Tọa đàm “Hành vi nói tục trong giao tiếp với bạn của sinh viên”

08/11/2021

(Tamly) - Ngày 02/11/2020, Phòng Tâm lý học Văn hóa tổ chức buổi tọa đàm “Hành vi nói tục trong giao tiếp với bạn của sinh viên”. Đây là hoạt động sinh hoạt khoa học định kỳ do Viện Tâm lý học tổ chức.

Buổi tọa đàm thu hút được sự quan tâm của các nghiên cứu viên, cán bộ Viện Tâm lý học

Tại buổi tọa đàm, thay mặt Phòng Tâm lý học Văn hóa, TS. Lê Minh Thiện - Phó trưởng phòng – đã trình bày khái quát kết quả nghiên cứu hành vi nói tục của sinh viên trong giao tiếp với bạn.

Thay mặt Phòng Tâm lý học, TS. Lê Minh Thiện - Phó trưởng phòng trình bày báo cáo tại tọa đàm

Nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát bằng bảng hỏi trên 268 sinh viên thuộc hai trường đại học tại Hà Nội. Kết quả nghiên cứu cho thấy một số điểm nổi bật sau:

1/ Hầu hết sinh viên đều thích dùng ngôn từ nói tục/chửi tục phổ biến trong xã hội hiện nay. Về nguồn lan, hơn một nửa số em chia sẻ rằng học/bắt chước dùng từ này từ bạn bè, người quen, người yêu (chiếm 63,4%). Các em thường xuyên nói tục với bạn ở trường (M = 3, 17), ngoài đường phố (M = 2,84) hoặc trong quán nét, quán trà đá vỉa hè (M = 2,79). Nơi các em ít dùng những từ tục nhất là tại nơi các em ở (nhà, phòng trọ). Các em nói tục/chửi tục bằng cả lời nói trực tiếp lẫn trên không gian mạng. Cho dù là nói chuyện riêng tư hoặc khi ở một mình, các em vẫn có thể nói tục/chửi tục. Về lý do nói tục/chửi tục, các em đưa ra khá đa dạng, như thể hiện cảm xúc tiêu cực hoặc tích cực, nói tục ngôn khí, trung thực với cảm xúc. Nói tục gây ra hiệu ứng nhất định trong xử lý cảm xúc tiêu cực và tích cực, trong thể hiện bản ngã của người nói.

2/ Điểm thú vị nhất mà nghiên cứu tìm ra được là khi đặt câu hỏi “Các em có coi hành vi nói tục/chửi tục trong giao tiếp với bạn là hành vi lệch chuẩn hay không?” thì kết quả thu được là gần một nửa (chiếm 49,6%) các em không coi đó là hành vi lệch chuẩn. Bởi các em cho rằng đó là một nét của văn hóa giới trẻ hiện nay hoặc do quen miệng…

3/ Một số giải pháp đã được nhóm nghiên cứu đưa ra nhằm hạn chế hành vi nói tục trong giao tiếp với bạn của sinh viên, như: Tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của sinh viên; Đưa ra các quy chuẩn, quy tắc, treo biển cấm ở nơi công cộng; Đưa ra chế tài xử phạt cụ thể đối với hành vi này… Nhưng quan trọng nhất, hữu hiệu nhất là bản thân sinh viên cần phải tự kiềm chế cảm xúc, đặt quy định cho bản thân, thay đổi thói quen, tự nhận thức, nghĩ trước khi nói…

4/ Như vậy, có thể nói, nói tục, chửi tục được sử dụng khá phổ biến xuất hiện dạng mới, đặc trưng của giới trẻ. Dường như nói tục, chửi tục dường như đã trở thành một phần của “tiểu văn hóa” thanh niên, một thói quen bình thường.

Chủ đề của buổi tọa đàm thu hút được sự quan tâm tham dự của các nghiên cứu viên, cán bộ trong Viện Tâm lý học.

Trong không khí sôi nổi trao đổi, tranh luận tại buổi tọa đàm, các nhà khoa học tham dự tọa đàm đều nhận định rằng, chủ đề này tuy không còn mới và lạ này nhưng chưa được nghiên cứu một cách cụ thể và kỹ lưỡng. Thông qua nghiên cứu này, hành vi lệch chuẩn trong giao tiếp bằng lời nói của sinh viên được phản ánh một cách rõ nét hơn. Giới trẻ đã không còn cái thời sử dụng ngôn ngữ @, ngôn ngữ tự chế được mã hóa theo các phong cách mới, lạ… nữa mà giờ giới trẻ đã coi hành vi nói tục/chửi tục cả trực tiếp lẫn trên không gian mạng là một phần của “tiểu văn hóa”, là một phần của xã hội hiện nay. Tuy còn một số hạn chế về phương pháp chọn mẫu, về địa bàn nghiên cứu nhưng nghiên cứu đã phác họa bức tranh hành vi lệch chuẩn bằng lời nói của sinh viên hiện nay cũng như đưa ra những gợi mở cho nghiên cứu kế tiếp khi tìm hiểu về hành vi lệch chuẩn của giới trẻ hiện nay nói chung, của sinh viên nói riêng.

Huyền Trang