(Tamly) - Cụm từ “cách mạng công nghiệp” hàm chứa sự thay đổi lớn lao, không chỉ biến đổi kinh tế mà cả văn hóa, xã hội một cách toàn diện.
Khái niệm “công nghiệp 4.0” được đưa ra vào năm 2011 tại Hội chợ Hannover, giới thiệu các dự kiến của chương trình công nghiệp 4.0 của nước Đức, nhằm nâng cao nền công nghiệp cơ khí truyền thống của Đức. Không chỉ nước Đức với chương trình Công nghiệp 4.0, các nước phát triển trong vài năm qua đều có các chương trình chiến lược về sản xuất khi những tiến bộ của khoa học và công nghệ đang diễn ra rất nhanh. Nước Mỹ có “Chiến lược quốc gia về sản xuất tiên tiến” cho ba thập kỷ tới. Nước Pháp có “Bộ mặt mới của công nghiệp nước Pháp”. Hàn Quốc có “Chương trình tăng trưởng của Hàn Quốc trong tương lai”. Trung Quốc có “Sản xuất tại Trung Quốc năm 2025”. Nhật Bản có “Xã hội thông minh 5.0”… (nguồn: vi.wikipedia.org/wiki)
Tất cả các cuộc cách mạng đều được dẫn dắt bởi khoa học công nghệ. Các cuộc cách mạng trước đều là hệ quả của sự tiến bộ khoa học công nghệ. Cuộc cách mạng công nghiệp đầu tiên là máy có sức khỏe hơn cơ bắp con người và ngựa, voi. Tiếp theo cuộc cách mạng công nghiệp lần 2, chúng ta có ánh sáng từ điện, có động cơ và tốc độ phát triển đã tăng lên một bậc mới. Đến cuộc cách mạng công nghiệp lần 3, chúng ta có máy tính tính toán nhanh, với nhiều ứng dụng công nghệ. Còn ở lần thứ 4 này, biểu tượng sẽ là robot có thể có trí tuệ toàn cầu, lấy kiến thức của tất cả các con robot để ứng xử với con người, vượt xa năng lực con người. Con robot này sẽ chế ra các con robot khác. Đây sẽ là cuộc cách mạng lớn nhất so với các cuộc cách mạng khác. Với cuộc cách mạng này, không chỉ máy móc mà tất cả các sự vật thế giới xung quanh chúng ta đều trở nên có nhân tính, đều có tính toán, tối ưu. Thế giới xung quanh ta không chỉ trở thành thế giới sống mà biến thành thế giới có nhân tính. Khi đó, các ô tô có thể sẽ tự tránh nhau, hàng hóa sẽ tự động giao tại nhà... Đây chính là sự khác biệt lớn nhất mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ xảy ra. (Hồ Tú Bảo, Hiểu về cách mạng công nghiệp lần thứ 4, 24/4/2017)
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, với sự xuất hiện của robot có trí tuệ nhân tạo (AI) mang lại nhiều ứng dụng trong xã hội. Nhờ công nghệ AI, người máy làm việc càng thông minh, có khả năng ghi nhớ, học hỏi vô biên, trong khi khả năng đó ở con người càng già càng yếu đi. Ưu điểm làm việc 24/24, không cần trả lương, bảo hiểm… của robot đem đến những thách thức cho người lao động hay người máy. Theo thời gian, tự động hóa sẽ xóa bỏ nhiều loại công việc nhưng nó cũng tạo ra những việc làm mới, sẽ ảnh hưởng lớn đến việc làm và thu nhập của một bộ phận lớn những người lao động, chủ yếu là những người chưa có trình độ đại học và chỉ làm lao động tay chân.Theo Giáo sư Acemoglu, ngay cả trong trường hợp tốt nhất, tự động hóa cũng sẽ làm cho thế hệ người lao động đầu tiên bị sa thải phải lâm vào cảnh hoạn nạn vì họ thường không có đủ kỹ năng để làm những công việc mới, phức tạp hơn (Thời đại mới cần kĩ năng mới, Theo The New York Times)[1].
Như vậy, đặc trưng lần này của CMCN 4.0 là Internet di động phổ biến ở khắp mọi nơi, là những thiết bị cảm ứng nhỏ hơn, mạnh hơn, nhưng rẻ hơn, cùng với trí tuệ nhân tạo và máy tự học. CMCN 4.0 đã tạo ra một thế giới, trong đó các hệ thống ảo và thực của sản xuất toàn cầu có thể phối hợp với nhau một cách linh hoạt. Tuy nhiên, CMCN 4.0 không chỉ có các máy móc và hệ thống thông minh kết nối với nhau. Phạm vi của nó rộng hơn nhiều, bao gồm những đột phá trong nhiều lĩnh vực, như giải mã trình tự gen, công nghệ nano, năng lượng tái tạo, điện toán lượng tử… Sự hòa trộn của các công nghệ này và sự tương tác của chúng trong tất cả các lĩnh vực của thế giới thực, thế giới số và thế giới sinh học đã làm nên khác biệt căn bản của CMCN 4.0 so với các cuộc cách mạng trước đó (Klaus Schwab, 2018).
Tài liệu tham khảo
Klaus Schwab (2018), “Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”, Người dịch- Bích Ngọc, Mỹ Anh.
vi.wikipedia.org/wiki
Thái Bình, Thời đại mới cần kĩ năng mới, Theo The New York Times (1/1/2017) http://www.thesaigontimes.vn/155442/Thoi-dai-moi-can-ky-nang-moi.html
Hồ Tú Bảo, Hiểu về cách mạng công nghiệp lần thứ 4, (24/4/2017). https://vnexpress.net/tin-tuc/khoa-hoc/hieu-ve-cach-mang-cong-nghiep-lan-thu-4-3574624.html
Tô Hạnh