Làm việc nhà có phải là trách nhiệm của riêng phụ nữ?

07/09/2018

(Tamly)- Ngày nay, phụ nữ tham gia các hoạt động bên ngoài, và kiếm tiền lo cho gia đình không ít hơn nam giới. Vậy, sự sắp xếp, phân chia làm việc nhà trong gia đình có cần phải tính toán lại với đàn ông cho công bằng?

 

Nếu như nhiều năm trước kia, trong gia đình phụ nữ thường được coi là người chịu trách nhiệm làm việc nhà. Mặc dù vậy, nhiều năm trở lại đây, phụ nữ  đã có nhiều cơ hội để tham gia các hoạt động bên ngoài, kiếm tiền lo cho gia đình như những người đàn ông trong gia đình. Càng ngày càng có nhiều phụ nữ cho rằng, việc làm bên ngoài đã chiếm mất nhiều thời gian và sức lực của họ, trong khi làm việc nhà khiến họ không còn đủ sức để cáng đáng. Rõ ràng, mọi sinh hoạt trong gia đình vẫn cần phải diễn ra hàng ngày: vẫn phải ăn, phải mặc, dọn dẹp nhà cửa… Vậy, phải chăng, sự sắp xếp, phân chia làm việc nhà trong gia đình cần phải xem xét lại?

Chịu ảnh hưởng quan niệm về giới, ngay từ nhỏ, các bé gái đã được mẹ dạy cách làm các công việc nhà, dường như là những bước để chuẩn bị cho các bé gái cách thức để sắp xếp và quản lý công việc liên quan đến hoạt động chăm sóc gia đình. Cũng trong gia đình ấy, cũng với bà mẹ ấy, nhưng các bé trai thường không biết cách làm những công việc như giặt ủi, rửa bát hay chuẩn bị đồ ăn… Các bé trai cũng ít thấy bố của mình chuẩn bị đồ ăn. Dường như có một sự mặc định ngay từ khi vẫn còn là cậu bé cho đến khi trở thành một người lớn rằng, làm việc nhà không phải là trách nhiệm của nam giới..

Nhiều nghiên cứu liên quan đến sự phân chia làm việc nhà giữa hai giới. Baxter, J., và Western, M. (1998) cho rằng, hầu hết các hộ gia đình, phụ nữ vẫn tiếp tục đảm nhiệm phần lớn các nhiệm vụ giữ, chăm sóc con và làm việc nhà. Vì vậy, họ dành nhiều thời gian cho làm việc nhà hơn so với nam giới. Kết quả này cũng được thấy ở nghiên cứu sau này của Yun-Suk Lee, Linda J. Waite (2005) khi khẳng định lại, có sự khác biệt về thời gian làm việc nhà giữa vợ và chồng. Thêm nữa, số lượng và tính chất công việc, trách nhiệm thực hiện công việc cũng có sự khác biệt. Lyn Craig (2006) cho rằng, người vợ lao động chân tay nhiều hơn, thời gian biểu cứng nhắc hơn, dành thời gian và trách nhiệm chăm sóc và quản lý con nhiều hơn so với người chồng, mặc dù người vợ cũng đã làm việc toàn thời gian ở bên ngoài. Mặc dù vậy, “nhiều nghiên cứu cũng cho thấy, sự phân bố lao động và thời gian giải trí trong gia đình đã có thay đổi. Đàn ông tham gia nhiều hơn vào công việc chăm sóc con cái như đọc sách cho con, tắm cho con, theo dõi việc học và tham gia các hoạt động ngoài trời cùng gia đình. Người bố cũng thích được gần gũi hơn với con cái của họ hơn so với bố của họ đối với họ trước đó” (dẫn theo Chore War: Household Tasks and the Two-Paycheck Couple). Điều này gián tiếp cho thấy, việc nhà đã được đàn ông chấp nhận thực hiện nhiều hơn, nhưng không phải các loại công việc nhà đều được họ chấp nhận như nhau, dường như công việc chăm sóc trẻ đem lại thích thú hơn so với những công việc khác, ví như việc giặt giũ hoặc dọn dẹp.

Thực tế cho thấy rằng, sự tranh cãi trong việc phân chia việc nhà vẫn diễn ra ở mỗi gia đình. Phụ nữ thường cảm thấy quá mệt mỏi khi phải làm quá nhiều công việc nhà, trong khi cả hai đều phải tham gia các công việc bên ngoài. Họ cũng cảm thấy sự mất công bằng khi họ phải làm nhiều hơn, cảm thấy áp lực hơn với những công việc mua sắm thực phẩm, chuẩn bị bữa ăn, dọn dẹp, tắm rửa cho con cái…, trong khi chồng của họ làm ít hơn và các công việc nhà của họ cũng nhàn hơn như cho con đi chơi, vui chơi cùng con,…). Trong khi đó, đàn ông cũng than phiền về việc họ phải chịu trách nhiệm về những công việc sửa chữa nhà cửa, xe cộ, hoặc làm các công việc ngoài trời… Rõ ràng, trong gia đình, cả vợ và chồng đều có những bất ổn và cảm giác khó chịu với làm việc nhà.

Làm việc nhà là một công việc cần thiết mà mỗi gia đình đều phải trải qua và thực hiện hàng ngày. Cảm giác khó chịu và các cuộc tranh cãi do không thể hòa hợp trong làm việc nhà không thể kéo dài. Họ sẽ phải thích ứng hoặc sắp xếp.  Mỗi gia đình sẽ lựa chọn cách thức phù hợp. Một số gia đình chọn các dịch vụ hỗ trợ, một số khác thì vợ hoặc chồng sẽ là người chịu trách nhiệm chính trong làm việc nhà. Không thể đánh giá cách sắp xếp làm việc nhà nào là đúng hay sai mà điều quan trọng nhất là sự sắp xếp này đã được thỏa thuận và thống nhất giữa vợ và chồng, đem lại sự hài lòng và cân bằng cho cả hai.

Tài liệu tham khảo

  1. Chore War: Household Tasks and the Two-Paycheck Couple. https://psychcentral.com/lib/chore-war-household-tasks-and-the-two-paycheck-couple/). Truy cập ngày 7/9/2018
  2. Yun-Suk Lee & Linda J. Waite (2005). Husbands’ and wives’ time spent on housework: A comparison of measures. Journal Marriage and Family, Vol 67, Iss 2, pp. 328–336
  3. Lyn Craig (2006). Does Father Care Mean Fathers Share? A Comparison of How Mothers and Fathers in Intact Families Spend Time with Children. Gender and Society. Vol 20, Iss 2, p.259-281.
  4. J. Baxter & M Western. (1998). Satisfaction with housework: Examining the paradox. Sociology, 32, 101-120

Minh Thu