(Tamly) - Nghề nghiệp là vấn đề vô cùng quan trọng trong đời sống của mỗi con người. Có nghề nghiệp con người mới có cuộc sống ổn định, mới làm cho cuộc sống trở nên có ý nghĩa.
Từ xưa đến nay, câu hỏi chọn nghề gì luôn là vấn đề trăn trở đối với các em khi bước vào ngưỡng cửa của cuộc đời, đặc biệt là đối với học sinh THPT. Vì vậy, giáo dục hướng nghiệp luôn có vai trò rất lớn. Giáo dục hướng nghiệp tốt sẽ giúp học sinh nhận thức đúng đắn về nghề, chọn được nghề phù hợp với bản thân đồng thời đáp ứng được nhu cầu của xã hội, góp phần vào việc phân luồng và sử dụng hợp lí nguồn lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội bền vững.
Giáo dục hướng nghiệp cho học sinh là một trong những vấn đề quan trọng được Đảng ta và Nhà nước ta quan tâm. Ngày 23/7/2003, Bộ giáo dục và đào tạo đã ban hành chỉ thị số 33/2003/CT-BGDĐT về việc tăng cường giáo dục hướng nghiệp cho học sinh phổ thông. Chỉ thị đã nêu rõ: “(1) Giáo dục hướng nghiệp cho học sinh phổ thông nhằm mục đích bồi dưỡng, hướng dẫn học sinh, ngay từ trong nhà trường, chọn nghề phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế xã hội đồng thời phù hợp với năng lực cá nhân. (2) Giáo dục hướng nghiệp cho học sinh phổ thông có nghiệm vụ: Giáo dục thái độ lao động và ý thức đúng đắn với nghề nghiệp; cho học sinh làm quen với một số nghề phổ biến trong xã hội và các nghề truyền thống của địa phương; tìm hiểu năng khiếu, khuynh hướng nghề nghiệp của từng học sinh để khuyến khích, hướng dẫn và bồi dưỡng khả năng nghề nghiệp thích hợp nhất; động viên học sinh đi vào những nghề, những nơi đang cần. (3) Giáo dục hướng nghiệp cho học sinh phổ thông bằng các hình thức: tích hợp nội dung hướng nghiệp vào các môn học, lao động sản xuất và học nghề phổ thông, hoạt động sinh hoạt hướng nghiệp và các hoạt động ngoại khóa khác”. Ngoài ra, gần đây, ngày 12/4/2017 Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chính thức công bố Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Theo đó, một trong những điểm nổi bật mang tính căn cốt của Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể là có sự phân định rõ giữa hai giai đoạn giáo dục. Cũng từ sự phân định này, theo dự thảo chương trình giáo dục trung học cơ sở có mục tiêu là giúp học sinh phát triển các phẩm chất, năng lực đã được hình thành và phát triển ở cấp tiểu học; Tự điều chỉnh bản thân theo các chuẩn mực chung của xã hội; Hình thành phương pháp học tập, hoàn chỉnh tri thức và kỹ năng nền tảng để tiếp tục học lên trung học phổ thông, học nghề hoặc tham gia vào cuộc sống lao động
Trên thực tế, sau khi học xong giai đoạn trung học cơ sở, có rất ít học sinh đi học nghề hay tham gia vào cuộc sống ngay mà các em thường tiếp tục học lên bậc trung học phổ thông. Ở lớp 8, lớp 9, các em đăng ký và tham gia học nghề phổ thông tại các trung tâm tổng hợp hướng nghiệp dạy nghề song với mục đích chính chỉ lấy chứng chỉ nghề để cộng điểm khuyến khích (từ 0,5 đến 1,5 điểm) khi thi tuyển sinh vào lớp 10 (Trần Trí Dũng, 2017). Vấn đề nữa là, ngày càng nhiều sinh viên ra trường không có việc làm hoặc phải đào tạo lại, tình trạng “ngồi nhầm” đại học xảy ra nhiều năm với nhiều sinh viên. Những cử nhân, kĩ sư thất nghiệp quay lại học trung cấp với quyết tâm làm lại cuộc đời ngày càng phổ biến và trở thành vấn đề nhức nhối. Theo điều tra của Bộ GD&ĐT năm 2006 cho thấy, cả nước có tới 63% số sinh viên ra trường không có việc làm, 37% số còn lại có việc làm thì hầu hết phải đào tạo lại và nhiều người không làm đúng nghề mình đã học (dẫn theo Lê Thị Thanh Hương, 2010)
Nguyên nhân của những thực trạng trên là do việc chọn nghề của học sinh chưa phù hợp. Công tác giáo dục hướng nghiệp thời gian qua trong nhà trường THPT chưa tốt. Việc giáo dục hướng nghiệp cho học sinh chưa đồng bộ và hệ thống. Đội ngũ giáo viên đảm nhiệm công việc này không được đào tạo bài bản, chính quy mà là giáo viên môn khác chuyển sang hoặc kiêm nhiệm. Phân bố thời gian, số tiết học cho môn hoạt động giáo dục hướng nghiệp còn ít. Nội dung giáo dục hướng nghiệp trong nhà trường hiện nay còn hạn chế: phiến diện, chưa nói rõ được bản chất của các nghề, chưa xác lập được những yêu cầu về phẩm chất, năng lực của cá nhân phù hợp với nghề đó. Cụ thể, ở lớp 12, việc hướng nghiệp gần như chỉ thực hiện nội dung tư vấn tuyển sinh. Trong các buổi hướng nghiệp, việc trao đổi giữa học sinh và các