Mẹ muốn con luôn dẫn đầu

01/12/2011



Buổi sáng, đi họp phụ huynh về, chị Nga – Thanh Xuân- Hà Nội gọi cậu con trai 8 tuổi ra chì chiết: Tại sao con chỉ được xếp thứ 3 trong lớp, mẹ đã dặn con phải luôn cố gắng để giữ vị trí số 1 cơ mà, sao con vẫn không nghe lời mẹ, mẹ thực sự cảm thấy buồn vì con.

Nghe mẹ chì chiết, bé Thái Tuấn đứng im, không dám nhúc nhíc chân tay, mặt cúi gằm xuống đất. Cậu cũng không dám ngẩng lên nhìn khuôn mặt đang điên lên vì giận dữ của mẹ. Đây không phải là lần đầu tiên bé Tuấn bị mẹ gọi ra, mà cứ mỗi tháng đi họp phụ huynh cho con về, chị Nga đều làm như vậy. Và dĩ nhiên, lần này cũng thế, cậu bé chỉ biết cúi gắm mặt xuống và lắng nghe những điều mẹ nói.

Ngay lập tức buổi chiều hôm đó, chị điện thoại đi khắp nơi, từ bạn bè, đồng nghiệp, đến người thân trong gia đình và cả tổng đài 1080 để tìm gia sư về kèm cặp cậu con trai của mình. Mặc dù, lịch học thêm của Thái Tuấn đã gần như kín cả tuần.

Tương tự với hoàn cảnh nhà chị Nga, chị Hà- Long Biên- Hà Nội luôn muốn chứng tỏ với bạn bè, đồng nghiệp rằng con tôi nếu không là thần đồng thì cũng phải là “một đứa trẻ đặc biệt”. Vì thế, chị tìm đủ mọi cách để chỉ đạo, khuyến khích cậu con trai lớp 5 của mình phải luôn đứng ở “vị trí số 1” trong lớp.

Để củng cố và duy trì vị trí này chị luôn làm đủ mọi cách để khuyến khích con học. Từ việc mua cho con đủ các dụng cụ để phục vụ học tập như máy vi tính, từ điển số, không những thế chị còn đáp ứng mọi “yêu sách” của con để con có hứng thú mà học tập thật tốt.

Chị cũng thường xuyên dẫn con đến tham dự các chương trình vinh danh các con em trong cơ quan có thành tích cao trong học tập và coi đây như một thông điệp để nói với con rằng hãy luôn luôn cố gắng để mẹ tự hào vì con.

Chị Minh, Hai Bà Trưng Hà Nội thì lại khác, chị áp dụng triệt để câu nói “Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”. Vì thế, để con mình được thầy cô “yêu” quý, chị Minh đã không “tiếc tay” chi ra vài trăm, có khi cả triệu đồng để thăm nom cô giáo vào những ngày lễ tết, 8/3; 20/10,… thậm chí có khi chả ngày gì chị cũng “kiếm cớ” đến nhà cô chỉ để hỏi han xem tình hình con mình học hành ra sao, và gợi ý để cô giáo chú ý, quan tâm đến con mình hơn.

Đây chỉ là 3 trong số rất nhiều những ông bố, bà mẹ hiện nay. Họ luôn muốn chứng tỏ cho thiên hạ thấy rằng con tôi thông minh hơn hẳn con những người khác, và chứng tỏ mình có phương pháp dạy con rất khoa học. Nhưng họ đâu biết rằng chính những việc họ đang làm đã tạo ra áp lực lớn cho con mình. Và đôi khi đây lại là lý do làm cho các con cảm thấy sợ hãi khi nghĩ đến việc học.

“Học mà chơi, chơi mà học”, các chuyên gia cho rằng, không phải cứ học nhiều là có kết quả tốt, mà quan trọng là hãy tạo cho trẻ hứng thú với việc học. Đó mới là cách các ông bố, bà mẹ cần lưu tâm.

Thanh Huyền- Thanh Hoài