Xung đột/ mâu thuẫn trong hôn nhân có thể được coi là một điều bình thường giữa các cặp đôi. Dù tình yêu của các cặp đôi có nhiều đến đâu thì sự khác biệt về tính cách, quan niệm sống và những va chạm trong sinh hoạt hàng ngày cũng khiến cho tranh cãi và xung đột có thể xảy ra. Việc bạn và người bạn đời xử lý những xung đột, mâu thuẫn đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì cuộc sống hôn nhân và bảo vệ gia đình. Việc nói ra vấn đề là một kỹ năng giải quyết xung đột theo hướng lành mạnh mà các cặp đôi cần học và có thể học và thực hành được.
Các xung đột/ mâu thuẫn không nên giữ trong lòng, mà cần phải được nói ra cho vợ/ chồng bạn biết. Mặc dù vậy, việc nói ra cũng cần phải được chuẩn bị và có những lưu ý cần thiết:
- Thời điểm nói chuyện: Không nên nói ra vấn đề khi một hoặc cả hai đang bị phân tâm, mệt mỏi hoặc đói. Thời điểm tốt nhất để nói là khi cả hai bạn đã được nghỉ ngơi đầy đủ và có thể tập trung vào câu chuyện. Ví dụ: Nếu vợ/ chồng bạn vừa đi làm về, hãy cho họ một chút thời gian để thư giãn trước khi bạn kể ra điều khiến bạn bận tâm
- Ngồi xuống và đối mặt với nhau: Câu chuyện không thể bắt đầu nếu một trong hai người cứ đi đi lại lại, hoặc làm những việc khác, mà chỉ nên bắt đầu khi cả hai đã bình tĩnh và ngồi xuống. Việc nhìn vào nhau (hay còn gọi là giao tiếp bằng mắt với nhau) sẽ cho thấy rằng, bạn đang lắng nghe và quan tâm đến những gì vợ/ chồng bạn nói và mong đợi sự hồi đáp lại. Việc giao tiếp này giúp hai bạn gắn kết với nhau hơn.
- Thảo luận về vấn đề xung đột: Vấn đề được nói ra là để thảo luận, trao đổi, chứ không phải là để tranh cãi. Hãy tìm và nói ra vấn đề cơ bản, tập trung vào ý chính, chứ không phải là những vấn đề nhỏ nhặt, lan man. Những vấn đề nhỏ nhặt, lan man khiến cho vợ/ chồng bạn khó nhận ra và tập trung vào vấn đề xung đột.
- Tránh chỉ tay: Trong một vài cuộc nói chuyện, hành động chỉ tay thể hiện sự coi thường, và buộc tội với người đối diện. Và trong cuộc nói chuyện về xung đột, mâu thuẫn, việc chỉ tay vào vợ/chồng bạn khiến cho họ cảm thấy bị khinh thường, và phòng thủ, từ đó có thể khiến cuộc nói chuyện trở thành cuộc tranh cãi và có thể trở thành cuộc chiến, khiến cho xung đột/ mâu thuẫn trở nên trầm trọng hơn.
- Nói về cảm xúc, suy nghĩ của bạn về vấn đề xung đột: Vấn đề xung đột có thể khiến bạn mệt mỏi, chán ngán, cảm thấy không được tôn trọng và không được đánh giá cao. Mặc dù vậy, không nên quá tập trung vào việc buộc tội vợ/chồng bạn về vấn đề đó, mà hãy nói lên những cảm xúc không vui, những suy nghĩ không hài lòng về cách ứng xử của họ giúp họ hiểu vấn đề. Một vài từ bạn cũng nên tránh như “luôn luôn” và “không bao giờ” bởi nó những từ mang tính tần xuất hàm chứa nội dung buộc tội, mặc định cho hành vi. Ví như tình huống thường xuyên đi làm về muộn. Thay vì nói: "Anh không bao giờ nói với tôi khi làm về muộn, để tôi phải chờ cơm.”, mà hãy nói: “Em biết là anh không quan trọng về giờ giấc khi đi làm về, nhưng em sẽ vui hơn nếu anh về đúng giờ để ăn cơm với cả nhà, hoặc nếu về muộn thì anh hãy nhắn tin báo trước”.
- Lắng nghe tích cực: Thể hiện sự chú ý lắng nghe là một kỹ năng quan trọng trong việc giải quyết xung đột giữa vợ chồng. Một tâm trí cởi mở, ngôn ngữ cơ thể mang tính tập trung vào câu chuyện, không làm những việc khác có tính chất phân tán, hoặc sự phản hồi ý kiến của đối tác… không chỉ thể hiện rằng bạn đang tập trung vào câu chuyện, mà còn khiến cho vợ/chồng bạn cảm thấy được tôn trọng và cởi mở hơn với vấn đề họ đang nói.
- Thỏa hiệp: Khi các vấn đề xung đột đã được nói ra thì việc cùng nhau tìm ra giải pháp rất quan trọng. Nếu có giải pháp chung mà cả hai đều cảm thấy hài lòng và đồng thuận thì đó là giải pháp tối ưu, nhưng trong trường hợp không thể có giải pháp chung, cả hai bạn cần phải thay phiên nhau chấp nhận và thử các giải pháp ưa thích của từng người. Ví dụ, nếu vợ/chồng bạn thích sử dụng máy rửa bát nhưng bạn lại muốn rửa bát đĩa bằng tay, hãy thử sử dụng từng cách theo tuần tự. Thỏa hiệp có nghĩa là đôi khi bạn sẽ có được cách của bạn, trong khi những lần khác vợ/ chồng của bạn sẽ có được theo cách của họ.
Rõ ràng, trong cuộc sống hôn nhân, xung đột/ mâu thuẫn là điều khó tránh khỏi, nhưng khi nó đã xảy ra thì cần phải được đưa ra để cả vợ và chồng giải quyết. Mỗi cặp đôi đều có những hướng giải quyết khác nhau, nhưng việc đưa ra và trao đổi là cần thiết. Hy vọng với những thông tin của bài viết này sẽ giúp cho các cặp đôi có thể tham khảo và thực hành, áp dụng cho các vấn đề của chính mình.
Minh Thu
--------------
Tài liệu được dịch: Klare Heston (2020). How to Resolve Conflict in Marriage. Link: https://www.wikihow.com/Resolve-Conflict-in-Marriage.
Ảnh đại diện có tính chất minh họa. Nguồn: https://luatduonggia.vn/