Vai trò của gia đình trong giáo dục giới tính

25/01/2010

Hiện nay có nhiều định nghĩa khác nhau về giáo dục giới tính trong gia đình, nhưng nhìn chung, có thể hiểu giáo dục giới tính trong gia đình là hoạt động cung cấp cho các thành viên trong gia đình những thông tin khoa học về giới tính, về cách ứng xử trong quan hệ với người khác giới trong tình bạn, tình yêu, tình dục và hôn nhân gia đình nhằm thay đổi nhận thức, thái độ, hành vi phù hợp với giới tính của bản thân, xây dựng giới tính (nam tính, nữ tính) sao cho phù hợp với khuôn mẫu của xã hội, xây dựng các hành vi biết làm chủ bản thân và biết tự bảo vệ trước nguy cơ lây nhiễm các bệnh qua đường tình dục, trong đó có cả HIV- AIDS, góp phần xây dựng xã hội lành mạnh và gia đình hạnh phúc.

Giáo dục giới tính là việc làm có ý nghĩa thiết thực trong cuộc sống hiện nay, bởi lẽ trong tình hình Việt Nam đang hội nhập thế giới, bên cạnh những nét văn minh, tích cực chúng ta cần tiếp thu, thì những hành vi ngoại lai không phù hợp với chuẩn mực văn hóa, lối sống của chúng ta đang xâm nhập vào giới trẻ. Điều này đã dẫn tới một bộ phận thanh, thiếu niên hiện nay có sống buông thả, sống thực dụng. Hậu quả là sự gia tăng tình trạng mang thai sớm, tình trạng nạo phá thai của các nữ thanh niên. Các tai biến do thai sản, lây nhiễm các bệnh qua đường tình dục, trong đó có cả HIV – AIDS gia tăng.

Theo thống kê, mỗi năm trên thế giới có khoảng 15 triệu trẻ em do các cô gái tuổi vị thành niên sinh ra, chiếm khoảng 11% tổng số sinh. Mỗi năm có khoảng 20 triệu trường hợp nạo phá thai không an toàn, 95% ở các nước đang phát triển. Theo thống kê của các ngành hữu quan ở Việt Nam (điều tra tổng cộng trên 20 trường đại học với 2000 sinh vên nam nữ ), có khoảng 50% sinh viên có hành vi thân mật với người khác giới và trên 50% trong số sinh viên đó đã có quan hệ tình dục trước hôn nhân. Cũng theo uỷ ban Quốc gia về phòng chống AIDS, ở nước ta số người phát hiện chính thức nhiễm HIV tính đến tháng 5/2002 là 49.000, trong đó khoảng 93-94% đang ở lứa tuổi 13 – 29. Tất nhiên con số đó không có nhiều ý nghĩa bởi đó chỉ là những con số phát hiện được, các nhà chuyên môn cho rằng số người nhiễm HIV/AIDS ở nước ta lên tới khoảng 180.000. Những con số trên cảnh báo xã hội chúng ta về sự suy giảm nòi giống dân tộc, nguồn nhân lực quốc gia và tình hình bất ổn xã hội trong tương lai. 

An toàn tình dục và sức khoẻ sinh sản là một phần của tổng thể sức khoẻ con người trong cả cuộc đời. Nó liên quan chặt chẽ với đời sống vật chất và tinh thần, ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách của con người. Tuổi vi thành niên là lứa tuổi luôn tự khẳng định mình, nhân cách chưa hoàn thiện, tâm lý bồng bột chưa chín chắn, nhưng mong muốn khám phá thế giới mãnh liệt và không loại trừ khám phá tình dục. Trong khi đó các em lại ít có hiểu biết về giới tính, tình dục, kinh nghiệm sống và đặc biệt là hành vi tự kiềm chế bản thân. Trước tình hình thực tế như trên, trang bị kiến thức về giới tính, sinh lý sinh sản cho các em trước khi bước vào tuổi dạy thì là việc làm có ý nghĩa thiết thực nhằm giúp các em hiểu biết về tình dục và cách đề phòng những điều bất lợi có thể xảy ra. Những thông tin tốt được cung cấp cho thanh thiếu niên giúp cho các em có trách nhiệm trong quan hệ tình dục, tránh tác hại do quan hệ tình dục gây nên và tránh quan hệ tình dục sớm.

