Hôm qua, tôi mới đọc một bài viết trên Facebook của một chị bạn. Chị ấy nói rằng, chị ấy luôn cảm thấy ấm áp và vui vẻ khi nói chuyện (chỉ một chút ít thời gian) với chị bán xôi khi đi mua xôi cho con, mặc dù cả hai đều không biết tên và thông tin về nhau. Bản thân tôi cũng có cảm giác ấm áp, biết ơn khi có người nâng xe và dắt xe giúp khi tôi bị ngã xe khi đi trên đường. Hoặc có đôi khi bạn cũng cảm thấy dễ dàng tâm sự với người ít thân thiết về những điều mà bản thân đã giữ chặt trong lòng, trong khi điều mà họ phản ứng lại chỉ là nghe và một cái chạm tay nhẹ… Hầu hết chúng ta đều đã từng trải qua những tình huống tương tự với những ví dụ này. Vậy, tại sao những người dường như không thân thiết, thậm chí là xa lạ, và dường như những mối quan hệ với họ lại đem lại cho chúng ta những cảm xúc tích cực như vậy? Và nó có quan trọng giống như sự quan trọng của những mối quan hệ với những người thân thiết hay không?
Nhà nghiên cứu Hanne Collins đã gọi những kiểu quan hệ này là “mối quan hệ xã hội yếu”. Cô và cộng sự đã nghiên cứu tất cả các loại mối quan hệ xảy ra trên khắp thế giới có trong cuộc sống và nhận ra rằng những mối ràng buộc xã hội yếu cũng quan trọng như những mối ràng buộc bền chặt đối với sự hài lòng trong cuộc sống của chúng ta (Collins và cộng sự, 2022). Trên thực tế, con người chúng ta có nhiều tương tác xã hội với những vai trò khác nhau, và với những người khác nhau, trong đó có cả những người thân thiết trong gia đình, bạn thân, người quen và cả những người xa lạ. Sự đa dạng về các mối quan hệ cũng đồng nghĩa với việc chúng ta có cơ hội và có sự tương tác với nhiều kiểu người với những cách cư xử khác nhau và hiển nhiên chúng ta cũng có cơ hội để trải nghiệm với nhiều cảm xúc, hành động khác nhau. Nghiên cứu của Collins và cộng sự (2022) tiết lộ rằng, việc thường xuyên tương tác với nhiều loại mối quan hệ xã hội, cả mạnh và yếu, đều sẽ củng cố sự hài lòng cuộc sống, dự đoán được niềm hạnh phúc cho cá nhân theo thời gian. Hale và cộng sự (2005) trong nghiên cứu trước đó về mối quan hệ giữa ủng hộ xã hội và sức khỏe cũng nhận thấy vai trò của mối quan hệ yếu đối với sức khỏe của con người thể hiện ở việc cảm giác kết nối với một nhóm người khác là thành phần hỗ trợ chính cho sức khỏe thể chất của sinh viên đại học.
Khi liên hệ những kết quả nghiên cứu này vào trong thực tiễn, chúng ta thấy rằng, trong mối quan hệ bền chặt, chúng ta có thể sẽ mất mát, buồn bã hoặc cô đơn nếu mất đi người thân yêu. Nhưng đơn giản chỉ là lời chào hỏi thân thiện của những người hàng xóm, của người bán hàng khi chúng ta bước vào cửa hàng… cũng đã đem lại cho chúng ta sự phấn chấn. Kết quả nghiên cứu của Collins và cộng sự có thể gợi ý rằng, những mối quan hệ mạnh và yếu đều đem lại cho chúng ta những kết nối với cộng đồng với ý nghĩa và theo những cách thức riêng.
Vì thế, dù chúng ta có mất mát hoặc cô đơn trong mối quan hệ bền chặt thì những mối quan hệ khác vẫn đem lại cho chúng ta những cảm giác ấm áp và hạnh phúc. Hãy mở rộng tâm hồn để đón nhận và đương nhiên, chúng ta cũng mở rộng tâm hồn để trao những yêu thương, những điều lạc quan, tích cực trong cuộc sống đến với những người khác, ngay cả khi đó là những người xa lạ mà chúng ta chỉ gặp lần đầu.
Tài liệu tham khảo
1. Collins H K, Hagarty S F, Quoidbach J, Norton M I & Brooks A W (2022). Relational diversity in social portfolios predicts well-being. Proceedings of the National Academy of Sciences 119 (43):e2120668119.
2. Hale CJ, Hannum JW & Espelage DL (2005). Social support and physical health: the importance of belonging. J Am Coll Health, 53(6):276-284.
Minh Thu