chuyên gia tư vấn chỉ xoay quanh vấn đề chọn khối nào, trường nào. Ở nhiều trường, hoạt động ngoài giờ lên lớp về hướng nghiệp chỉ có tính chất một cơ sở nào đó giới thiệu, tư vấn về chính cơ sở đó nhằm phục vụ cho việc tuyển sinh, thu hút học sinh về cơ sở mình (dẫn theo huongnghiepviet.com: Chương trình hướng nghiệp Việt). Học sinh không có cơ hội đi tham quan các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Các hoạt động có tính chất hướng nghiệp như vậy chưa đủ cơ sở để giúp học sinh có những quyết định đúng đắn trong việc lựa chọn nghề nghiệp tương lai. Sự hiểu biết về nghề nghiệp cũng như những yêu cầu của nghề nghiệp mà các em lựa chọn và sự đáp ứng những yêu cầu của bản thân đối với nghề nghiệp còn hạn chế. Điều này dẫn đến các em có những sai lệch về sự lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai. Đa số học sinh chưa thể hình dung ra nghề nghiệp sau này của mình như thế nào, vì thế, việc lựa chọn trường và nghề nghiệp của các em theo cảm tính vàchọn theoxu hướng ngành “hot”, theo trào lưu chứ không chọn dựa trên năng lực bản thân và nhu cầu của xã hội. Tình trạng này một mặt sẽ gây khó khăn cho các trường đại học có nhiều học sinh lựa chọn không có đủ điều kiện cơ sở vật chất cũng như đội ngũ giảng viên đáp ứng nhu cầu của người học; Mặt khác những nghề xã hội đang cần lại thiếu sinh viên theo học. Tình trạng mất cân đối trong việc lựa chọn các ngành nghề ở học sinh có xảy ra, gây sự lãng phí cả về tiền của, công sức và thời gian của bản thân, không đem lại những thỏa mãn, mong muốn cá nhân cũng như cho lãng phí nguồn nhân lực, phân bố nguồn nhân lực không hợp lí, làm ảnh hưởng lớn đến năng suất lao động, cản trở sự phát triển về kinh tế xã hội(Trương Thị Hoa, 2014).
Việc tự nhận thức bản thân, khám phá tôi là ai, tôi thích và phù hợp với những loại việc gì, tôi có những điểm mạnh, điểm yếu nào về năng lực, tôi có những điều kiện gì đặc thù liên quan đến gia đình, xã hội cũng như định hướng giá trị trong cuộc sống, nghề nghiệp là một trong những cơ sở quan trọng để chọn được nghề phù hợp. Nếu nhận thức đúng về bản thân, học sinh sẽ dễ dàng đối chiếu, so sánh để lựa chọn cho mình một nghề phù hợp trong hệ thống nghề của xã hội. Do vậy, học sinh càng nhận thức rõ mình bao nhiêu thì việc lựa chọn nghề càng dễ dàng bấy nhiêu. Tuy nhiên, vấn đề này ít được gia đình, nhà trường, cũng như chính các em học sinh quan tâm, để ý.
Học sinh lớp 12 là một lực lượng tiềm năng lớn của nguồn nhân lực chất lượng cao của quốc gia. Tuy nhiên, thực trạng trên cho thấy công tác giáo dục hướng nghiệp đối với học sinh chưa được coi trọng một cách đích đáng, chủ trương thì có nhưng hoạt động thực tế lại yếu và kém hiệu quả. Thực tế hiện nay cần thêm những hoạt động liên quan đến giáo dục hướng nghiệp, giúp các em có định hướng tốt trong việc chọn nghề trong tương lai.
Tô Hạnh
------------------------
Tài liệu tham khảo
1. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2003). Chỉ thị về việc tăng cường giáo dục hướng nghiệp cho học sinh phổ thông. Số 33/2003/CT-BGDĐT ngày 23/7/2003..
2. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2017). Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể ra ngày 12/4/2017 Bộ Giáo dục và Đào tạo. Truy xuất từ https://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/bo-giao-duc-cong-bo-du-thao-chuong-trinh-pho-thong-tong-the-3569310.html
3. Trần Trí Dũng (2017). Đóng góp về vấn đề hướng nghiệp và phân luồng trong chương trình phổ thông. Truy xuất từ http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Dong-gop-ve-van-de-huong-nghiep-va-phan-luong-trong-chuong-trinh-pho-thong-post176460.gd. Ngày truy xuất 30/11/2017
4. Lê Thị Thanh Hương (2010). Tư vấn hướng nghiệp cho HS THPT thực trạng ở Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế. NXB Khoa học xã hội. Hà Nội
5. huongnghiepviet.com: Chương trình hướng nghiệp Việt. Truy xuất từ https://www.google.com.vn/search?q=huongnghiepviet.com%3A+Ch%C6%B0%C6%A1ng+tr%C3%ACnh+h%C6%B0%E1%BB%9Bng+nghi%E1%BB%87p+Vi%E1%BB%87t&oq=huongnghiepviet.com%3A+Ch%C6%B0%C6%A1ng+tr%C3%ACnh+h%C6%B0%E1%BB%9Bng+nghi%E1%BB%87p+Vi%E1%BB%87t&aqs=chrome..69i57.1649j0j7&sourceid=chrome&ie=UTF-8
6. Trương Thị Hoa (2014). Giáo dục hướng nghiệp cho học sinh THPT khu vực Hà Nội qua tham vấn nghề. Luận án Tiến sĩ Khoa học giáo dục, chuyên ngành Lí luận và lịch sử giáo dục.