Trong xã hội chúng ta có rất nhiều quan điểm trái ngược nhau về vấn đề giáo dục giới tính và sức khoẻ sinh sản cho trẻ vị thành niên. Có những người cho rằng: đưa vấn đề giáo dục giới tính vào nhà trường là “ vẽ đường cho hươu chạy”. Vì thế họ cho rằng không cần phải giáo dục trong nhà trường mà để trẻ tự phát triển tự nhiên, đến lúc nào đó tự trẻ sẽ hiểu được. Cũng có những quan điểm cho rằng nhất thiết cần phải giáo dục giới tính và sức khoẻ sinh sản cho thanh niên hiện nay, đặc biệt là lứa tuổi vị thành niên nhằm nâng cao năng lực, giảm thiểu những tác hại do thiếu hiểu biết gây ra. Nhưng cho tới nay nhà nước chưa đưa chương trình giáo dục giới tính vào nhà trường giảng dạy vì những điều kiện chủ quan và khách quan khác nhau. Trong điều kiện đó thì giáo dục giới tính trong gia đình là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất, nhằm nâng cao sức khoẻ sinh sản và đảm bảo cho thanh, thiếu niên một cuộc sống tình dục an toàn và giảm thiểu những tác hại do thiếu hiểu biết gây ra. Giáo dục giới tính ngay trong từng gia đình đòi hỏi trước hết chính những bậc phụ huynh phải là những người nắm vững kiến thức về giới tính tình dục một cách khoa học; biết được kỹ năng giáo dục và hơn cả là mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình luôn luôn được chan hoà cởi mở và chia sẻ lẫn nhau. Chỉ như vậy, quá trình giáo dục giới tính cho con cái mới đạt hiệu quả và kết quả là chính con em mình có thể kiếm soát đuợc hành vi tình dục, có trách nhiệm trong quan hệ tình dục, hạn chế tối đa những rủi ro từ quan hệ tình dục gây nên.

Chúng ta đã biết, gia đình là môi trường xã hội hoá đầu tiên của con người, trong đó bố mẹ là những ngưòi có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đến sự phát triển nhân cách của con cái. Cách cư xử giữa bố - mẹ là bài học sớm nhất đối với trẻ về cách ứng xử giới tính giữa một người nam và một người nữ. Trẻ sẽ tiếp thu dần dần những kiến thức giới từ chính gia đình mình. Từ đó dần theo năm tháng hình thành những hành vi, thái độ mang tính chất giới nam hay nữ được mọi ngưòi và xã hội chấp nhận.

