng lự (Nguyễn Tuấn Anh, 2018). Trong khi đó, Lê Văn Hảo và cộng sự (2016) nhận thấy rằng, động cơ nổi trội nhất để thanh niên có hành vi ủng hộ xã hội là động cơ làm theo yêu cầu của người khác, sau đó đến động cơ vì lòng vị tha, động cơ làm giảm cảm xúc tiêu cực/khó chịu, động cơ bị tác động bởi mức độ thảm khốc của tình huống (nạn nhân trong tình trạng khủng hoảng cần giúp đỡ khẩn cấp), động cơ ẩn danh và thấp nhất là động cơ định hướng bản thân, giành được sự tán thành của người khác. Tương tự, động cơ nằm sau các hoạt động tình nguyện là muốn giúp đỡ người gặp khó khăn (lý do được báo cáo là phổ biến nhất) rồi sau đó mới tới cơ hội học thêm kỹ năng, kinh nghiệm mới hay vì việc đó có lợi cho học tập, cho cá nhân. Tuy nhiên, hành vi giúp đỡ người lạ được thúc đẩy bởi sự thông cảm, tự điều chỉnh của cá nhân (Eisenberg và cộng sự, 2002), hoặc trong những tình huống có tính chất quyết định, số lượng người ngoài cuộc… buộc cá nhân phải lựa chọn hành động (Batson, 1998)...
Có thể thấy, các nghiên cứu đã đề cập tới các loại hành vi ủng hộ và các động cơ thúc đẩy các cá nhân có những hành vi này. Hành vi này trên thanh thiếu niên cũng đã được nhiều nghiên cứu chú ý đến, nhưng các nhà nghiên cứu Việt Nam mới chỉ quan tâm đến hành vi này trên thanh niên, mà ít quan tâm trên đối tượng là thiếu niên – học sinh trung học cơ sở - đối tượng đang trong thời điểm chuyển biến và có những thay đổi đặc biệt trong sự phát triển tâm sinh lý. Hành vi này ở thiếu niên trong môi trường gia đình và nhà trường có lẽ sẽ có nhiều đặc điểm khác biệt so với các lứa tuổi khác.
Tài liệu tham khảo
1. Nguyễn Tuấn Anh (2018). Hệ giá trị của thanh niên và mối quan hệ của nó với mức độ thực hiện hành vi ủng hộ xã hội. VNU Journal of Socia Sciences and Humanities, 4(3b)
2. Lê Văn Hảo chủ nhiệm (2016). Hành vi ủng hộ xã hội của thanh niên Việt Nam. Báo cáo tổng kết. Đề tài do Quỹ Nafosted tài trợ (Chưa xuất bản)
3. Batson (1998). Altruism and prosocial behavior. Trong sách của D. Gilbert (ed) The Handbook of Social psychology, 4 edi., New York: McGraw-Hill, Vol.2, pp 282-316
4. Eisenberg, N., Fabes, R., & Spinrad, T. (2006). Prosocial development. In N. Eisenberg, W. Damon, & R. Lerner (Eds.), Handbook of Child Psychology: Vol.3 Social emotional and personality development (6th ed.) Hoboken, NJ: John Wiley & Son
5. Eisenberg, N., Guthrie, I. K., Cumberland, A., Murphy, B. C., Shepard, S. A., Zhou, Q., & Carlo, G. (2002). Prosocial development in early adulthood: A longitudinal study. Journal of Personality and Social Psychology, 82, 993–1006
6. Grusec, J. E., Goodnow, J. J., & Cohen, L. (1996). Household work and the development of concern for others. Developmental Psychology, 32(6), 999–1007.
7. Kidron Y & Fleischman S (2006). Promoting Adolescents' Prosocial Behavior. Educational Leadership, 63(7):90-91
8. Lewis, M. E. (2014). Parents as recipients of adolescent prosocial behavior. In L. M. Padilla-Walker & G. Carlo (Eds.), Prosocial development: A multidimensional approach (pp. 305–326). New York, NY: Oxford University Press.
9. Pursell G R, Laursen B, Rubin K H, Booth-LaForce C and Rose-Krasnor L (2008). Gender differences in patterns of association between prosocial behavior, personality, and externalizing problems. Journal of Research in Personality, 42(2): 472-481.
10. Waugha W, Brownell C & Pollock B (2015). Early socialization of prosocial behavior: Patterns in parents’ encouragement of toddlers’ helping in an everyday household task. Infant Behavior & Development, 39: 1–10.
11. Vaish, A., & Warneken, F. (2012). Social-cognitive contributors to young children’s empathic and prosocial behavior. In J. Decety (Ed.), Empathy: From bench to bedside (pp. 131–145). Cambridge, MA: MIT Press.
Minh Thu