4 năm lấy chồng cũng là 4 năm chị Dương (Chương Mỹ, Hà Nội) bị chồng đánh đập. Mỗi lần thực hiện hành vi đó ông ta lại gọi 3 người con với vợ trước xuống chứng kiến.
Chị Dương cũng đã từng đến lánh nạn tại Ngôi nhà bình yên, nhưng sau đó khi chồng đến và hứa sẽ sửa sai chị lại về. Thế nhưng chị vẫn tiếp tục bị hành hạ trong chính căn nhà của mình mà không ai can ngăn. Đến khi chị quyết định ly hôn thì ông chồng dọa giết và không cho chia tài sản, dù phải đền tiền hoặc đi tù.
Người phụ nữ trên đã đứng lên kể câu chuyện cuộc đời mình để xin sự giúp đỡ trong buổi họp báo phát động Chiến dịch truyền thông phòng chống bạo lực gia đình sáng 25/11, tại Hà Nội.
Theo điều tra Gia đình ở Việt Nam năm 2006 (do Bộ Văn Hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Thống kê, Viện Gia đình và Giới, Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc thực hiện) cứ 5 gia đình thì có 1 gia đình có một trong các hành vi bạo hành, như đánh, đe dọa tinh thần hoặc ép quan hệ tình dục.
Khi có bạo lực, các cặp vợ chồng hiếm khi nhờ đến sự can thiệp của cha mẹ, bạn bè hoặc chính quyền vì họ sợ mất mặt hoặc không muốn "vạch áo cho người xem lưng".
Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực trong gia đình vẫn đang tiếp diễn ở mọi vùng miền, từ nông thôn đến thành thị, mọi gia đình có thu nhập khác nhau.
Theo ông Lê Hoàng Minh, Phó chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, tình trạng bạo hành gia đình xuất phát từ nguyên nhân căn bản, sâu xa nhất là tư tưởng nam coi thường nữ được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Người phụ nữ phải chăm lo và duy trì tổ ấm và trong các mối quan hệ trong gia đình, người phụ nữ luôn phải phục tùng nam giới.
"Hơn nữa, các nạn nhân vẫn quan niệm rằng đó là những mâu thuẫn hằng ngày, không tránh khỏi trong gia đình chứ họ không hề nghĩ rằng đó là hành vi bạo hành và nạn nhân được luật pháp bảo vệ", ông nói.
Nạn nhân của hành vi bạo lực trong gia đình không chỉ là bản thân người phụ nữ mà còn cả trẻ em. Khi trẻ em chứng kiến cảnh bạo lực gia đình của bố mẹ thì hơn 85% luôn có tâm trạng buồn phiền và lo sợ, 4,2% không tôn trọng bố mẹ, thậm chí có 5,5% có mong ước muốn bỏ nhà để thoát khỏi tình trạng bạo lực hằng ngày, cũng theo cuộc điều tra trên.
Trước thực trạng đó, Dự án phòng chống bạo lực gia đình với đối tượng mục tiêu là nam giới được tiến hành. Đây là lần đầu tiên một chiến dịch truyền thông hướng tới đối tượng chính là nam giới - thủ phạm gây ra những vụ bạo hành. Mục đích là tuyên truyền để người dân nhận thức được các dạng hành vi bạo lực trong gia đình và rằng những hành vi này cần được sự quan tâm, lên án của toàn xã hội. Dự án này sẽ kéo dài từ nay đến tháng 3/2009.
Cũng theo ông Minh thì bạo lực gia đình hiện xảy ra chủ yếu ở nông thôn. Thủ phạm là cả nam và nữ, nhưng nam giới nông thôn là đối tượng chủ yếu. Vì thế Hội Nông dân sẽ đẩy mạnh công tác truyền thông, lồng ghép với các hoạt động xóa đói giảm nghèo và đưa tiêu chí gia đình không có bạo lực để xét danh hiệu gia đình nông dân văn hóa.
Theo bà Soledad Fuentes, Đại sứ Vương Tây Ban Nha, bạo lực gia đình là một trong những hậu quả của sự bất bình đẳng giới, vì thế điều cần thiết là nỗ lực can thiệp để khép dần khoảng cách bất bình đẳng giữa nam giới và nữ giới.
Theo VnExpress
Nguồn từ" Giadinh.net.vn"