“Có phải con cái chúng ta ngày càng ít sự gắn kết, quan tâm tới gia đình ? Các thế hệ về sau, ngày càng ít biết đến các phong tục, tập quán của người Việt?”
Mùa xuân dần trôi qua, với mẹ bây giờ hình như thời gian có cánh, mới hôm qua thôi cả nhà mình còn ríu rít chuẩn bị đi sang bên nội, bên ngoại chúc tết. Gần lắm, buổi tối mẹ lại cẩn thận dặn hai cô con gái bé bỏng về tập tục chúc tết và nói những lời hay vào những ngày đầu năm. Chích bông đã làm cho bố mẹ bất ngờ và ngỡ ngàng vào giờ khắc của giao thừa, con đã gấp một tờ giấy nho nhỏ chúc sức khoẻ bố mẹ nhân dịp năm mới, khi mở ra bố mẹ không thể tin vào mắt mình được nữa vì một tờ giấy chỉ nhỏ bằng ba ngón tay, nhưng trong đó chứa đựng được hết những gì con muốn nói với bố mẹ, một mặt in hình con giống phù hợp với tuổi của từng người, một mặt con đã biết gửi yêu thương vào đó, mẹ vẫn còn giữ và nhớ bài thơ con chép tặng mẹ :
Năm mới chúc mẹ :
Một xoong niềm vui
Hai chảo hạnh phúc
Thêm bát sung túc
Cả li đủ đầy
Phong bao thật dày
Ôi con yêu mẹ.
Bố mẹ vui mừng vì các con đã biết thế nào là ngày tết, vui mừng vì các con bắt đầu bập bẹ tìm hiểu phong tục tập quán của người Việt mình.
Mới đấy đã đến ngày tết thanh minh, bố hối hả thu xếp công việc và đợi ngày Nhím - cô con gái lớn được nghỉ học để đi tảo mộ. Nhím ơi, con có biết không? Cứ vào đầu năm, khoảng tháng chạp, tháng hai âm lịch, mọi gia đình đều đi đến những phần mộ của ông bà tổ tiên, vun xới, dọn vệ sinh sạch sẽ, hoặc trồng thêm những cây xanh để làm đẹp cho “ngôi nhà” của những người quá cố. Với tình cảm của mình - người sống biểu lộ hình thức cúng giỗ hay biểu lộ yêu thương bằng cách sửa sang, thăm viếng mồ mả, tổ tiên. Người Việt có câu “Cao nấm ấm mồ”, việc sửa sang cho nấm mồ hay “ngôi nhà“ của người đã khuất không những là hành động để để ấm lòng người chết mà còn ấm lòng người đang sống – đó là một việc làm đầy ắp tình thương và ý nghĩa trong cuộc sống.
Hai con gái của mẹ ơi! Theo phòng tục, tảo mộ diễn ra vào đầu năm vì đó là khoảng thời gian mọi người không bị phân tâm với các công việc lo toan của cuộc sống và đây cũng chính là mùa lễ hội trong năm.
Mọi người quan niệm rằng “sống sao chết vậy”, chúng ta trang hoàng nhà cửa, cả nhà quây quần vui mừng đón một năm mới, lúc này đây - mọi người đều muốn chia sẻ niềm vui ấy với những người ở thế giới bên kia bằng cả tấm lòng thành kính, được thể hiện qua việc làm cụ thể - “tảo mộ”. Mọi người xung quanh thấy mồ mả của ông bà, tổ tiên và của những người đã khuất được chăm sóc, sửa sang thì biết người đã khuất vẫn còn được con cháu phụng thờ, gia đình đó sẽ được cộng đồng đánh giá là những người có tâm, có hiếu và gia đình đó sẽ gặp được rất nhiều sự may mắn, hạnh phúc trong cuộc sống.
Ai cũng có một nơi chôn rau cắt rốn, một nơi đã đi vào áng thơ và đi vào trong nỗi nhớ của mỗi người – đó chính là quê hương. Dù tất bật trong cuộc sống mưu sinh, nhưng cuối năm chốn muốn và cần quay về vẫn là gia đình, quê hương, đó là nơi xoa dịu đi tất cả sự vất vả nhọc nhằn, những lỗi lầm, có khoảng lặng nhìn lại mình cho một năm đã qua và tri ân với những người đã khuất.
Về quê tảo mộ mỗi dịp xuân về là một truyền thống và phong tục đẹp của người Việt. Đúng như câu nói “Con người có tổ có tông. Cái cây có cội, con sông có nguồn”, phải có nguồn gốc mọi thứ trên đời mới tồn tại và phát triển, con người cũng không nằm ngoài quy luật đó.
Bố mẹ muốn rằng, khi thời gian dần trôi qua, các con sẽ được tích lũy ngày một nhiều phong tục, tập quán của người Việt. Vậy mà, bố mẹ đã từng biết có những bạn đã khó chịu khi phải về quê đi tảo mộ, nhảy cẫng lên trên con đường đi vào mộ và kêu ẫm ĩ : “bẩn quá”... “Tại sao không chọn vào mùa khô ráo, sạch sẽ để đến mộ? Cứ nhất thiết phải chọn vào mùa ẩm thấp và mưa gió như thế này?”. Các bạn cho rằng phong tục không hợp với cách sống nhanh, hiện đại của tuổi trẻ bây giờ? Thậm chí có bạn còn nói : Sẽ sang Mỹ sinh sống để không bao giờ phải đi tảo mộ !!! Buồn cười quá đúng không các con?
Mặc dù, đó là những hành động bột phát và thể hiện sự chưa hiểu biết hết cuộc sống của lứa tuổi mới lớn, nhưng nó đã làm cho các ông bố, bà mẹ thất vọng, cảm thấy hình như con cái mình không biết về phong tục tập quán và quan trọng hơn, hình như chúng không có tình cảm, sự gắn kết với gia đình.
Mọi sai lầm đều có thể bỏ qua nếu con người biết hướng thiện và biết nhìn nhận, sửa chữa cái sai của mình. Các con hãy học, chăm đọc thêm các cuốn sách về phong tục tập quán của người Việt Nam để biết và hiểu hơn về dân tộc mình nhé.
Hà nội, ngày 13 tháng 4 năm 2010
Linh Đan