Một số thách thức về việc làm từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) trên thế giới và ở Việt Nam hiện nay

04/12/2018

(Tamly)- Theo Tổ chức Lao động quốc tế, 2/3 trong số 9,2 triệu lao động ngành dệt may và da giày tại Đông Nam Á đang bị đe dọa từ cuộc CMCN 4.0. Trong đó, 86% lao động các ngành may mặc, da giày của Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề từ làn sóng tự động hóa, công nghiệp hóa...

Ngày nay, có nhiều bài phát biểu của các chuyên gia kinh tế việc làm cho thấy, cuộc CMCN 4.0 sẽ ảnh hưởng tới nhiều khía cạnh của cuộc sống như giáo dục, kinh tế, các ngành sản xuất công nghiệp, dịch vụ, việc làm, robot ra đời….

Theo Giáo sư Acemoglu, ngay cả trong trường hợp tốt nhất, tự động hóa cũng sẽ làm cho thế hệ người lao động đầu tiên bị sa thải phải lâm vào cảnh hoạn nạn vì họ thường không có đủ kỹ năng để làm những công việc mới, phức tạp hơn (Thái Bình, theo Thời đại mới cần kĩ năng mới). Robert Stilwell, 35 tuổi, là một trường hợp như vậy. Anh chưa tốt nghiệp trung học và làm việc trong xưởng sản xuất phụ tùng xe hơi và máy công cụ; công việc của anh chỉ là đóng gói và xếp sản phẩm lên xe tải. Sau khi bị mất việc, anh phải đi làm nhân viên thu ngân cho một cửa hàng tiện lợi với mức lương thấp hơn rất nhiều. “Tôi từng có việc làm tốt, tôi thích các đồng nghiệp - cho đến khi tôi bị máy móc làm thay và bị sa thải” hay Dennis Kriebel, 55 tuổi, là giám sát một xưởng ép nhôm, nơi ông đã trải qua một thập niên đúc ra những bộ phận của xe hơi và xe tải. Thế rồi năm năm về trước, ông mất việc vào tay robot. “Mọi việc chúng tôi làm đều có thể lập trình để robot làm thay”. Từ đó, ông chỉ làm những việc lặt vặt; nhiều công việc mới ở xưởng đòi hỏi có kỹ năng công nghệ mà ông thì không rành máy tính và cũng chẳng muốn học hỏi thêm nữa. Không chỉ người lao động chân tay mới bị mất việc do tiến bộ công nghệ; ngay cả giới lao động “cổ cồn trắng” cũng đối mặt với nguy cơ bị sa thải khi máy vi tính đang nhanh chóng học cách thực hiện một số công việc văn phòng và dịch vụ. Tháng 7-2016, công ty tư vấn doanh nghiệp toàn cầu McKinsey đưa ra nhận định, công nghệ hiện đại có thể tự động hóa tới 45% khối lượng công việc mà con người được trả lương để làm. Chỉ có những ngành nghề liên quan tới sáng tạo, quản lý và chăm sóc sức khỏe con người là ít gặp rủi ro mất việc nhất.

Khi được hỏi về cuộc cách mạng công nghiệp này sẽ tác động nhất tới những ngành nghề, lĩnh vực kinh tế nào của Việt Nam? Ông Trương Gia Bình, chủ tịch tập đoàn FPT, cho biết, giai đoạn đầu tiên sẽ là thách thức với công nhân “cổ cồn”, bác sĩ, luật sư. Giai đoạn tiếp theo sẽ là lao động giá rẻ, có thể sẽ chậm hơn. Với sự chuyển động của cuộc cách mạng này, trong khoảng 15 năm sẽ có một diện mạo thế giới mới, đòi hỏi các doanh nghiệp phải có sự thay đổi. Điều đầu tiên mà các doanh nghiệp cần phải quan tâm đó là liên tục trao đổi chia sẻ, trao đổi, tìm hiểu thông tin. Cuộc cách mạng công nghiệp này sẽ dành cho tất cả mọi người, cả các nhóm nhỏ và thị trường sẽ đi vào thị trường cá nhân. Do đó, cơ hội cho mỗi người, mỗi doanh nghiệp sẽ rất lớn. Các doanh nghiệp lớn cần một chính sách thông minh để từng bước chuyển đổi sang doanh nghiệp thời gian thực (Phan Anh, “Cơn bão 4.0”: Đây sẽ là cuộc cách mạng lớn nhất).

Cũng theo xu hướng chung trên thế giới, người lao động sẽ đứng trước nguy cơ bị mất việc làm hoặc bị chuyển sang làm những công việc mang tính chất giản đơn vì tự động hóa sẽ thâm nhập vào các khâu trong quá trình sản xuất. Giáo sư Klaus Schwab trong cuốn “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư” đã nêu, hàng triệu người sẽ rơi vào cảnh thất nghiệp, đặc biệt là nhân công trong ngành vận tải, kế toán, môi giới bất động sản hay bảo hiểm (Người lao động 4.0, Bình Nguyên.) Sự phát triển của khoa học, công nghệ một mặt tạo ra năng suất cao hơn nhưng cũng khiến quá trình dịch chuyển lao động, sự biến mất của những vị trí việc làm cũ diễn ra nhanh hơn. Cạnh tranh lao động không chỉ diễn ra giữa người với người mà còn diễn ra giữa con người với máy móc (robot, trí tuệ nhân tạo). Theo Tổ chức Lao động quốc tế, 2/3 trong số 9,2 triệu lao động ngành dệt may và da giày tại Đông Nam Á đang bị đe dọa từ cuộc CMCN 4.0. Trong đó, 86% lao động các ngành may mặc, da giày của Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề từ làn sóng tự động hóa, công nghiệp hóa...

Từ những biến chuyển mạnh mẽ do tác động của CMCN 4.0, có thể thấy xuất hiện những thách thức mới đối với người lao động trên thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng, khi mà máy móc dần thay thế trong những hoạt động của con người. Làm thế nào để người lao động không bị sa thải bởi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là câu hỏi không chỉ chính người lao động lo lắng mà còn làm sẽ là bài toán lớn cho những nhà đầu tư, nhà quản lý cũng như những nhà hoạch định chính sách trong tương lai.

Tô Hạnh

Tài liệu tham khảo: 

1. Thái Bình. Thời đại mới cần kỹ năng mới. Nguồn truy xuất: The New York Times: Nguồn truy xuất: http://www.thesaigontimes.vn/155442/Thoi-dai-moi-can-ky-nang-moi.html

2. Phan Anh. Cơn bão 4.0: Đây sẽ là cuộc cách mạng lớn nhất. Nguồn truy xuất: http://vneconomy.vn/cuoc-song-so/con-bao-40-day-se-la-cuoc-cach-mang-lon-nhat-20170411094437993.htm

3. Bình Nguyên: Người lao động 4.0. Nguồn truy xuất: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Suy-ngam/867889/nguoi-lao-dong-40