Các hình thức bị miệt thị cơ thể của học sinh

10/12/2019

(Tamly) Miệt thị cơ thể là hành vi, cử chỉ, lời nói, tỏ ý chê bai hay trêu chọc người khác về cơ thể họ,

         Miệt thị cơ thể là hành vi, cử chỉ, lời nói, tỏ ý chê bai hay trêu chọc người khác về cơ thể họ, có thể khiến cho họ bị tổn thương và cảm thấy khó chịu. Ví dụ như: đặt tên “béo”,  “mẩu”, “híp”; chê ăn mặc quê, xấu, xa lánh vì xấu… Đối với học sinh, sự tổn thương và cảm thấy khó chịu từ những hành vi ấy có thể dẫn đến những hậu quả tiêu cực về mặt tâm lý như mặc cảm, tự ti, e ngại trong giao tiếp xã hội.

          Nghiên cứu thử trên mẫu học sinh ở một lớp chuyên gồm 31 em, (9 nam và 22 nữ) với hình thức bảng hỏi, gồm thang đo 9 items là các hình thức bị miệt thị khác nhau (có lời và không lời) và một số thông tin cá nhân. Các em được đề nghị báo cáo về mức độ mình bị miệt thị cơ thể trong học kỳ vừa qua. Dữ liệu cụ thể như sau.

Tỉ lệ % các hình thức bị miệt thị cơ thể
Các hình thức KBG TT KTX TX
1. Bị bình phẩm về khiếm khuyết ngoại hình nào đó 71.0 22.6 3.2 3.2
2. Bị đặt biệt danh dựa trên đặc điểm hình thể 41.9 35.5 9.7 12.9
3. Bị chê bai cách ăn mặc 38.7 41.9 16.1 3.2
4. Bị đưa các đặc điểm ngoại hình ra làm trò đùa 64.5 19.4 6.5 9.7
5. Bị đăng trên mạng xã hội những lời không tốt về ngoại hình 80.6 12.9 3.2 3.2
6. Bị nhắn tin công kích về ngoại hình 90.3 9.7 0 0
7. Bị gán ghép với hình ảnh xấu 80.6 9.7 6.5 3.2
8. Bị chế giễu về ngoại hình bằng những cử chỉ, nét mặt 61.3 29.0 3.2 6.5
9. Bị xa lánh, cô lập vì bị cho là xấu 93.5 3.2 0 3.2

         (KBG: Không bao giờ; TT: Thỉnh thoảng; KTX: Khá thường xuyên; TX: Thường xuyên)

          Kết quả chung chỉ ra rằng cả 9 hình thức miệt thị cơ thể được liệt kê đều được học sinh trải nghiệm với mức độ khác nhau. Không hình thức miệt thị liên quan đến cơ thể nào mà không có ai trải nghiệm.

          Kết quả cũng cho thấy 25 trong số 31 em (80,6%) đã từng chịu ít nhất một hình thức miệt thị cơ thể, có 4 em bị miệt thị cơ thể ở mức khá thường xuyên đến thường xuyên, 1 em thường xuyên bị miệt thị với nhiều hình thức khác nhau.

        Theo dữ liệu, Bị đặt biệt danh dựa trên đặc điểm hình thể Bị chê bai cách ăn mặc là hai item có tần suất xảy ra nhiều hơn cả so với các hình thức khác đối với các em học sinh (điểm trung bình tương ứng là 1.94 và 1.84) và Bị nhắn tin công kích về ngoại hình có tần suất xảy ra ít nhất (1.10). Hình thể và cách ăn mặc là hai yếu tố có thể coi là dễ nhìn và bắt mắt nhất đối với những người đối diện, vậy nên chỉ cần không vừa mắt hay vừa ý một ai đó là cũng có thể là mục tiêu, đối tượng để bị miệt thị ngay lập tức.

        Theo dữ liệu trong bảng về  tỉ lệ phần trăm bị đặt biệt danh dựa trên đặc điểm hình thể chỉ ra rất rõ có 18/31 em học sinh đã từng bị đặt biệt danh như Lợn béo, đầu dừa,… Có 35.5% học sinh thỉnh thoảng rơi vào tình trạng này và 12.9% học sinh thường xuyên chịu đựng điều ấy. Có thể là những câu nói bông đùa giữa bạn bè nhưng hậu quả thì không ai có thể lường trước được. Nếu đó là câu miệt thị đùa thì đúng là người đó vui thật nhưng liệu người bị miệt thị khi nghe những câu đùa ấy có vui hay rất hạnh phúc nổi hay không? Ít nhiều nó cũng đem lại cảm xúc âm tính cho người nghe, hậu quả đem lại là có thể khiến người ấy mặc cảm về ngoại hình của mình hơn, nặng hơn thì có thể lo và không dám ra ngoài, sợ người khác đàm tiếu về bản thân mình. Việc rơi vào các tình huống bị đàm tiếu, chị chê bai về cơ thể, có thể khiến các em học sinh “yếu bóng vía” dễ đến với sự bất an, không cảm thấy hạnh phúc khi ra ngoài xã hội.

        Ở đây, mẫu nghiên cứu là một lớp chuyên, tức là lớp có đầu vào được lựa chọn trên các ưu thế nhất định về trí tuệ, mà ta đã thấy lộ ra vấn đề cần chú ý. Hiện tượng này rất cần được tìm hiểu rộng hơn trên quần thể lớn, sâu hơn về nội dung để xem xét ảnh hưởng thực sự của chúng đến tâm lý của tuổi chưa trưởng thành.

        Như vậy, tuy hiện tượng miệt thị cơ thể ở học sinh THPT xảy ra không thường xuyên lắm nhưng khá đa dạng, từ có lời tới không lời. Bị đặt biệt danh dựa trên hình thể và chê về ngoại hình là hai hình thức nhiều em bị hơn cả. Tuy nhiên, không phải vì không thường xuyên mà chúng ta im lặng bỏ qua. Bởi vậy, các thầy cô giáo và những người có trách nhiệm cần quan tâm đến hiện tượng này trong môi trường học đường.

 

Trang Minhh