Khi các cha mẹ có con trong độ tuổi thiếu niên biết được con đã có hành vi trộm cắp, họ sẽ rất lo lắng và tự hỏi: Điều gì khiến con mình trộm cắp? Và liệu con mình có phải là “trẻ vị thành niên phạm pháp hay không?
Có thể được coi là bình thường nếu một đứa trẻ trong dưới 3 tuổi ăn trộm một vật khiến chúng bị kích thích và quan tâm. Nhưng khi trẻ lớn hơn thì trẻ phải hiểu và phải được dạy rằng, lấy những thứ không phải của mình là điều sai trái. Việc dạy con về quyền tài sản là cần thiết. Đồng thời cha mẹ cũng phải là người làm gương cho con noi theo. Không thể dạy con không được lấy những đồ của người khác, trong khi cha mẹ lại trở về nhà với những văn phòng phẩm đã lấy từ cơ quan hoặc khoe khoang về việc không trả đủ tiền ở quầy thanh toán mà thu ngân không biết. Sẽ là thiếu thống nhất và thiếu trung thực khi chính bản thân cha mẹ dạy dỗ con không được lấy đồ của người khác, trong khi bản thân mình thì có những hành động ngược lại.
Về mặt nhận thức, trẻ, đặc biệt là trẻ ở độ tuổi thiếu niên có thể hiểu rõ hành vi trộm cắp là sai trái, nhưng chúng vẫn làm vì nhiều lý do. Đôi khi là sự tìm kiếm sự bình đẳng khi chúng nhận ra anh chị em chúng cũng có những món quà như vậy. Trường hợp khác có thể vì muốn thể hiện sự dũng cảm với bạn bè, hoặc để làm quà cho gia đình, bạn bè, hoặc để được các bạn đồng trang lứa chấp nhận, thậm chí để được vào một nhóm. Chúng cũng có thể ăn cắp vì không muốn phụ thuộc vào bất kỳ ai nếu muốn có được đồ mà chúng cần. Trong rất ít trường hợp, trẻ cũng có thể trộm cắp như một phương cách để tìm kiếm sự chú ý, quan tâm của cha mẹ. Lúc này, có thể trẻ đang thể hiện sự tức giận hoặc cố gắng "làm hòa" với cha mẹ. Vật bị đánh cắp có thể trở thành vật thay thế cho tình yêu hoặc tình cảm. Cha mẹ nên cố gắng công nhận trẻ là một thành viên quan trọng trong gia đình và dành thời gian quan tâm tới trẻ hơn.
Nếu cha mẹ thực hiện các biện pháp thích hợp, trong hầu hết các trường hợp, hành vi trộm cắp sẽ dừng lại khi trẻ lớn hơn. Các bác sĩ tâm thần trẻ em và vị thành niên khuyến cáo rằng khi cha mẹ phát hiện ra con mình đã ăn trộm, họ nên:
-
Nói và nhấn mạnh với trẻ rằng, trộm cắp dù với lý do gì thì cũng là hành vi sai trái.
-
Nói rõ rằng hành vi này là hoàn toàn không thể chấp nhận được trong truyền thống gia đình và cộng đồng
-
Với những trẻ nhỏ, cha mẹ hãy giúp trẻ, hoặc cùng với trẻ trả lại đồ đã lấy. Nhưng với trẻ lớn hơn, cha mẹ có thể khuyến khích tự trả đồ.
-
Đảm bảo rằng đứa trẻ không được hưởng lợi từ hành vi trộm cắp dưới bất kỳ hình thức nào
-
Tránh dự đoán hành vi xấu trong tương lai đến với trẻ. Không được mặc định hoặc khẳng định với trẻ rằng: “Con là kẻ xấu, là kẻ trộm cắp”.
Khi trẻ đã trả lại đồ, cha mẹ không nên nhắc lại vấn đề này nữa. Điều này giúp trẻ bắt đầu lại với một "lý lịch trong sạch".
Mặc dù vậy, trong trường hợp nếu trẻ vẫn tiếp tục có hành vi trộm cắp, hoặc có những hành vi hoặc triệu chứng có vấn đề khác thì hành vi trộm cắp có thể là dấu hiệu của các vấn đề nghiêm trọng hơn trong sự phát triển cảm xúc của trẻ hoặc các vấn đề trong gia đình. Những đứa trẻ có hành vi trộm cắp lặp đi lặp lại nhiều lần cũng có thể có khó khăn trong việc tin tưởng người khác và khó hình thành mối quan hệ thân thiết. Thay vì cảm thấy tội lỗi, chúng có thể đổ lỗi cho hành vi của người khác, lập luận rằng, "Vì những người đó từ chối cung cấp cho tôi những gì tôi cần, tôi sẽ lấy nó." Những trẻ này cần phải có sự can thiệp về mặt sức khỏe tâm thần. Những nhà trị liệu sẽ đánh giá những lý do cơ bản khiến trẻ trộm cắp, thực hiện kế hoạch điều trị, giúp trẻ hình thành các mối quan hệ tin cậy và giúp gia đình hướng trẻ đến một con đường phát triển lành mạnh hơn.
Minh Thu
-----------
Tài liệu dịch: American Academy of Child and Adolescent Psychiatry (2014). Stealing in Children and Adolescents. Link: https://www.aacap.org/AACAP/Families_and_Youth/Facts_for_Families/FFF-Guide/Children-Who-Steal-012.aspx Truy xuất tháng 11/2020
Ảnh đại diện có tính chất minh họa. Nguồn: https://www.ntdvn.com/