Thích nghi với mẹ chồng

28/12/2010


Nghe mọi người kể lể, nói xấu mẹ chồng thành ra tâm lý tôi cũng lung lay theo. Về làm vợ anh, tôi “cảnh giác cao độ” với mẹ chồng. Nhất là khi vợ ông anh họ cảnh lại báo: “Thím ghê gớm lắm, em lựa mà sống. Cũng may là không ở cùng, nhỉ?”.
Tôi cố gắng giữ ý từ cử chỉ, đi đứng, ăn nói khép nép để còn tìm cách thích nghi, hòa hợp. Song do sống xa nhà chồng nên không có xích mích gì. Mỗi lần về thăm, mẹ đãi thịt gà nhà, rồi còn mổ cho một, hai con mang đi cất tủ lạnh ăn dần, cũng thấy vui và bớt sợ.

Thi thoảng tôi tặng mẹ chồng cái áo, mảnh vải, tấm khăn... mẹ có vẻ thích. Tình cảm qua đó hình thành rồi ấm dần dần, nhưng tôi vẫn sợ cảnh ở gần vì “cẩn tắc vô áy náy”, tốt nhất nên ở riêng cho an tâm.


Rồi chúng tôi có con, thành cảnh sống chung khi bà xung phong đến trông cháu cho tôi đi làm. Tôi vừa mừng vừa lo. Tôi cảm động vì bà đã bỏ công, bỏ việc đến giúp mình, mừng vì còn gì bằng bà trông cháu, nhưng lại lo hai mẹ con bất đồng quan điểm dẫn đến mối quan hệ đang tốt lại đi theo chiều hướng xấu.

Thế rồi, chồng tôi dặn dò: “Mẹ có nói gì, làm gì không bằng lòng, em đừng cãi lại hoặc lớn tiếng kẻo mẹ buồn, mà rồi hỏng việc của mình ra. Cứ để đó rồi bảo anh, anh góp ý với mẹ cho dễ”. Anh còn bày cách cho tôi nên từ từ mới có thể thay đổi kinh nghiệm và nếp nghĩ xưa của mẹ.

Tôi đi làm, bà xa gần nhắc tôi cho bé ăn bột. Chồng tôi quán triệt không cho ăn trước sáu tháng, tôi liền kể chuyện bâng quơ và chồng cùng phụ họa vào: “Thằng cháu con ở quê, sinh ra được bốn cân, rõ bụ bẫm nhưng do mẹ nó ít sữa, nhà lại nghèo, bà nội nó cho ăn bột sớm, giờ sáu tháng mà cân nặng còn kém thằng còi nhà mình, nghe nói bị đi ngoài, cam tướt suốt. Ruột nó còn non vậy mà đã bắt ăn bột, hại lắm!”. Mẹ chồng tôi im lặng rồi đồng tình. Tôi tiếp luôn: “Sách hướng dẫn, sáu tháng hẵng nên cho ăn bột, con cũng định thế”. Bà không phản đối.

Về cách dạy cháu, chồng tôi thủ thỉ: “Mẹ chồng chị Minh đảm đang thật, chị ấy bảo chỉ phiền bà mỗi cái là chiều cháu”, Bà hưởng ứng: “Ừ, thằng Bin hơi khóc là bà nhảy ra bênh, nó cậy có bà nên nhất quyết ho để không phải ăn cháo, toàn nhắc bà mua bim bim, thế mà bà cũng chiều. Tao đừng hòng, roi mây tao treo ở góc nhà rồi, nhênh nhang là ăn vụt ngay”. Bà nói thế nên đỡ lo phần nào trong việc nuôi dạy.

Tôi cũng chịu khó kể chuyện người khác để làm gương: “Cu Bin cứ phải đi viện dinh dưỡng suốt cũng do hồi chị Minh bảo cho ăn tôm, cua bà chê tanh. Cho tắm nắng bà càu nhàu: “Nòi nhà tao không có ai đen đâu đấy”, để rồi nhất quyết không cho nó tắm, giờ mười tám tháng mới có bốn cái răng, đầu bẹt cá trê, tóc rụng, đi viện dinh dưỡng chữa còi xương đến khổ. Lại thêm tật biếng ăn, cả nhà phải ba người dong dẻo, cộng với ba mươi phút mới bón cho ăn hết bát cháo. Mẹ con mình nên luyện cho cháu ngồi ăn một chỗ, vừa nhàn mình mà thằng bé cũng không lo hỏng dạ dày mẹ nhỉ...”.

Hai mẹ con cứ rảnh là chuyện trò, buôn dưa lê, cuối tuần mẹ chồng về quê lại thấy nhớ, vì phải “đánh vật” với con mệt quá. Thấy thương bà nhiều hơn, chẳng dám làm bà buồn.

Trích nguồn:http://dantri.com.vn/c130/s130-435315/thich-nghi-voi-me-chong.htm