Một số lưu ý giúp các bạn trẻ vượt qua những căng thẳng ở giai đoạn cuối tuổi vị thành niên

31/07/2023

(Tamly) - Cuộc đời của con người có rất nhiều mốc quan trọng đi theo các lứa tuổi. Và thật hạnh phúc và tự hào nhìn lại những thăng trầm, những biến cố mà chúng ta đã trải qua. Chúng ta thường có xu hướng quan tâm nhiều đến lứa tuổi thanh thiếu niên – tuổi dậy thì – với nhiều thay đổi cả về tâm và sinh lý. Nhưng thường ít chú ý đến những căng thẳng ở giai đoạn cuối tuổi vị thành niên với nhu cầu trưởng thành.

Tuổi cuối vị thành niên và bắt đầu với những nhu cầu trưởng thành thường trong độ tuổi 18-23. Sự phức tạp ngày càng gia tăng của cuộc sống, cộng với nhu cầu được trưởng thành cũng có thể gây ra những căng thẳng về thể chất và tinh thần.

Tôi vẫn còn nhớ rõ về những cảm xúc của mình khi tôi bước qua tuổi 18, với dấu mốc quan trọng là bước vào trường đại học. Bố mẹ tôi dường như nhìn nhận tôi như một người trưởng thành hơn. Đôi khi họ hỏi ý kiến tôi về một vấn đề nào đó, đôi khi họ lại để tôi tự do và độc lập giải quyết những việc mà tôi chưa sẵn sàng, mà những điều này trước đó chưa bao giờ xảy ra… Tôi rơi vào trạng thái căng thẳng, thậm chí là sợ hãi, nhưng cũng cảm thấy thích thú với sự độc lập này. Hẳn là nhiều bạn sẽ trải qua những cảm xúc giống như tôi. Sự chuyển đổi này khiến các bạn trẻ dễ bị tổn thương nhưng cũng đầy thử thách thú vị với những điều mới mẻ. Từ những trải nghiệm cá nhân, tôi nghĩ rằng, để vượt qua giai đoạn này và để sự độc lập này được thực hiện một cách có quản lý và có trách nhiệm, các bạn trẻ cũng cần có 3 lưu ý: 1/ Theo dõi mức độ căng thẳng; 2/ Điều tiết nhu cầu bản thân; và 3/ Chăm sóc bản thân  

- Theo dõi mức độ căng thẳng:

Nguyên nhân chính của viêc căng thẳng ở giai đoạn này chính là các bạn trẻ phải đối mặt với một số lượng lớn nhu cầu, và đấu tranh để đảm nhận trách nhiệm tự quản lý. Mặc dù vậy, năng lượng, khả năng và thời gian của cá nhân lại bị hạn chế, chính vì vậy, việc quản lý trở nên khó khăn quá mức khi nhu cầu phát sinh và quá tải. Việc ép buộc mình phải đối phó một cách có hiệu quả với một nhu cầu nào đó trong một thời điểm sẽ khiến cho một số các bạn trẻ chịu những căng thẳng tổn thương cả về mặt tinh thần, thể chất và tình cảm. Ví dụ rất thường thấy ở sinh viên là khi không quản lý tốt về  việc học tập, họ thường rơi vào trạng thái học ngày học đêm với sự tập trung cao độ khi chuẩn bị đến ngày thi. Mặc dù sau đó họ sẽ thở phào nhẹ nhõm, hoặc thích thú và tự hào về những gì đã trải qua, nhưng nếu những căng thẳng này kéo dài liên tục thì sẽ ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của họ.

Trì hoãn những gì cần thiết nhưng bản thân chưa mong muốn có thể là những nguyên nhân chính gây ra căng thẳng. Mặc dù căng thẳng là điều không thể tránh khỏi trong cuộc sống, nhưng căng thẳng liên tục có thể gây ra tình trạng suy nhược cơ thể và tinh thần.

Căng thẳng có thể được nhận ra thông qua các dấu hiệu (tương ứng với các mức độ) sau: 1/ Mệt mỏi – Biểu hiện của sự kiệt sức; 2/ Phàn nàn – Biểu hiện của sự khó chịu; 3/ Thờ ơ – Biểu hiện của sự mất động lực đáng kể; 4/ Sụp đổ - Biểu hiện của việc cảm thấy không thể tiếp tục được nữa.

