ÁP DỤNG THUYẾT KỲ VỌNG TRONG NGHIÊN CỨU

13/09/2018

(Tamly) - Thuyết kỳ vọng đề cập đến qui luật của những cố gắng, nỗ lực của con người trong hoạt động, lao động. Đó là nỗ lực phụ thuộc vào nhận thức của người lao động về những phần thưởng, những kỳ vọng và niềm tin của họ

 

Thuyết kỳ vọng là học thuyết được áp dụng nhiều trong lĩnh vực quản trị nhân sự do Victor Vroom đầu tiên đưa ra vào năm 1964. Vài năm sau đó thuyết này được điều chỉnh bởi một số nhà khoa học khác.

Thuyết kỳ vọng đề cập đến qui luật của những cố gắng, nỗ lực của con người trong hoạt động, lao động. Đó là nỗ lực phụ thuộc vào nhận thức của người lao động về những phần thưởng, những kỳ vọng và niềm tin của họ. Bản chất của thuyết này được Vroom diễn tả bằng công thức sau:

Nỗ lực = Phần thưởng x Kỳ vọng x Niềm tin

Trong đó:

-       Phần thưởng: Mức độ quan trọng của phần thưởng đối với người lao động

-       Kỳ vọng: Niềm tin rằng nếu nỗ lực sẽ dẫn đến kết quả  tốt

-       Niềm tin = sự tin tưởng của người lao động rằng họ sẽ nhận được phần thưởng xứng đáng khi hoàn thành nhiệm vụ

Ví dụ, một công nhân đang rất cần tiền để gửi về cho mẹ (Tiền là rất quan trọng với anh ấy trong giai đoạn này). Anh ấy tin rằng nếu anh ấy cố gắng làm ngày làm đêm thì sẽ làm ra nhiều sản phẩm hơn (anh ấy kỳ vọng rằng nếu nỗ lực anh ấy sẽ làm việc có kết quả cao hơn) và nhờ đó anh sẽ nhận được lương và thưởng cao hơn (tin rằng anh ấy được đền đáp khi đã làm việc tốt). Cuối cùng, két quả là: anh ấy đã rất nỗ lực để có năng suất cao hơn, làm được nhiều thành phẩm hơn.

Thuyết kỳ vọng được xây dựng chủ yếu  dựa trên nhận thức (giá trị, kỳ vọng, niềm tin) của cá nhân người lao động. Vì thế, cùng một phần thưởng như nhau nhưng nỗ lực của mỗi cá nhân có thể khác nhau do họ coi giá trị của phần thưởng khác nhau, có những kỳ vọng và niềm tin khác nhau.

Có thể suy luận một số điểm sau đây:

-       Để người lao động nỗ lực làm việc, nhà quản lý cần hiểu được những giá trị của phàn thưởng, những kỳ vọng và niềm tin của mỗi người lao động. Biết động viên người lao động bằng những phương cách phù hợp cá nhân là một kỹ năng không thể thiếu ảu người quản lý.

-       Khi mất niềm tin, nỗ lực của người lao động có thể thay đổi

-       Khi không có sự tự tin, nỗ lực cũng sẽ bị hạn chế

Thuyết kỳ vọng có thể ứng dụng trong nghiên cứu để tìm hiểu nhiều vấn đề: Sự nỗ lực của con người, mối quan hệ của những giá trị phần thưởng, của kỳ vọng và niềm tin với nỗ lực của con người trong các hoạt động lao động, học tập. Đồng thời, có thể tìm hiểu các yếu tố có liên quan đến những vấn đề vừa nêu như phần thưởng nào có giá trị với người lao động, học sinh, sinh viên; họ kỳ vọng những gì về nỗ lực của mình, họ có những niềm tin nào hoặc những yếu tố nào ảnh hưởng đến những kỳ vọng, tạo nên niềm tin, giúp hình thành giá trị … ở con người Việt  Nam trong nhiều lĩnh vực hoạt động khác nhau.

Các nghiên cứu này trong bối cảnh văn hóa – xã hội Việt Nam có thể kiểm chứng được lý thuyết này, góp phần bổ sung cho lý thuyết những luận điểm mới liên quan đến đặc trưng tâm lý con người ở những vũng có đặc trưng văn hóa xã hội khác nhau.

Để áp cụng lý thuyết vào nghiên cứu, phải có ít nhất những dữ liệu sau trong bộ công cụ nghiên cứu

- thang đo nỗ lực

- thang đo kỳ vọng

- thang đo niềm tin

- thang đo giá trị của phần thưởng

Nếu muốn tìm hiểu thêm những vấn đề mở rộng hơn, thì có thể thêm những yếu tố ảnh hưởng đến từng biến số đã đề cập. Ngoài ra, nhà nghiên cứu có thể mở rộng hơn nữa bằng cách đưa thêm vào mô hình nghiên cứu những biến số đặc trưng cho văn hóa xã hội Việt Nam có thể ảnh hưởng đến nỗ lực của người lao động. dựa trên nền tảng các lý thuyết khác hoặc thực tiễn môi trường ở Việt Nam với mục đích bổ sung những điểm mới cho lý thuyết để nó thích  hợp với Việt Nam. Với những phần mở rộng này, người nghiên cứu có thể có những đóng góp đáng kể vào hệ thống lý thuyết chuyên ngành.

Phan Mai Hương