Rèn con bằng roi, vọt

20/05/2011


Theo quan niệm của nhiều người, câu nói mà các cụ đã đúc kết từ xưa: “Thương cho đòn cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” là đúng, vì thế, đôi khi để răn dạy con, nhiều người đã dùng biện pháp: roi để trị. “Miếng ngon nhớ lâu, đòn đau nhớ đời” nên nhiều gia đình cũng đã để sẵn roi ở một góc nhà để mỗi khi trẻ phạm lỗi là có ngay cái để phạt lỗi.

Theo kết quả của khảo sát quy mô được sự phối hợp của Tổ chức Liên Hợp quốc tiến hành ở Việt Nam có tới 92% trẻ em bị cha mẹ đánh khi có lỗi. Chuyện đánh con để giáo dục, rèn giũa con đã trở thành quan niệm của nhiều bậc cha mẹ và cả những người xung quanh. Chính vì thế hàng xóm không can thiệp khi bố mẹ đánh con, không những thế, nhiều người quan niệm rằng trẻ hư thì phải đánh, không còn cách nào khác.
Chị Mai cho biết: “Bé Việt Anh rất hiếu động, vì thế không ít lần gây ra lỗi, có lần đang làm việc thì “ông con” mải nghịch kéo cả một bình hoa đổ tung tóe ra sàn. Mảnh vỡ, nước lênh láng cả một góc nhà, một phần sợ con dẫm phải mảnh vỡ, một phần đang bận con lại bày thêm việc, sẵn cái thước kẻ trên bàn mình, chị đã đét cho cu cậu một cái rõ đau vào mông. Chị tâm sự: “Biết như vậy là không tốt cho con, biết rằng cháuchỉ vì mải nghịch không để ý xung quanh nên mới có hậu quả như vậy. Khi đánh con xong, mình rất thương con và tự mắng mình là không biết kiềm chế nhưng nhiều lúc nóng giận mình đã không kìm được cơn bực tức.”

Chuyện của bé Mít nhà chị Hà (Tương Mai – HN) cũng là một ví dụ. Một lần đưa Mít về quê chơi với ông, ngay hôm đầu tiên về nhà khi nghe ông nói: “Hôm nay ông sẽ đãi bé Mít một bữa cháo lươn”. Ngay lập tức cô bé phản kháng: “Cháu chẳng làm gì sai mà ông lại cho cháu ăn lươn? Mà cháu chỉ ăn lươn nhỏ thôi đấy, cháu không ăn lươn to đâu!” .

Nghe Mít nói vậy cả nhà ngạc nhiên chỉ có mỗi chị Hà (mẹ của Mít) tủm tỉm cười. Khi nghe cháu nói vậy, ông bé Mít đã phải gặng hỏi mãi Mít mới nói “ăn lươn đau thật mà!” và mãi khi chị Hà giải thích mọi người mới vỡ lẽ ra tại sao Mít lại nói khi sai mới ăn lươn và chỉ thích ăn lươn nhỏ. Chung quy cũng vì Mít đã bị mẹ mẹ đét đít một lần do không nghe lời mẹ và còn nghịch bẩn.

“Hôm Mít phạm lỗi mình đã quất một roi vào mông con và nói: Nếu con còn hư sẽ lại được ăn lươn đấy, lần này là lươn nhỏ lần sau sẽ ăn lươn to hơn!, không ngờ bé vẫn nhớ. Đến nay thì bé đã biết lươn để ăn và lươn do ăn đòn khác nhau như thế nào rồi. Kể từ sau lần bị Mít “tố cáo” đến nay mình không bao giờ nóng giận nữa – Chị Hà cho biết – Mỗi khi giơ roi lên nhớ đến câu nói của bé Mít là mình lại nhủ thầm: Phải thật bình tĩnh, không nên nóng!”

Trong số 92% trẻ em bị đánh thì có tới 65% bị đánh đau. Bởi hầu hết các bậc cha mẹ quan niệm: “Trẻ con rất chóng quên nên phải đánh cho nhớ, đòn đau mới nhớ lâu”. Vì thế, đa số trẻ sau khi bị cha mẹ đánh thì rất đau buồn vì bị phạt oan ức hoặc quá đau về thể xác. Trên thế giới hàng năm có tới 6,8% trẻ em trong số bị đánh đập và sỉ nhục đã tự tử.

Có thể nói, có rất nhiều lý do để trẻ có thể bị đòn nhưng một trong những lý do oan ức nhất khi trẻ bị cha mẹ đánh đó là do nhỡ tay làm vỡ hay làm hỏng một vật dụng gì đó trong nhà. Hiện tượng này thường xảy ra ở nhiều gia đình Việt Nam. Thế hệ sau nối tiếp thế hệ trước. Bé gái khi rửa bát đĩa, xà phòng trơn, lỡ tay làm rơi vỡ đĩa. Mẹ trong cơn nóng giận đã đánh ngay vào tay với ý nghĩ để bé “rút kinh nghiệm, lần sau không được hậu đậu như vậy”. Tuy nhiên khi bị đánh oan, tâm sinh lý trẻ rất dễ bị chấn động, có trẻ đã bỏ nhà đi bụi, có trẻ tuyệt thực mấy ngày hoặc thậm chí có trẻ còn tìm đến cái chết.

Rèn giũa trẻ hay “thương” trẻ bằng roi vọt hay bằng những lời mắng chửi đều không phải là điều hay nhất. Điều các bậc phụ huynh nên làm lúc đó là nên bình tĩnh suy xét: “Mình cũng đã có lúc như vậy khi còn nhỏ! Đó sẽ là “vật cản” để bạn không phạm sai lầm, nếu luôn tâm niệm ý nghĩ đó trong đầu mỗi khi định đánh mắng con, bạn sẽ tìm ra cho mình được một cách dạy con khác cách mà bạn định sử dụng. Yêu thương, dạy dỗ con bằng chính tình thương của mình mới làm con trẻ mau thuần phục và cũng luôn tin yêu bạn.

http://www.cenforchil.org.vn/vn/Detail/?gID=7&tID=18&cID=695
(Tô Hạnh)