Một số cách thức để giữ mối quan hệ lành mạnh giữa các cặp đôi

17/09/2018

Bất cứ cặp đôi nào khi kết hôn đều mong muốn có một cuộc sống lứa đôi hạnh phúc và lành mạnh. Mặc dù vậy, với thay đổi từ cuộc sống độc thân sang cuộc sống lứa đôi, họ cũng sẽ phải trải qua rất nhiều những biến cố và thăng trầm của cuộc sống gia đình. Vậy làm cách nào để mối quan hệ lứa đôi này được lành mạnh và vững bền. Bài viết “Happy couple: How to keep your relationship healthy” được đăng tải trên trang web Hiệp hội Tâm lý học Mỹ - APA đã gợi ý một số cách thức này. Xin được dịch để giới thiệu với bạn đọc.

Mối quan hệ lãng mạn rất quan trọng đối với hạnh phúc của chúng ta. Tuy nhiên, theo Kreider (2005) với hơn 40% các cặp đôi mới ly hôn, rõ ràng, mối quan hệ này không phải lúc nào cũng dễ dàng. May mắn thay, có những bước để bạn có thể cùng với người bạn đời của mình duy trì sự lãng mạn và có được mối quan hệ lành mạnh này.

Nói chuyện cởi mở

Giao tiếp được coi là một chìa khóa quan trọng trong một mối quan hệ lành mạnh. Những cặp đôi lành mạnh luôn dành thời gian bên nhau một cách thường xuyên. Ngoài việc cùng nhau nói chuyện về việc nuôi dạy con cái hoặc làm các công việc nhà, mà quan trọng hơn là họ vẫn cố gắng dành vài phút trong ngày để trao đổi sâu hơn và nhiều hơn về các chủ đề liên quan đến cá nhân. Điều này giúp cho họ giữ được sự liên kết với người bạn đời trong thời gian dài. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là tránh đưa ra những chủ đề khó khăn, bởi việc cố giữ và không bày tỏ những mối quan tâm và những vấn đề này với người bạn đời có thể gây ra những oán giận trong lòng. Nghiên cứu của Lavner và Bradbury (2012) đã phát hiện ra rằng cách giao tiếp quan trọng hơn mức độ cam kết, đặc điểm cá tính hoặc các sự kiện căng thẳng trong cuộc sống và điều này dự đoán được câu trả lời cho câu hỏi: liệu các cặp vợ chồng hạnh phúc có ly hôn hay không; đặc biệt, các mô hình giao tiếp tiêu cực như giận dữ và khinh miệt làm gia tăng khả năng chia tay của các cặp đôi.

Sự bất đồng/ không đồng thuận là điều không thể tránh trong bất kỳ mối quan hệ nào, nhưng có một vài kiểu giao chiến có thể gây tổn hại đến mối quan hệ. Nghiên cứu của Birditt, Brown, Orbuch và McIlvanem (2010) cho thấy, biểu hiện của các cặp đôi sử dụng hành vi tiêu cực, thiếu tính chất xây dựng là la hét, chỉ trích hoặc tránh né hoặc rút khỏi các cuộc tranh luận; trong khi đó các cặp đôi giao chiến mang tính xây dựng thì giải quyết những bất đồng bằng cách cố gắng tìm ra những gì mà người bạn đời đang cảm nhận, lắng nghe quan điểm và cố gắng làm cho người bạn đời cười. Các cặp đôi giao chiến mang tính tiêu cực có nhiều khả năng tan vỡ hơn so với những cặp đôi giao chiến mang tính xây dựng.

Có và giữ những điều thú vị cùng nhau

Trong rất nhiều mối quan tâm: con cái, công việc và những cam kết bên ngoài, thì việc kết nối riêng với người bạn đời thực sự trở nên khó khăn. Tuy nhiên, có nhiều lý do tốt để các cặp đôi cần nỗ lực. Nghiên cứu của Tsapelas, Aron và Orbuch (2009) đã tìm hiểu sự nhàm chán trong việc dự đoán chất lượng mối quan hệ của các cặp vợ chồng trong khoảng 9 năm, và đặc biệt quan tâm ở mốc năm thứ 7 và năm thứ 16 của cuộc sống hôn nhân. Kết quả cho thấy, hiện tượng nhàm chán có mối tương quan thuận với sự giảm hài lòng trong 9 năm sau đó.  

Để làm cho mọi thứ trở nên thú vị, một số cặp vợ có kế hoạch hẹn hò thường xuyên vào các buổi tối. Không nên để mọi thứ quá cũ kỹ và nhàm chán theo kiểu xem mãi một bộ phim, đi ăn chỉ ở một nhà hàng. Các chuyên gia khuyên các cặp đôi nên thoát ra khỏi những thói quen và thử trải nghiệm với những điều mới mẻ - ví như cùng khiêu vũ, cùng tham gia một lớp học nào đó, hay cùng có một chuyến dã ngoại vào buổi chiều.  

Sự gần gũi cũng là một thành phần quan trọng của các mối quan hệ lãng mạn. Một số cặp vợ chồng bận rộn thấy việc lên lịch quan hệ tình dục khá hữu ích. Nghe có vẻ không được tự nhiên bởi việc quan hệ tình dục liên quan nhiều đến cảm hứng, nhưng dành thời gian cho sự thân mật này giúp các cặp vợ chồng đảm bảo nhu cầu thể chất và tình cảm của họ được đáp ứng.  

Khi nào các cặp đôi nên tìm sự giúp đỡ?

Mỗi một mối quan hệ có những thăng trầm, nhưng một số yếu tố có nhiều khả năng tạo nên nhiều va chạm hơn so với những yếu tố khác. Vấn đề tài chính và những quyết định nuôi dạy con cái thường tạo ra các xung đột. Chỉ một dấu hiệu của một vấn đề cũng có thể tạo nên những xung đột  giống những xung đột khác trước đó. Trong những trường hợp như vậy, các nhà tâm lý học có thể giúp các cặp vợ chồng cải thiện giao tiếp và tìm ra những cách thức lành mạnh để vượt qua xung đột.

Đừng chờ đợi cho đến khi những dấu hiệu bất ổn trong mối quan hệ được rõ ràng mới cần sự giúp đỡ. Các chương trình giáo dục hôn nhân về việc dạy các kỹ năng như giao tiếp tốt, lắng nghe hiệu quả và đối phó với xung đột đã được chứng minh là làm giảm nguy cơ ly hôn.

Nếu bạn cần nhận được giúp đỡ chuyên môn để cải thiện hoặc tăng cường mối quan hệ của bạn, hãy đến với các nhà tâm lý học của APA để được trợ giúp

Tài liệu tham khảo 

·        Kreider, R. M. (2005). Number, timing, and duration of marriages and divorces: 2001. Current Population Reports. Washington, DC: U.S. Census Bureau. 

·        Lavner, J.A. & Bradbury, T.N. (2012). "Why do even satisfied newlyweds eventually go on to divorce?" Journal of Family Psychology, 26 (1): 1-10. 

·        Birditt, K.S., Brown, E., Orbuch, T.L., and McIlvane, J.M. (2010). "Marital conflict behaviors and implications for divorce over 16 years." Journal of Marriage and Family, 72 (5): 1188-1204.

·        Tsapelas, I., Aron, A., and Orbuch, T. (2009). "Marital boredom now predicts less satisfaction 9 years later". Psychological Science, 20 (5): 543-545. 

Nguồn : Happy couple: How to keep your relationship healthy. http://www.apa.org/helpcenter/healthy-relationships.aspx. Truy cập ngày 15/9/2018

Hoa Hồng (dịch)