Đừng bắt trẻ học nhiều quá

18/10/2011

Ngày càng có nhiều ông bố bà mẹ phàn nàn về những hiện tượng “không bình thường của con mình: Ở nhà thì cáu gắt vô cớ, ra lớp lại quậy phá, gây lộn. Nhìn chung, tính cách các em rất thất thường, sống thu mình, ít vui vẻ, hòa đồng và đặc biệt không thích chuyện trò tâm sự với cha mẹ. Có lẽ người bạn thân nhất của các em chỉ là những quyển sách, quyển vở với những bài tập đủ loại. Việc học nhiều đương nhiên là tốt vì nó bổ sung kiến thức, sự hiểu biết cho trẻ song có khi nó lại không mang lại hiệu quả tích cực như chúng ta mong đợi.

Vẫn biết mọi sự so sánh đều khập khiễng nhưng rõ ràng việc học của trẻ ngày nay vất vả hơn gấp nhiều lần so với chúng ta trước đây. Trẻ chịu sức ép từ rất nhiều phía. Nhất là sức ép của nhà trường và gia đình.

Đã có một bài báo nêu cặp sách mà một học sinh tiểu học phải mang hàng ngày nặng tới 5kg. Mặc dù trường hợp này không phải đại diện cho số đông song đó cũng là một hiện tượng để người lớn chúng tra cần nghiêm túc xem xét lại. Việc chạy theo thành tích của hầu hết các nhà trường hiện nay đã biến học sinh thành những cái máy. Các em gần như không có thời gian dành cho việc vui chơi giải trí. Trẻ em ngày nay không có được sự vô tư thoải mái như lứa tuổi của các em vốn được như vậy, thay vào đó là những lo lắng. Không thuộc bài, sợ thầy cô trách phạt, bị điểm kém sợ bố mẹ rầy la, trách mắng... Để tránh những “phiền toái” cho bản thân tốt nhất chỉ có ra sức học. Học ở lớp chưa đủ thì đi học thêm. Học sinh cấp 1 tuy được nghỉ ngày thứ 7, chủ nhật nhưng lại phải học thêm gần như kín các buổi chiều trong tuần. Học sinh cấp 2 cũng không nằm ngoài “quỹ đạo" ấy. Nếu chia trung bình thì một ngày các em phải học bài cũ và làm bài tập cho 6 môn với khoảng 45 phút cho một môn học thuộc còn Văn, Toán thì không có giới hạn. Điều đó cho thấy một thực tế các em lao động còn hơn cả người lớn chúng ta (8 tiếng cho CBCNV/ngày) đó là chưa kể chương trình mới còn quy định những trường đạt chuẩn quốc gia phải đưa môn tin học vào cùng với ba môn tự chọn nữa. Như vậy việc giảm tải chương trình, mặc dù đã được công bố và thực hiện, song thực chất nó chỉ được thay bằng tên gọi khác.

Việc học được xem là quan trọng song cần chú ý đến hậu quả của việc “nhồi nhét”. Hiện tượng học sinh ngày càng quậy phá trong lớp, hay cãi lại thầy cô hoặc có thái độ bất cần là hậu quả của sự căng thẳng, không được điều hòa giữa học và giải trí. Việc học nhiều, kín thời gian biểu nhưng lại không biết đến những kiến thức cơ bản nhất của một học sinh như nhầm lẫn nghiêm trọng giữa danh tướng đời này với danh tướng đời khác mà ngay cả những học sinh được coi là giỏi, là xuất sắc trong một số chương trình của Đài truyền hình cũng mắc phải cho thấy nhiều em không ý thức được học để mở mang kiến thức mà chỉ là để tới một cái đích nào đó do bản thân các em hoặc gia đình đặt ra. Hạn chế của việc học nhiều nhưng không đều là ở chỗ đó.

Để các em thực sự yêu thích các môn học, học một cách tự giác, không bị áp lực, các nhà trường nên chú ý nhiều hơn tới các buổi sinh hoạt tập thể, nên tôn trọng những tiết hoạt động ngoài giờ của học sinh, không nên lạm dụng và biến nó thành những giờ sinh hoạt chỉ có “mổ sẻ” và phê bình khuyết điểm của các em. Đừng quá nặng nề quan điểm “Dạy con từ thuở còn thơ” để ép con phát triển những năng khiếu “bẩm sinh” hay trở thành những “nhân tài”. Sức lực và sự tiếp thu của trẻ chỉ có hạn. Không phải cứ chăm chỉ học nhiều là giỏi được. Nó còn phụ thuộc vào chỉ số thông minh của mỗi người, phụ thuộc vào gen, vào hoàn cảnh cuộc sống ... Người ta gọi “con nhà nòi” là vì vậy.

Nhiều bậc phụ huynh còn ca thán: “Đáp ứng mọi yêu cầu của nó, những mong con học giỏi nhưng thất vọng vẫn hoàn thất vọng”. Có lẽ họ quan niệm cái đích cuối cùng của việc học phải là cổng trường đại học? Xã hội không chỉ đón nhận những người đã được đào tạo qua các trường đại học. Còn nhiều ngành, nghề cần đến những bàn tay tài hoa. Khéo léo của những người thợ, cho nên trước hết phải là sự nhận thức của người lớn thì với có hy vọng cải thiện tình hình học tập của các em trong tương lai.

Ngày nào cũng ăn một món có lẽ chúng ta không chỉ phát chán mà còn cảm thấy kinh sợ. Đổi món là cách tốt nhất để có cảm giác ngon miệng khi ngồi xuống mâm cơm. Vậy thi thoảng cha mẹ cũng cần sắp xếp thời gian và công việc để đưa con đi nghỉ mát hay thăm người thân để tránh cho các em những căng thẳng do việc học quá tải gây ra. Cũng nên động viên con khi bị điểm kém thay cho những lời đay trì, trách mắng. Nên khích lệ ở mức độ vừa phải khi con đạt thành tích thay cho sự tự hào thái quá để tránh cho con nỗi sợ hãi khi lần sau mình không đạt thành tích như thế. Chỉ có như vậy việc học của các em mới thực sự hiệu quả.

Nguồn: Tạp chí Giáo dục và Thời đại số 24 ra ngày 24/2/2005