Khái niệm độ tin cậy
Thang đo được xây dựng dùng để đo một hoặc vài thuộc tính nào đó của con người trong những điều kiện đo lường nhất định. Độ tin cậy của thang đo chỉ sự ổn định của thang đo theo thời gian và theo tình huống. Hay nói cách khác, thang đo có độ tin cậy cao là thang đo cho kết quả đo lường ổn định đối với một người/ nhóm người dù thang đo đó được đo trong nhiều thời điểm khác nhau, nhiều tình huống khác nhau phù hợp với điều kiện mà thang đo được xây dựng.
Độ tin cậy được xác định bằng hệ số tương quan. Tùy thuộc vào các phương pháp xác định độ tin cậy khác nhau mà hệ số này được tính toán khác nhau, nhưng về bản chất, nó đều xác định sự ổn định của thang đo, chỉ ra mối liên quan chặt chẽ giữa các item thành phần với thang đo, cũng như với các item khác của thang đo. Hệ số này dao động từ 0 đến 1, và khi hệ số này càng cao thì độ tin cậy thang đo càng cao, và ngược lại, khi nó càng nhỏ thì độ tin cậy của thang đo càng thấp. Một thang đo tốt là thang đo có độ tin cậy cao.
Các phương pháp tính độ tin cậy
Có một số phương pháp tính độ tin cậy của thang đo như sau.
a) Độ tin cậy Cronback Alpha
Đây là độ tin cậy đánh giá sự ổn định bên trong của test. Hệ số tương quan Alpha do Cronback lập ra nên nó được mang tên: “hệ số Alpha của Cronback”. Nó được tính toán dựa trên tương quan của từng item với tổng của các item còn lại của test.
Đây là hệ số tin cậy được sử dụng tương đối phổ biến vì nó phản ánh bản chất của độ tin cậy. Với hệ số tin cậy Alpha, không có một chuẩn nhất định nào để từ đó xác định thang đo đủ độ tin cậy hay không bởi hệ số này ngoài phản ánh sự ổn định của thang đo, nó còn phụ thuộc vào số lượng item có trong thang đo. Thang đo càng có nhiều item thì Alpha càng cao và ngược lại, càng có ít item thì Alpha càng thấp. Thông thường, hệ số tin cậy được chấp nhận là 0,7. Nhưng với một số loại thang đo thử nghiệm, hệ số 0,6 cũng có thể coi là chấp nhận được.
Thang đo được sử dụng trong test là thang khoảng hoặc thang tỷ lệ.
b) Độ tin cậy item - total
Độ tin cậy item - total cũng phản ánh sự ổn định bên trong test. Nó được tính toán dựa trên tương quan của từng item với toàn bộ thang đo. Phương pháp này được xây dựng dựa trên nguyên lý: bởi test được thiết kế để đo một đặc tính nào đó nên mọi item của nó cũng phải đo cùng đặc tính đó. Khi các item của test đều có tương quan mạnh với toàn bộ thang đo, điều đó có nghĩa là thang đo có độ ổn định cao, hay độ tin cậy cao. Khi thang đo có nhiều item tương quan yếu với tổng thể test (Total), điều đó có nghĩa là thang đo có độ ổn định thấp, và độ tin cậy thấp. Tất cả các item có hệ số tương quan với Total nhỏ hơn 0.3 đều cần được xem xét lại bởi chúng thiếu ổn định và làm giảm độ tin cậy của thang đo.
Thang đo được sử dụng trong test là thang khoảng hoặc thang tỷ lệ (nếu tính hệ số tương quan Pearson), hoặc thang thứ bậc (nếu tính hệ số tương quan Spearman). (Còn tiếp)
Phan Mai Hương