Chính vì vậy, việc nhận ra và theo dõi những mức độ căng thẳng là cần thiết. Không nên để những căng thẳng này trở thành một thói quen thường xuyên, nhất là những căng thẳng do lối sống gây ra. Nhận diện mức độ của sự căng thẳng này có thể giúp cho các bạn trẻ điều chỉnh kịp thời, nhất là khi mức độ căng thẳng đầu tiên có thể được coi như một cảnh báo cần thiết, giúp các bạn trẻ tránh để mình rơi vào những mức độ nặng hơn và giảm những tác động tiêu cực nghiêm trọng.

- Điều tiết nhu cầu bản thân

Việc cùng một lúc có rất nhiều nhu cầu hoặc có một nhu cầu quá mức sẽ khiến cho các bạn trẻ căng thẳng. Một số bạn trẻ đề ra những mục tiêu và quyết tâm đạt được nó. Ví như họ quyết tâm trở thành người luôn luôn đứng đầu, hoàn hảo trong mọi việc, họ cũng không cho phép mình ở thứ bậc thấp hơn, không được sai phạm,… Sự khắt khe đối với bản thân, và sự buộc mình phải đạt tới mục tiêu, đáp ứng nhu cầu cầu quá mức sẽ khiến cho các bạn trẻ luôn trong tình trạng căng thẳng một cách thường xuyên.

Sự tập trung quá mức vào tham vọng và thành tích của mình sẽ khiến họ không nhận ra hoặc gạt bỏ đi những niềm vui khác của lứa tuổi, những điều tốt đẹp khác,... đang diễn ra xung quanh. Vì thế, điều tiết những nhu cầu của bản thân có thể giúp các bạn trẻ vượt qua giai đoạn của lứa tuổi này một cách yên vui và hạnh phúc.

- Chăm sóc bản thân

Ở lứa tuổi này, một số em phải tự tìm kiếm việc làm và nuôi sống bản thân. Sự tập trung và ưu tiên công việc ở thời điểm này sẽ  khiến các em bỏ bê việc chăm sóc bản thân. Một số em khác lại dễ bị tổn thương và việc duy trì tập trung vào giải quyết các nhu cầu gây ra tình trạng căng thẳng quá mức cũng khiến các em tìm đến các chất kích thích (rượu, ma túy…) để làm khuây khỏa hoặc trốn tránh. Việc này có thể làm cho các em thoải mái trong thời điểm dùng, nhưng nó lại khiến các em mắc kẹt trong việc tự hủy hoại mình khi tần suất sử dụng các chất kích thích ngày càng thường xuyên và gia tăng.

Chính vì vậy, biết nhận diện tình trạng của mình và biết cách chăm sóc sức khỏe của mình cũng là điều cần thiết đối với các bạn trẻ. Đừng vì những mục tiêu quá mức mà bỏ bê bản thân, hoặc tìm đến những chất kích thích. Hãy biết sớm quý trọng sức khỏe của mình.

Và cuối cùng, khi con của chúng ta đã qua 18 tuổi – theo quy định của pháp luật là tuổi thành niên – nhưng không vì thế mà chúng ta hoàn toàn vứt bỏ sự giám sát ấy. Các bậc phụ huynh hãy chuẩn bị cho con có một hành trang tốt nhất để con dễ dàng và thuận lợi hơn trên con đường độc lập trưởng thành. Việc này cần phải làm trước đó. Và nếu không có sự chuẩn bị trước đó thì hãy bên cạnh con, hướng dẫn, hỗ trợ, cho con biết những điều được và mất trong những vấn đề của con,… nhưng cũng hãy cho phép con có quyền được quyết định những gì mà con muốn. Sự độc lập để trưởng thành của các bạn trẻ cần có thời gian và những trải nghiệm cần thiết, ngay cả những trải nghiệm mà các bậc phụ huynh hoàn toàn không mong đợi.  

Minh Thu

Nguồn ảnh đại diện: https://yhoccongdong.com/thongtin/tao-thoi-quen-cho-con-tre-tap-the-duc-thuong-xuyen/