Cha mẹ tiến hành giáo dục cho con cái về giới tính, sinh lý sinh sản là một quá trình giáo dục từ mức độ thấp tới mức độ cao. Tuỳ vào sự phát triển dần dần tâm lý của trẻ theo lứa tuổi mà các bậc cha mẹ có những cách thức, nội dung sao cho phù hợp với từng lứa tuổi. Lúc trẻ còn nhỏ (3-6 tuổi) thì nội dung giáo dục nên đơn giản, dễ hiểu, nhưng nội dung ấy phải có ý nghĩa nhất định và tác dụng bước đầu hình thành trong trẻ những kiến thức về sự khác biệt giữa nam và nữ, như chỉ cho trẻ biết được sự khác biệt giữa trẻ nam và trẻ nữ ở tóc, trẻ nam thường phải cắt tóc ngắn, trẻ nữ thì thường để tóc dài, hay sự ăn mặc của trẻ nam cũng khác trẻ nữ, trẻ nam ăn mặc những bộ quần áo gọn gàng mang tính thể thao, trong khi đó trẻ nữ lại mặc những quần aó màu sắc sặc sỡ. Cũng có thể cha mẹ hướng cho trẻ và bảo trẻ rằng những em nữ thường chơi trò chơi có tính chất khác biệt so với trẻ nam, như trẻ nam chơi bóng đá, trẻ nữ chơi đồ hàng và xắm vai mang tính chất phân biệt giới như em trai xắm vai chú bộ đội, em gái xắm vai cô giáo. Tất cả những kiến thức đơn giản đó bước đầu giúp cho trẻ có dược thói quen ứng xử theo giới. Rất nhiều bậc cha mẹ đã đối mặt với những câu hỏi của trẻ ở giai đoạn này như:  “ Em bé được sinh ra từ đâu”, “ Tại sao lại có em bé”. Nhiều cha mẹ đã không giải thích cho trẻ hoặc giải thích sai lệch. Điều cần nói ở đây là cha mẹ không nên né tránh, hay phớt lờ những câu hỏi đại loại như vậy. Trong trường hợp này cha mẹ cần trả lời là: con sẽ biết và hiểu khi con lớn hơn một chút. Hoặc con lớn hơn một chút cha mẹ sẽ trả lời cho con. Sự trả lời như vậy sẽ kích thích tính ham khám phá của trẻ. Khi trẻ lớn hơn một chút (6-10 tuổi), trẻ đã hiểu biết hơn trước rất nhiều, bố mẹ có thể dạy cho trẻ cách thức ứng xử, ăn nói theo giới mà xã hội chấp nhận. Đối với trẻ nữ, ngưòi cha, người mẹ dạy trẻ cách ăn nói nhẹ nhàng, tính dịu dàng trong giao tiếp, biết nội trợ và biết làm dẹp cho bản thân. Đối với trẻ nam, lại có cách dạy khác, cha mẹ dạy cho các con tính thẳng thắn cương quyết, quyết đoán… Nội dung giáo dục sẽ được cha mẹ cung cấp nhiều hơn, phong phú hơn, mang tính thiết thực hơn và thẳng thắn hơn khi trẻ ở lứa tuổi lớn hơn nữa (11-15). Lúc này trẻ bước vào giai đoạn tiền dạy thì. Cha mẹ từ những hiểu biết của mình dạy cho con sự chuẩn bị tâm lý để đón nhận sự thay đổi của cơ thể như có hành kinh ở con gái, sự phát triển cơ bắp và mộng tinh của con trai… Những điều đó giúp trẻ tránh hoang mang do sự thay đổi căn bản sinh lý của trẻ, hạn chế sự ảnh hưởng không tốt tới quá trình hoạt động học tập và giao tiếp xã hội của trẻ. Nếu như ở giai đoạn trước việc giáo dục giới tính cho trẻ có ý nghĩa bước đầu hình thành giá trị, phát triển nhân cách thì giáo dục giới tính ở giai đoạn này nhằm hoàn thiện nhân cách, nâng cao khả năng chịu tránh nhiệm trong quan hệ khác giới, biết cách phòng tránh những bệnh lây nhiễm qua đường tình dục và còn tạo đòn bẩy thúc đẩy sự phát triển trong những giai đoạn tiếp theo. Vì vậy, cha mẹ có thể trò truyện với con cái một cách thẳng thắn những chủ đề khác nhau như: sự phát triển về thể chất và tâm sinh lý, mối quan hệ giữa tình bạn khác giới, tình yêu, sinh đẻ, thai nghén và những quan hệ giới tính khác.

Như vậy cha mẹ như là những người bạn đồng hành cùng con cái. Nếu cha mẹ biết cánh chia sẻ những thắc mắc của con cái trong quá trình phát triển thì sẽ giúp trẻ nâng cao năng lực và sức mạnh bản thân, có thái độ và hành vi đúng mực, đặc biệt là khả năng tự chịu trách nhiệm trước hành vi tình dục của bản thân. Đồng thời giúp cho trẻ đứng vững bằng những kiến thức và hiểu biết của chính mình trước khi lập gia đình. Qúa trình giáo dục giới tính được thực hiện đồng bộ trong từng gia đình chắc chắn sẽ giảm thiểu những nguy cơ về an toàn tình dục, tai biến sinh sản và đặc biệt là nguy cơ lây nhiễm các bệnh qua đường tình dục, đặc biệt là đại dịch HIV – AIDS sẽ giảm đi đáng kể, tạo nên một xã hội ổn định và phồn thịnh.

Nguyễn Quang Huy