(Tamly) - Con người ngay từ khi sơ khai đã biết chế tạo các công cụ tùy theo mục đích của mình. Dưới bàn tay, các công cụ cũng được tinh chỉnh để ngày càng trở nên dễ sử dụng và có tính thẩm mỹ. Bàn tay không chỉ tạo ra các sản phẩm sử dụng cho mục đích sinh tồn, mà nó còn tạo ra các sản phẩm làm cho cuộc sống tinh thần phong phú hơn. Một trong số sản phẩm đó là những bức vẽ.
Bức vẽ thực sự nói lên nhiều điều? Nó nói lên sự tồn tại, suy nghĩ và nội tâm của người vẽ, và bằng cách thể hiện ra bằng hình ảnh trên bức vẽ, bản thân, trái tim được thể hiện, được giải phóng.
Không chỉ người lớn mới thích vẽ. Ngay từ khi biết cầm cây bút, nỗ lực đầu tiên của trẻ là tạo ra các dấu và những đường kẻ ngẫu nhiên với ý nghĩa được trẻ giải thích thông qua hình ảnh mà chúng tạo ra. Dần dần, khi kỹ thuật cầm bút đã tốt hơn, trẻ đã biết điều khiển bút theo ý muốn của mình và tạo nên một bức vẽ của riêng trẻ. Vẽ - không chỉ là một hoạt động học tập, mà còn là một kỹ năng đặc trưng cần thiết cho trẻ với những cấp độ khác nhau, tùy theo tiến trình phát triển trong độ tuổi này.
Trẻ mầm non là đối tượng bắt đầu biết vẽ và dần yêu thích hoạt động này. Trẻ có thể liên tục tạo ra vô vàn bức vẽ khác nhau, hoặc lặp đi lặp lại với sự hứng thú. Những bức vẽ mang nhiều ý nghĩa và nói lên nhiều điều trong sự phát triển của trẻ.
- Bức vẽ thể hiện kỹ năng vận động, thuần thục của các ngón tay. Điều khiển tay sao theo đúng ý muốn của trẻ thể hiện rất rõ sự phát triển trí óc. Ban đầu chỉ là những nét nghệch ngoạc, sau dần các nét có thể vẽ mềm mại, uốn lượn hơn, và khi khả năng điều khiển các ngón tay đã trở nên thuần thục, trẻ có thể vẽ những gì đúng theo ý định của mình.
- Bức vẽ thể hiện sự phát triển mạnh mẽ về mặt cảm xúc, tâm lý xã hội. Trẻ chưa có đủ khả năng diễn đạt bằng ngôn ngữ trừu tượng, nhưng có thể giao tiếp bằng các biểu tượng. Sự nhạy cảm đối với các vấn đề, sự vật, cảm xúc như vui, tức giận, buồn và mãn nguyện, cũng như sự phát triển của cảm xúc cũng sẽ được trẻ đưa vào trong những bức vẽ của mình. Thông qua bức vẽ, trẻ có thể truyền đạt được tình yêu thương, nỗi sợ hãi, và niềm hy vọng sâu sắc nhất.
- Bức vẽ thể hiện nhận thức của trẻ. Một bức vẽ bao giờ cũng hàm chứa những nội dung, có thể là nội dung rất cụ thể với những chủ đề liên quan đến các hoạt động hàng ngày, đến những người mà trẻ yêu thương, thể hiện sự hứng thú với những vấn đề, sự kiện và con người quen thuộc đối với trẻ, nhưng cũng có thể là những điều mà trẻ hiện không có và đang mong muốn. Tầm nhìn về thế giới, trải nghiệm của trẻ về thế giới xung quanh được thể hiện rất rõ qua bức vẽ. Chính vì thế việc mở rộng trải nghiệm là rất cần thiết và có ảnh hưởng lớn đến hoạt động vẽ của trẻ. Bằng việc vẽ ra và bằng việc nhìn lại bức vẽ, ý thức về thế giới quan sẽ khắc sâu và làm phong phú thêm thế giới sáng tạo của trẻ.
- Bức vẽ giúp trẻ giao tiếp với những người mà trẻ quen thuộc và yêu thương. Có rất nhiều phương thức để trẻ thể hiện tình cảm và mong muốn của mình. Vẽ và bức vẽ cũng có thể giúp trẻ giao tiếp với những người khác. Trẻ có thể vẽ cùng với những người mà trẻ yêu thích. Khi đó, vẽ như một hoạt động vui chơi/ chơi cùng với người mà trẻ muốn cùng chơi. Nhưng sản phẩm là bức vẽ cũng có thể là một món quà mà trẻ muốn dành tặng ai đó. Điều này rất thú vị và mang lại nhiều niềm vui cho trẻ.
Vẽ đối với trẻ mầm non là một hoạt động vui chơi. Những trẻ biết vẽ là những trẻ hạnh phúc. Rất hiếm khi trẻ ở tuổi này không vẽ (rất có thể đó là một phản ánh của một chấn thương nào đó). Chính vì vậy, việc tạo điều kiện cho hoạt động này của trẻ được diễn ra là điều cần thiết mà các cha mẹ cần quan tâm và thực hiện. Giá trị đơn giản nhất khi trẻ vẽ mà các cha mẹ có thể nhận thấy đó là niềm vui và niềm hạnh phúc của chính trẻ, và hãy nồng nhiệt đón chờ những bức vẽ mà trẻ tạo ra.
Minh Thu