Sự chung thuỷ có thể có lợi cho cả nam và nữ từ góc độ tiến hoá: Đàn ông có mối quan hệ một vợ một chồng sẽ không phải lo lắng về việc nuôi con của người đàn ông khác, và phụ nữ thì không cần phải lo lắng về việc người chồng sẽ đầu tư vào một mối quan hệ với người phụ nữ khác và đứa con riêng của họ.
Nhưng điều gì xảy ra nếu một trong hai người lừa dối và đột ngột rời bỏ mối quan hệ? Điều này sẽ khiến mỗi cặp đôi phải trả giá đắt, và đó là lý do vì sao mà mỗi người cần thực hiện các chiến lược giữ chân bạn đời.
Những chiến lược giữ chân bạn đời đề cập đến các hành vi nhằm giảm khả năng ngoại tình hoặc tan vỡ, chẳng hạn như mua quà tặng vợ/chồng. Một nghiên cứu gần đây được công bố trên Tạp chí Quan hệ Xã hội và Cá nhân (Journal of Social and Personal Relationships) đã xác định 3 nhóm hành vi giữa bạn đời.
Những chiến lược giữ bạn đời tiêu cực và tích cực
Trước khi thảo luận về kết quả nghiên cứu, chúng ta cần hiểu sự khác biệt giữa hai loại chiến thuật nhằm giảm nguy cơ gian dối hoặc rời bỏ mối quan hệ của một đối tác.
Thứ nhất: Nhóm chiến thuật nhấn mạnh vào khía cạnh tích cực của mối quan hệ hay còn được gọi là nhóm chiến thuật cung cấp lợi ích. Nhóm chiến thuật này bao gồm việc thể hiện tình cảm (như: tặng quà, khen ngợi…) và cung cấp nhiều loại hỗ trợ (như: hỗ trợ tài chính; chăm sóc khi ốm đau…). Logic của chiến lược này đó là, việc được hưởng những lợi ích trên sẽ khiến một người ít nghĩ đến việc lừa dối hoặc chia tay, trừ khi họ sẵn sàng để mất đi rất nhiều lợi ích đó.
Thứ hai: Nhóm chiến thuật nhấn mạnh vào khía cạnh tiêu cực của mối quan hệ. Đây là nhóm chiến thuật thay vì cung cấp lợi ích cho đối tác thì sẽ sử dụng những hành vi mang tính đe doạ, thị uy và những hành vi tiêu cực khác. Ví dụ, một người phụ nữ sợ rằng bạn trai sẽ lừa dối mình nên cô ta đã chế giễu và nhạo bàng anh ta trước mặt người khác để anh ta giảm bớt sự hấp dẫn trước những bạn tình tiềm năng (người có thể trở thành tình địch của cô ta). Hay một người đàn ông sợ mất vợ, nên anh ta có thể nói với cô ấy rằng anh ta sẽ tự sát nếu cô ấy bỏ anh ta.
Như vậy là các cặp vợ chồng có nhiều khả năng sử dụng nhóm chiến thuật giữ chân thứ nhất, thứ hai hoặc cả hai nhóm chiến thuật trên? Nghiên cứu được xem xét dưới đây sẽ trả lời câu hỏi này.
Ba nhóm chiến thuật để duy trì mối quan hệ
Mẫu nghiên cứu gồm 697 người (56% nam giới) đã có mối quan hệ với người khác giới trong 3 tháng hoặc lâu hơn. Độ tuổi trung bình là 29 tuổi (với phạm vi tuổi từ 18 đến 70). Độ dài trung bình của mối quan hệ là 6,5 năm
Sử dụng phương pháp phân tích cụm (Cluster analysis), nghiên cứu đã xác định 3 nhóm chiến lược dùng để duy trì mối quan hệ với bạn đời, bao gồm: thảnh thơi (disengaged), nhân từ (benevolent) và toàn diện (exhaustive).
Chiến lược thảnh thơi (Disengaged mate-retention)
Những người thuộc cụm chiến thuật này hiếm khi thực hiện các hành vi cung cấp lợi ích hoặc gây ra chi phí. Bởi họ tin rằng đối tác của họ dường như không thể không chung thuỷ.
Những niềm tin như vậy có thể phổ biến hơn trong các mối quan hệ đã có sự cam kết như hôn nhân. Nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng các hành vi giữ bạn đời giảm dần sau hôn nhân, có lẽ vì các cặp vợ chồng cảm thấy họ có thể có đủ sự tin tưởng vào nhau.
Những người cảm thấy có sự hờ hững về mặt cảm xúc cũng có thể sử dụng chiến lược này. Nghiên cứu cho thấy rằng những người sử dụng nhóm chiến thuật này ít có khả năng thân mật về thể xác với người bạn đời.
Chiến lược nhân từ (Benevolent mate-retention)
Những người sử dụng nhóm chiến thuật này thường cung cấp lợi ích cho đối tác và họ hiếm khi sử dụng bất kì một hành vi tiêu cực nào đó mà có thể gây hao tổn cho đối tác.
Nhóm chiến thuật này thường được sử dụng bởi những người có lòng tự trọng cao và hài lòng về mối quan hệ của họ. Những người coi trọng mối quan hệ - nhưng không sợ sự thiếu chung thuỷ - cũng thường xuyên sử dụng chiến thuật giữ chân này.
Chiến lược toàn diện (Exhaustive mate-retention)
Cụm thứ ba gồm những người sử dụng cả hai phương pháp cung cấp lợi ích và gây ra chi phí. Họ có thể thực hiện thêm những hành vi gây ra chi phí khi mà họ nhận thấy nguy cơ ngoại tình có vẻ cao. Và các cá nhân sử dụng phương pháp giữ chân này dường như ít thân mật hơn với đối tác của họ.
Kết luận về các chiến lược giữ chân bạn đời
Như vậy, nghiên cứu cho thấy 3 nhóm chiến thuật chủ yếu để duy trì mối quan hệ với bạn đời: thảnh thơi (nhóm chiến thuật không cung cấp lợi ích hoặc cũng không tạo ra tổn thất/chi phí), nhân từ (nhóm chiến thuật cung cấp lợi ích nhưng không gây ra tổn thất/chi phí) và toàn diện (nhóm vừa cung cấp lợi lợi và cả tạo ra tổn thất/chi phí).
Việc lựa chọn chiến thật nào đề duy trì mối quan hệ sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm lòng tự trọng và tài nguyên của một người. Khi mọi người không có đủ nguồn lực (như thời gian và tiền bạc), họ có nhiều khả năng sử dụng phương pháp gây ra tổn thất/chi phí hoặc là sử dụng cách tiếp cận thảnh thơi (tức chẳng cung cấp lợi ích cũng chẳng tạo tổn thất cho đối tác). Nghiên cứu này cũng cho thấy, đàn ông thường sử dụng chiến thuật giữ chân bạn đời bằng cách cung cấp lợi ích trong khi phụ nữ sử dụng chiến lược “thảnh thơi - Disengaged” để giữ chân bạn đời nhiều hơn, tức họ không cung cấp lợi ích cũng chẳng tạo chi phí/ tổn thất.
--------------------------------
Nguồn tài liệu dịch: Three way we try to Prevent breakups and infidelity. Nguồn: https://www.psychologytoday.com/us/blog/finding-new-home/201911/3-ways-we-try-prevent-breakups-and-infidelity. Truy cập ngày 09/12/2019.
Trang Đặng (dịch)