Rõ ràng, chúng ta đều biết vai trò hết sức quan trọng của yếu tố tâm lý trong cuộc sống mọi mặt của con người. Chẳng hạn, ông cha ta có câu: “Được lời như cởi tấm lòng”, hay trong thời chiến tranh, có câu nói: “Tư tưởng không thông, vác bi đông không nổi”… Nhiều nhà khoa học, những người làm việc trong ngành y tế cũng đã khẳng định hiệu quả của yếu tố tâm lý trong việc điều trị cho bệnh nhân. Ở đây, tôi muốn nêu thêm một vài ví dụ cụ thể về điều đó ở những người sống quanh tôi.
Ví dụ thứ nhất, tôi có một người cô họ đã ở tuổi “thất thập cổ lai hy”. Sau mấy ngày tết năm nay, cô tôi bị đau chân, cô nói: “Cô bị sưng mắt cá chân và đau dưới gót chân, cứ đứng lên là nó đau như có kim châm” và cô hạn chế đi lại. Những người con của cô đã động viên cô đi khám. Cách đây mấy ngày, vào một buổi chiều tối, cô tôi đi lấy thuốc nam. Bác sĩ đã khám và bán cho cô hai lọ thuốc viên để điều trị bệnh đau chân. Thật diệu kỳ, cô tôi chỉ cần uống một lần vào tối hôm đó và lần thứ hai vào sáng sớm hôm sau thì “Chân của cô đã bớt hẳn”. Cô nói: “Uống cái thuốc này, nó đúng bệnh nên đỡ hẳn, bây giờ đi lại thoải mái, như không”. Cô lại đi bộ đường dài để tập thể dục bình thường. Tôi đem chuyện này nói với ông xã tôi, ngụ ý chia sẻ về vai trò của yếu tố tâm lý quan trọng như thế nào trong chữa bệnh. Ông xã tôi dường như cũng nhận ra điều đó, nhưng cho rằng đó là bệnh của người già. Tôi không phủ nhận điều đó, nhưng theo tôi, yếu tố tâm lý đó không phải chỉ có ở người già, mà ở người trẻ cũng có hiện tương tương tự như vậy. Ví dụ sau đây của tôi sẽ minh họa cho điều đó.
Một người bạn của tôi (năm nay 35 tuổi) nghĩ rằng chị bị huyết áp cao, chị thường có cảm giác “nóng phừng phừng ở mặt, khó thở”. Chị rất lo lắng, mất ngủ. Xin nói thêm, bố chị trước đây có huyết áp cao và bị tai biến, xuất huyết não, đã tử vong. Mọi người đã khuyên chị đi khám. Cuối cùng, chị đã thu xếp công việc để đi khám. Sau khi đi khám, được bác sĩ khẳng định rằng: huyết áp của chị hơi cao hơn bình thường một chút, chưa phải ở mức đáng ngại, chỉ cần điều chỉnh chế độ ăn uống, luyện tập hợp lý. Tin lời bác sĩ, chị thực hiện như chỉ dẫn nên mặc dầu chưa uống thuốc gì, chị đã thấy thoải mái hẳn lên, không còn những cảm giác hay nóng mặt, khó thở, không bị mất ngủ như trước đây nữa. Chính chị đã công nhận: “Yếu tố tư tưởng quan trọng thật!”
Nếu có thời gian tìm hiểu thì có lẽ còn vô vàn ví dụ tương tự như vậy. Qua đây, một lần nữa, chúng ta thấy rằng yếu tố tâm lý rất quan trọng, nhưng cách giải quyết lại không khó khăn. Vậy tại sao chúng ta không tận dụng nó một cách có hiệu quả để tốt cho sức khỏe thể chất và tinh thần của mỗi người và cho những người xung quanh có liên quan với chúng ta. Hãy đi khám, đi tư vấn bác sĩ ngay khi có dấu hiệu nghi ngờ về sức khỏe khi chúng ta có sự lo lắng, bất an cho sức khỏe của chúng ta! Nếu không có bệnh thực sự, việc đi khám sẽ giải phóng chúng ta khỏi sự nghi ngờ, phấp phỏng, lo lắng. Nếu có bệnh, việc đi khám giúp chúng ta kịp thời chữa trị. Cả hai phương án đều có lợi, có thiệt thì chỉ tốn một chút thời gian.
Rất mong tất cả những ai sau khi đọc bài này sẽ rút ra kinh nghiệm cho bản thân và tuyên truyền cho người thân quen trong việc chăm sóc sức khỏe để có đời sống thể chất khỏe mạnh thực sự, có đời sống tinh thần bình an, vui khỏe.
Nguyễn Thị Hoa