Lúc ở nhà mẹ cũng là cô giáo

05/10/2010

Bạn lo lắng cho con mình, với cái tính bướng bỉnh của bé, sẽ khó hòa nhập được trong môi trường mới? Dưới đây là chiêu từ chính các giáo viên mầm non để đưa những “siêu quậy” vào khuôn khổ. Bạn hãy cùng tham khảo.

“Con tôi chơi xong không chịu dọn đồ chơi gì cả”.
Hãy tạo một môi trường thân thiện. Ở trường học, những chiếc ghế, kệ, giá treo vừa tầm vừa cỡ với bé giúp bé cảm thấy tự tin hơn trong việc tự mình làm mọi việc. Nhưng ở nhà thì sao? Bạn không có điều kiện để có đầy đủ những vật dụng như vậy (tất nhiên), vậy thì hãy cất quần áo và những đồ đạc thường dùng của con xuống ngăn tủ dưới, dành cho bé móc treo ở tầng thấp để bé dễ với. Bạn cũng hãy giúp cho việc treo quần áo nón mũ của bé trở nên dễ dàng hơn bằng cách khâu thêm một cái dây treo to bản một chút bên trong quần áo của bé chẳng hạn.

Xếp dọn thông minh. Bố mẹ có thể mua những hộp đựng, tủ đựng rẻ tiền và cho phép bé vẽ lên đó những thứ mà bé phân loại và cất bên trong (như sách truyện, thú nhồi bông, bộ xếp hình…) Những “nhãn hàng” độc đáo này sẽ khiến bé thích thú và chịu khó dọn dẹp gọn gàng hơn nhiều đấy.

Huýt sáo khi làm việc. Hãy biến việc dọn dẹp thành một hoạt động vui vẻ bằng cách huýt sáo hoặc hát ca với bé khi bé dọn dẹp đồ đạc của mình.

Hãy nhớ khích lệ con. Hãy làm một danh sách nhiều màu sắc, trên đó ghi những việc bé cần làm mỗi ngày. Mỗi khi bé vừa thực hiện xong một “nhiệm vụ” gì, hãy cho bé đánh dấu vào đó, hoặc dán một bông hoa, hoặc bất cứ cách nào khác của riêng gia đình bạn. Khi ấy, bé sẽ vui vẻ hoàn thành các nhiệm vụ của mình hơn cho bố mẹ xem.

“Con tôi gặp khó khăn trong việc kết thúc việc này để làm sang việc khác"

Giao hẹn trước. Con bạn thường xuyên chơi quá giờ, xem TV quá giờ…? Hãy thử giao hẹn trước với con và dùng một thứ gì đó mà bé có thể dễ dàng trông thấy và hiểu được để nhắc cho bé nhớ lời giao hẹn ấy - một chiếc đồng hồ chẳng hạn. Bạn có thể dùng chính chiếc đồng hồ của nhà mình (“Khi kim dài chỉ đến số 0 là đến giờ đi tắm nhé!”), hoặc thú vị hơn, có thể dùng đồng hồ cát xem sao.

Thi nào, đua nào. Trẻ con thường rất thích tranh đua, vậy nên bạn có thể đố bé hoàn thành việc này và chuyển sang việc khác thật nhanh hết sức có thể. Chẳng hạn như, “Đố con cất chiếc xe đồ chơi về đúng chỗ và đi rửa tay trước khi mẹ đếm đến 20 đấy.”

Vận động, vận động nào. Nếu nói mãi mà con bạn vẫn không chịu tắt TV và đi tắm, hãy làm cho việc này trở nên một trò vui, ngớ ngẩn một chút cũng chẳng sao, bằng cách cho bé bò như rắn hay nhảy như ếch ộp đến buồng tắm. Nếu hôm nay đã làm ếch ộp, hôm sau bạn và bé có thể cùng nhau đổi động tác, như đi lạch bạch giống con vịt, hay giả vờ đang đi cà kheo…

Những “tuyệt chiêu” khác của cô giáo mầm non mà bạn có thể thử tại nhà

Cô giáo của con bạn hàng ngày quản được cả một lớp học đầy những cháu bé hiếu động. Vậy cớ gì lại không học lỏm của cô vài ý tưởng và phương pháp nhỉ.
Lao động là vinh quang: Các cô giáo mầm non rất giỏi tìm ra những nhiệm vụ phù hợp với lứa tuổi cho các cháu. Nếu con gái 3 tuổi của bạn có nhiệm vụ phát thìa hoặc khăn cho các bạn ở trường, bạn cũng có thể giao cho cháu nhiệm vụ phụ mẹ dọn bàn ăn hoặc lấy khăn ăn.

Sắp xếp trật tự: Ở lớp, hầu hết mọi thứ các bé cần đều được được cất trong tầm tay của bé và được phân chia thành những loại riêng biệt và đánh dấu cẩn thận. Nếu bạn cũng sắp xếp phòng của bé theo cách như vậy, mọi thứ sẽ gọn gàng hơn và bé cũng dễ dàng và chủ động chọn đồ chơi cho mình hơn mà không cần nhờ bố mẹ giúp.

Nghệ thuật thông minh: Giới hạn những lựa chọn giúp bé dễ quyết định hơn. Nếu bạn cho con chọn giữa ba màu vẽ thay vì bày hết cả 10 màu ra, bé sẽ không bị rối vì quá nhiều lựa chọn và bạn cũng… đỡ phải chịu cảnh bày bừa hơn.

Dấu hiệu trực quan: Dùng một tờ lịch lớn có những tranh ảnh vui nhộn thú vị để dạy cho bé về ngày tháng và những sự kiện xảy ra trong những ngày đó (cả nhà đã có kế hoạch gì vào thứ 7 tuần này chẳng hạn).

Nội quy ở nhà: Nhiều giáo viên đã nói về nội quy lớp học với trẻ và sau đó dán chúng trên tường lớp học. Bạn cũng có thể làm như vậy ở nhà, lập một danh sách, dán ở vị trí dễ thấy, và “viện dẫn” khi có “tình huống” xảy ra.

Vui lòng yên lặng: Hãy có một dấu hiệu để cho bé biết khi nào phải yên lặng và tập trung. Bạn có thể tìm hiểu hệ thống ký hiệu dấu hiệu ở lớp của con để tham khảo, chẳng hạn như:
- Dạy con rằng khi bạn đặt một ngón tay lên môi thì bé cũng nên làm như thế, và cùng nhau suỵt, im lặng nhé.
- Dùng hai ngón tay trỏ về phía mắt để cho con hiểu là bạn muốn bé nhìn vào mắt mình.

- Bạn và bé cũng có thể tự sáng chế ra những ký hiệu vui nhộn và độc đáo khác.

 Chúc bạn thành công!
Tô Hạnh
Nguồn: Webtretho (lược dịch) / http://www.parents.com/toddlers-preschoolers/starting-preschool/curriculum/advice-from-preschool-teachers/

 

Các tin cũ hơn.............................