Vượt qua sự sợ hãi của bản thân

07/12/2010


Không ít người có những nỗi sợ hãi riêng mà những người bình thường nghe và chứng kiến thì rất buồn cười. Nhưng đối với những người trong cuộc thì đó thực sự là điều "khủng khiếp". Làm thế nào để vượt qua được sự sợ hãi, rất cần có sự giúp đỡ của những người xung quanh và trên hết là chính bản thân người trong cuộc.

Từ bé tôi đã rất sợ ma và đám ma. Có lẽ đứa trẻ nào thì cũng sợ ma nhưng mức độ sợ thì tuỳ thuộc vào từng đứa. Tôi là một đứa trẻ sợ hơn những đứa trẻ bình thường.

Nguyên nhân dẫn đến sợ ma và đám ma
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc sợ ma và đám ma của tôi, nhưng nguyên nhân lớn nhất là hồi bé khu tập thể nhà tôi ở được xây dựng trên một bãi tha ma có từ thời Pháp. Khi cơ quan mẹ tôi xây thêm nhà mới cho khu tập thể, việc chứng kiến những bộ hài cốt được đào lên từ dưới nền sân chúng tôi thường chơi đã gây cho tôi nỗi khiếp sợ không thể tả nổi. Thêm vào đó là những ngôi mộ chưa được di dời ở rất gần nhà ở, và những lời doạ của người lớn "ăn cơm không được gõ mâm, bát, không ma nó về đấy"; hay "cứ kêu vang vang vang, mực mực mực là thể nào ma cũng về". Rồi những buổi tối bố tôi đi công tác, bao giờ mẹ tôi cũng bắt các con đi ngủ sớm để đóng kín cửa và dặn "ban đêm nghe tiếng ai gọi cũng không được thưa, sợ ma về bắt đi". Từ đó, nỗi sợ hãi càng ngày càng chồng chất trong đầu tôi.

Hậu quả của việc sợ ma và đám ma
Hồi nhỏ, buổi tối đi đâu tôi cũng bắt anh chị hoặc bố mẹ đưa đi. Nhiều hôm đang chơi, tôi muốn về, trong khi anh chị mải mê chơi chưa muốn về, nhưng vì tôi mà bố phải ra qui định: bất cứ khi nào em muốn về anh/chị cũng phải ngừng chơi để cả 3 cùng về, nếu không thực hiện đúng qui định thì lần sau cả 3 sẽ không được đi chơi nữa. Nghe có vẻ rất vô lý cho anh/chị tôi nhưng vì qui định đã đề ra nên bắt buộc anh chị tôi phải thực hiện trong nỗi ấm ức. Hôm nào tôi muốn đi chơi mà anh chị tôi bận không đưa đi được thì bao giờ bố tôi cũng đưa tôi đi và hẹn giờ đón tôi về. Có hôm bố quên không đón, tôi vừa đi về vừa gào thật to cho bớt sợ hãi và gần về đến nhà phải gào to hơn để bố ra mở cửa ngay kẻo đứng đợi bố mở cửa thì chẳng khác gì tra tấn tôi khi tưởng tượng ra bao nhiêu là ma đang đứng chờ trước cửa. Cứ thế, nỗi sợ hãi càng ngày càng tăng. Chẳng bao giờ tôi dám đi vệ sinh ban đêm mà không có bỗ dẫn. Cũng vì sợ ma không dám dậy đi vệ sinh mà tôi mắc chứng bệnh đái dầm. Mãi sau này học lên cấp III, khi tôi bớt sợ hơn thì bệnh đái dầm mới chấm dứt.
Cũng vì sợ ma mà nhìn thấy đám ma tôi sợ không kém. Đang đi giữa đường mà gặp đám ma từ xa tôi chỉ có nước chui vào một ngõ nào đó thật sâu đợi đám ma đi qua rồi mới dám ra đi tiếp. Có hôm tôi phải bỏ học vì đám ma đi qua rất chậm, đã quá giờ học nếu đạp xe đến trường thì muộn, thế là tôi bỏ học luôn. Những khi bất chợt gặp đám ma dọc đường mà không có cách nào để tránh thì hồn vía tôi như bay chín tầng mây, mặt cắt không còn giọt máu, tim đập thình thịch, nói không ra lời... Tôi có cảm tưởng tôi chết được ngay tức khắc. Bọn bạn tôi rất ngạc nhiên khi nhìn thấy bộ dạng tôi như vậy.

Vượt qua sự sợ hãi
Sau này trưởng thành ra công tác tôi vẫn sợ ma và đám ma, nhưng vì quan hệ đồng nghiệp, quan hệ họ hàng không thể tránh khỏi những đám hiếu. Do vậy, tôi dần dần động viên bản thân khắc phục sự sợ hãi. Ban đầu quả là rất khó khăn. Chân tay tôi vẫn lạnh cóng khi đến dự những đám tang, hồn vía tôi vẫn bay lên mây khi nhìn thấy xe tang. Nhưng dần dần, những trải nghiệm của cuộc sống cho tôi thấy rằng không đến nỗi phải sợ hãi như vậy. Những lúc đến đám hiếu tôi hít thở thật sâu và tự ám thị mình rằng "không có gì đáng để mình sợ hãi". Tôi cứ lẩm nhẩm như vậy trong đầu cho đến khi xong buổi dự. Về nhà tôi thường đốt giấy và bước qua để có cảm giác an tâm là ma không theo mình. Cứ như thế, cùng với thời gian, tôi đã vượt qua được sự sợ hãi của bản thân. Đến bây giờ dù vẫn còn vương vất nỗi sợ hãi nhưng tôi đã đủ bản lĩnh để đối đầu với sự sợ hãi của mình. Bằng chứng là tôi đã tham dự những đám hiếu mà không còn "tim đập chân run", tôi cũng đã đủ dũng cảm để chứng kiến từ đầu đến cuối lễ nhập quan của bà ngoại mình và chứng kiến lễ bốc mộ của bố chồng với niềm thương sót chứ không phải là sự sợ hãi. Để có được thành công này tất nhiên là phụ thuộc rất nhiều vào sự cố gắng của bản thân, nhưng một phần nữa là do bố tôi biết tính tôi hay sợ nên cũng đã cố gắng hết sức để giúp tôi vượt qua nỗi sợ hãi. Bố tôi không nói với tôi "có gì đâu mà phải sợ", thay vào đó, từ bé cho đến khi tôi vào đại học hầu như ban đêm tôi đi đâu cũng có bố hoặc anh/chị đi kèm, hoặc lên học cấp III, tôi tách ra ngủ riêng khỏi bố mẹ thì bao giờ phòng ngủ của tôi cũng có đèn sáng hoặc bố tôi thường "hắng giọng" cho tôi yên tâm là có bố ở bên cạnh. Tuy rằng sự động viên của bố không giúp tôi trị được tận gốc nỗi sợ hãi, nhưng đã phần nào giúp tôi vượt qua được sự sợ hãi của bản thân.

Qua trường hợp của mình tôi thấy rằng, để giúp trẻ vượt qua sự sợ hãi thì người lớn đừng tiêm nhiễm vào đầu trẻ những điều sợ hãi. Khi trẻ đã sợ thì cần động viên và tạo cho trẻ sự an toàn khi ở cạnh mình, cần phân tích để trẻ hiểu biết hơn và giúp trẻ tự tin để vượt qua sự sợ hãi của bản thân.

Ngọc Hà
 

Các tin cũ hơn.............................